Làng Thạch Thượng nổi tiếng nghèo. Trong số hộ góp nên “thành tích” phải kể lão Ngệch. Tài sản của lão là căn nhà tranh, xung quanh trét đất sét. Trên người luôn độc chiếc quần cộc. Lão chưa từng ra khỏi làng. Nơi xa nhất lão đến là đỉnh Hòn Rằm.
Nghề của lão người ta gọi: “thợ đụng”.
Lão có bốn con: hai trai, hai gái. Thằng lớn có vợ đúng nghĩa. Con kế không chồng: hai con. Thằng thứ ba lang thang Sài Thành trong cơn bão di cư và nghe đâu đã kiếm được người gá nghĩa.
Lão còn con gái út. Tuy không biết làm chi? Ở đâu? Nhưng thi thoảng về thăm lão, thăm quê. Đối với lão, nó là đứa con hiếu thảo!
Vào đêm mưa gió, bên ngoài, sấm chớp xanh ngoằn xé toạc nền trời. Trong căn nhà tranh, ngọn đèn dầu leo lét. Lão nằm. Đầu gối thớt gỗ mun. Ở giữa lõm một hốc bằng cái đầu. Lão nhồi lá thuốc lào vào điếu sét nung. Ánh lửa chốc chốc lóe lên, bập bùng tựa lân tinh.
Ký ức ngày xưa ùa về. “Lão được người hàng xóm gọi làm cây trên núi. Ngày công hai cân gạo. Hai cân bảy lon tư. Lon Ông Thọ. Sáng dậy, chum gạo còn vài hạt, không đủ bốn tàu há mồm một bữa. Phần lão mấy khúc sắn. Trên núi lão hì hục, cặm cụi, cưa, đục, đẽo. Ở nhà mấy đứa con chắc đang hí hoáy, múc, móc, đào hầm tìm cơm.
- Anh Ngệch rửa mặt rồi ăn cơm. Chủ nhà gọi khi lão vứt khúc gỗ ngoài sân.
- Khỏi cần. Như ri ăn cũng được.
Lão ngồi xuống. Bụng cồn cào. Đã hơn tuần chưa được bữa cơm. Toàn sắn. Chưa vơi nửa chén, lão đứng dậy.
- Tui xin lỗi... - Lão ấp úng.
- Có chi không anh? - Chủ nhà hỏi.
- Chị đừng la tui mới nói.
- Anh nói đi.
- Mấy đứa con ở nhà hết gạo. Chị cho tui mang phần này về. Giọng lão run.
- Được rồi, anh ăn đi. Lát nữa tôi nấu thêm anh mang về.
- Thôi chị. Tui xin chỗ này được rồi.
Lão bê rổ cơm cùng mấy đĩa thức ăn. Con đường qua khoảnh rừng, mấy đám ruộng. Vậy mà hôm nay xa đến lạ? Bóng tối phủ lả tả trên những tán cây. Sao đã rải rác chân trời. Cơn gió đưa nhẹ đám lúa đang thì mơn man khắp người. Từ xa, mấy đứa con đã ào ra. Thằng lớn bê mâm cơm reo to: “Hôm nay anh em ta được ăn cơm không thỏa thích ”.
***
Tiếng xe Mink ùng ục cắt ngang dòng hồi ức.
- Ai lại đến giờ này nhỉ? - Lão thầm nghĩ.
Xe máy quay đầu vút đi, ngay sau tiếng cót két tấm phên tre.
- Ba ơi… Ba. Mở cửa con vào với. Giọng người run run.
Lão nhổm dậy. Với tay vặn ngọn đèn. Miệng ngậm ống điếu. Lom khom bước ra cửa. Tay bê cây đèn. Tay gỡ thanh chắn.
Lão nhận ra con út. Lão mừng rơn.
Con út lại về thăm!
Nhưng chao ôi! Lão không muốn tin. Lão dụi mắt. Mong rằng đang mơ. Lão ngắt đau điếng vào đùi. Và biết mình đang tỉnh.
Trước mặt là cơ thể tiều tụy. Cái bụng vượt mặt cùng màu da vàng ủng dưới ánh sáng nhợt nhạt của cây đèn leo lét trước bão. Lão lờ mờ hiểu. Thì ra là vậy! Đó là nguyên nhân lâu nay làng xóm bàn ra tán vào.
Lão đứng chôn chân. Miệng á khẩu. Từng nếp nhăn già nua giần giật. Chiếc điếu rơi bộp xuống nền đất lồi lõm hục hang.
