.

Hương ước - bảo tàng hóa di sản

.

Không chỉ có hương ước của dòng họ, của làng có từ hàng trăm năm trước, những quy ước tộc họ được xây dựng mới hiện nay vừa kế thừa văn hóa truyền thống vừa đưa những tiêu chí văn hoá mới vào cuộc sống, giúp mỗi người có một “bản lề” trong cách nghĩ và hành động...

Từ hương ước đến quy ước

Ông Đặng Khôi, người lưu giữ hương ước làng Túy Loan, xã Hòa Phong.

Những “lệ làng” với các thiết chế văn hóa từ ngàn xưa được truyền miệng, ghi nhớ qua bao thế hệ nay được lưu giữ cẩn thận tại các nhà thờ, dòng tộc và trong lối sống của mỗi người dân, được gọi là hương ước. Hương ước quy định truyền thống của làng, của dòng họ, từ việc ma chay, cưới hỏi cho đến tính đoàn kết trong mỗi gia đình. Theo ông Lê Văn Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hòa Vang, ngày xưa hầu như làng nào cũng có hương ước, được quy định trong cách đối nhân xử thế, và sẽ được ghi nhớ bằng cách truyền miệng hay bằng văn bản dựa vào nguồn gốc làng giàu hay nghèo, có người đậu khoa bảng hay không, vì chỉ nhân sĩ trí thức mới soạn được hương ước.

Những bản hương ước được viết bằng chữ Hán, hoặc chữ Nôm, hiện nay được dịch ra bằng chữ Quốc ngữ. Nhưng ông Đặng Khôi, Trưởng ban Tổ chức lễ hội Đình làng Túy Loan, xã Hòa Phong, Hòa Vang, người giữ hương ước của làng vẫn bỏ công ngồi chép lại bản hương ước ấy bằng lối chữ Nôm. Trong đó có đoạn “trong cuộc sống quý ngài ghi lại rằng: làm người sống ở đời mà không tự lập, không lấy lẽ công chính mà truyền dụ cho mọi người đoàn kết nhau lại để sống, ấy là kẻ sống thừa... Bà con ta trong làng để giữ được truyền thống của Tổ tiên được lưu truyền mãi mãi, chúng ta đời đời phải noi gương Tổ tiên thực hiện đại đoàn kết xây dựng quê hương giàu đẹp...”. Bản hương ước bắt đầu được lập vào ngày 8-7 năm Duy Tân cửu niên (1915) và đến nay vẫn còn nguyên giá trị đối với người dân làng Túy Loan, kể từ lúc lập làng vào cuối đời Hồng Đức-năm 1473 đến nay.

Đất nước trải qua nhiều biến cố thiên tai, địch họa nên các bản hương ước của làng, của dòng họ đến nay chỉ còn rất ít, tập trung ở những dòng họ lớn ở Hòa Phong như họ Nguyễn, họ Phạm, họ Đặng... Còn tại làng Hòa Mỹ, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu - một làng giữ được nhiều truyền thống cha ông nhưng bản hương ước cũng không còn.

Một bản hương ước sẽ là căn cứ để con cháu các dòng họ đời đời noi theo. Không còn hương ước, những quy tắc ứng xử, những quy định đối với gia đình, làng xóm, đất nước vẫn ăn sâu vào đời sống, tình cảm mỗi người Việt, vì đó chính là văn hóa truyền thống của dân tộc. Khoảng 10 năm trở lại đây, khi kinh tế phát triển, các làng khôi phục lại các hương ước, quy ước để tôn vinh họ tộc và giáo dục con cháu. Nhiều dòng họ ở Hòa Vang, Liên Chiểu lập lại hương ước của dòng họ, nói chính xác hơn đây chính là bản quy ước, kế tục những quan điểm, lời dạy của cha ông, đưa thêm những quy định mới về văn hóa của Đảng, Nhà nước trong thời đại mới. Theo những người là trưởng các tộc họ ở Hòa Vang, Liên Chiểu và đại diện Ủy ban MTTQ các xã, phường thì những bản quy ước được lập mới, các tiêu chí đều có “biên độ” khoảng 10-20 năm, có thể thay đổi khi chính sách về văn hóa thay đổi hoặc thêm mới.