- Ba cho con vào nhà. Con lạnh quá.
Giọng nói kéo lão về thực tại. Lão dịch tấm vách sang bên. Đứa con nhích thân hình ướt nhèm đến bên chiếc giường ọp ẹp, mắt nhòe lệ.
- Ba tha lỗi. Con bất hiếu. Con không muốn sống nữa….
- Đừng nghĩ dại. Chuyện chi còn đó. Bình tĩnh kể ba nghe. Lão lập bập.
Đứa con im lặng. Răng trên cắn chặt môi dưới tứa máu. Mặt nhợt nhạt. Mắt ngân ngấn không dám nhìn. Lão hiểu không nên hỏi thêm nữa.
Mưa, gió đang quất từng cơn lên căn nhà xiêu vẹo như muốn bứt đi những gì mong manh còn lại. Lão ngồi im lìm trong góc tối. Tay vốc từng vốc thuốc nhồi vào ống điếu. Mắt tóe lửa. Đầu căng ra cùng mớ suy nghĩ lẫn lộn.
Lão hận! Hận trách nhiệm làm cha sao để con tha hương.
Lão trách! Là trách tại sao bọn trẻ không ở quê cơm cháo cùng lão? Cả mấy đời nhà lão, xung quanh đây, làng xóm này, lớp người như lão có ai chết vì làm nông đâu. Sao bây giờ bọn trẻ lại dễ dàng bỏ làng, bỏ quê hương đất tổ, bỏ cái nghề nông nghìn đời nay và mảnh đất hương khói ông bà để lại.
Đêm vẫn mịt mùng như những dấu hỏi. Đâu đó chỉ vọng tiếng côn trùng trắc ẩn.
Một mùi hăng hắc bỗng xộc mũi. Trên chiếc giường xập xệ, đứa con miệng sùi bọt. Khuôn mặt co giật. Lão hoảng hốt nhận ra chai thuốc sâu. Lão rùng mình vụt đến chiếc giường, tay bế xốc con rồi quăng mình lao đi.
Tình phụ tử thiêng liêng, khúc ruột dứt ra, chăm ẳm nuôi nấng, lão quyết không để con chết. Mặc:
Mưa.
Gió.
Đêm đen.
Sức già.
Lão đang cõng con gái băng đi.
Trên con đường nhầy nhụa, bùn đất ngập gối. Lão quỵ ngã. Rồi đứng lên. Lại đổ sầm xuống. Lại lồm cồm ngồi dậy.
Cứ thế.
Lão đi.
Lão chạy.
Lão ôm con trên tay.
Lão cõng.
Con đường mênh mông trắng xóa. Dòng nước sôi ầm ầm xoáy vào tai. Lão biết nước đã vượt cầu không thể qua. Ngày xưa, mùa nắng, tại đây cha con thường tắm giặt, nô đùa. Mùa lũ, sông lại cắt đôi làng và đã từng cuốn trôi mấy người.
Lão ngước mặt cầu nguyện. Chân bám sâu mặt cầu xói lở. Hai tay ôm chặt con. Lão bước từng bước. Loạng choạng.
Sức người, sự cố gắng của con người chỉ hữu hạn trước thiên nhiên vô hạn. Bước chân lão hụt đi trong dòng nước điên cuồng. Lão lặn hụp, vật lộn. Mắt bỗng nhòe đi. Người nhẹ tênh.
Sợi chỉ mong manh nối kết cha - con đã bị cắt đứt. Lão gào lên thê thảm. Lão réo gọi con át cả mưa gió.
Và giữa lằn ranh của sự sống – chết, của tình phụ - tử, tiềm thức sống của con người trỗi dậy mãnh liệt. Lão bám được thân cây trôi vào bờ. Lão quỵ ngã trên bờ ruộng xâm xấp. Lão trôi bồng bềnh trong mênh mông hơi thở vũ trụ và mùi ngai ngái bùn đất gắn chặt cuộc đời.
Lão và con gái được đưa đến trạm xá nhờ người chăn vịt sớm. Nơi mà lão đã cố gắng để đến trong đêm.
Đêm đã tan. Hừng đông đã bắt đầu nơi chân trời trong tiếng khóc oe oe của một sinh linh vừa chào đời trên mảnh đất quê hương.
Sự hồi sinh đó có thể nhờ tình phụ tử thiêng liêng? Hay mùi đất quê thân thuộc?
Đà Nẵng, ngày 23-6-2008
Truyện ngắn của LÊ NGUYỄN QUỐC VIỆT