Ông Ngô Hồng Minh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang cho biết, có nhiều tộc họ ở xã đã tự lập bản quy ước, do những ông trưởng tộc tập hợp và đề ra quy định, không có văn bản, họ làm một cách tự phát nhưng điều đó chứng tỏ những người cao niên rất coi trọng các quy định trong lối ứng xử cho con cháu mình. Đến năm 1998, khi Nghị quyết Trung ương 5 đưa vào cuộc sống, các làng, dòng họ mới triển khai lập các bản quy ước theo hướng dẫn của nghị quyết. Và sau đó được bổ sung thêm những tiêu chí mới theo các chương trình “5 không” và “3 có” vào các năm 2000 và 2005.

Tháng 5-2008, sau 10 năm xã Hòa Tiến có hội nghị Hội đồng chi phái tộc, từ 87 đã tăng lên con số 112 chi phái tộc tham gia Hội đồng; bản dự thảo quy ước họ tộc được cơ quan Ủy ban MTTQ xã lập hoàn chỉnh đã có 11 thôn lập hương ước, 47/87 tộc họ lập xong quy ước tộc họ. Các dòng họ cũng không nhất thiết phải theo bản quy ước mẫu, mà tùy thuộc vào quy định của dòng họ mình, như quy ước của tộc Nguyễn Văn ở thôn La Bông có 7 chương, 32 điều; tộc Nguyễn Văn ở thôn Bắc An chỉ có 6 chương, 27 điều.

Ông Minh nhận xét rằng, quy ước tộc họ có tính giáo dục và tác động xã hội rất cao. Vì khi con cháu của tộc họ nào có các hành vi vi phạm pháp luật như trộm cắp, đánh nhau, chưa đến mức truy tố, bị nêu tên ở đài truyền thanh xã, và ông trưởng tộc phải có trách nhiệm đến nhận lỗi với chính quyền. Những quy định đó buộc những gia đình trong tộc họ ngồi lại với nhau bàn cách giáo dục con cháu, tính gắn kết của mỗi thành viên nhờ đó cũng tăng lên.

Giảm tính áp đặt trong quy ước

Bản quy ước tộc Nguyễn Văn, thôn Bắc An, xã Hòa Tiến được lập vào năm 2008.

Hòa Vang là địa phương giữ và lập được nhiều hương ước, quy ước tộc họ nhất của Đà Nẵng. Đến nay cả huyện còn khoảng 10 hương ước tập trung ở những làng Cẩm Toại, Túy Loan, Bồ Bản; có khoảng 90 quy ước, có 18 làng chưa thể xây dựng được quy ước do đây là những làng mới, kết cấu dòng tộc chưa có. Trong năm 2008, huyện Hòa Vang đã phê duyệt được 30 quy ước gia tộc. Theo ông Lê Văn Cảnh thì “trong một giềng mối gia tộc sẽ dễ xây dựng hương ước, quy ước hơn”.

Các làng của phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu đã có lịch sử lập làng hàng trăm năm nay nhưng chỉ có làng Trung Nghĩa là có hương ước (không còn văn bản, nội dung chỉ có truyền miệng), quy định về ruộng cúng đình, cúng miếu, tôn trọng huyết thống... Ông Trương Quang Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Hòa Minh cho biết, cách đây 3 năm làng Trung Nghĩa đã lập lại hương ước, nhưng sau đó bổ sung thêm các quy định mới như khay lễ để trình làng trong việc lễ trọng đã giảm bớt số lượng, lệ rải vàng mã trong lễ tang...

Nửa năm nay, bản hương ước được đưa ra thảo luận rộng rãi trong các dòng họ nhưng vẫn chưa tập hợp đủ ý kiến. Ông Phước cho rằng nếu quy ước quá nặng nề dễ dẫn đến áp đặt tinh thần tự nguyện và lấy quy định xây dựng văn hóa làm hương ước sẽ dẫn đến hành chính hóa những quy định mang tính cộng đồng. Do đó các làng, các tộc họ cần có thời gian xây dựng quy ước, hương ước chứ không thể áp đặt để rồi không dung hòa được ý kiến của các thế hệ trong mỗi dòng họ.

 
Quy trình lập quy ước gia tộc gồm những bước:

hội đồng gia tộc lấy ý kiến của toàn thể con cháu (dựa trên quy định về xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư của Nghị quyết Trung ương 5), chuyển lên cơ quan Ủy ban MTTQ xã, phường; quận, huyện, sau khi đã hoàn chỉnh, Chủ tịch UBND quận, huyện ký xác nhận, thì bản quy ước đó có tính pháp lý.

 

Hoàng Nhung

;
.
.
.
.
.