.

Không làm quan thì... ở tù

.

Chí sĩ Lê Bá Trinh (1875 - 1934) người xã Hải Châu Chánh, huyện Hòa Vang; nay thuộc quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Khoa Canh Tý (Thành Thái thứ 12 - 1900), ông đỗ Cử nhân hạng 4/42 tại Trường thi Thừa Thiên. Năm sau, ông dự thi Hội, trong khi cả khoa chỉ chọn lấy đỗ có 13 Phó bảng thì ông xếp hạng thứ 14.

Mộ Chí sĩ Lê Bá Trinh tại Nghĩa trang Hòa Sơn, thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: V.T.L)

Theo lời “Tự bạch” của ông để lại trong văn phả dòng họ, thì “mặc dù không đỗ Tiến sĩ hoặc Phó bảng, nhưng (ông) vẫn đủ điểm để được bổ làm quan”. Tuy nhiên vì thời cuộc, vận nước trong cơn đảo điên, ông quyết không ra làm quan mà nuôi chí dấn thân vào con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, tham gia vào các phong trào yêu nước của các chí sĩ đồng hương như: Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng...

Năm Nhâm Dần (1902), nhân chuyến tuần du Ngũ Hành Sơn của vua Thành Thái, ông mạnh dạn đón đường đội sớ, quỳ ngay trước xe vua để tỏ bày những tệ nạn, phần thì tham quan ô lại, nhũng nhiễu hà hiếp dân lành, phần thì sưu cao, thuế nặng làm cho nhân dân sống trong cảnh bần hàn, nô lệ... Một số học trò của ông ở Ngũ Hành Sơn kéo nhau đi xem thầy mình dám “can gián vua”, trong đó có Hương thí Mai Ngô – người kể lại chi tiết câu chuyện này.

Chẳng bao lâu sau đó, ông được sắc chỉ của vua, sức lên huyện Hòa Vang nhận quyết định bổ nhiệm làm Tri phủ Điện Bàn. Tuy nhiên, ông lấy cớ phụng dưỡng cha mẹ già yếu để từ chối việc làm quan. Song, từ đó người địa phương từ Hải Châu cho đến Ngũ Hành Sơn (nơi ông ở ẩn) đều tỏ lòng tôn kính, xưng tụng ông bằng cái tên trìu mến là “Ông Phủ Lê” thay vì gọi “Thầy Cử Trinh”. Người đời gọi hang động nơi ông ẩn mình ở ngọn Hỏa Sơn (thuộc Ngũ Hành Sơn) là hang “Ông Lê”, nay vẫn còn dấu tích.

Tù nhân Lê Bá Trinh đang mài đồi mồi tại Côn Đảo. (Ảnh do Phan Châu Trinh chụp năm 1910, lưu tại kho tư liệu Pháp)

Một lần, ông cùng Hương thí Lê Văn Mùi (còn được gọi là Lê Văn Chiếu tự Cao Diệu Phủ) và Hàn lâm Học sĩ Vương Khả Lãm (phu quân của nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa) thuê thuyền dạo chơi quanh hòn đảo Sơn Trà. Ông tức cảnh làm một bài thơ về “Hòn Ông Mụ” bày tỏ chí nguyện của mình, cho đến nay nhiều cụ già ở vùng Mân Thái còn thuộc lòng bài thất ngôn bát cú bằng chữ Hán này, tạm dịch: Đúc dựng không ngờ lại có tình/ Cảnh trời góc biển hỏi đâu danh?/ Đẹp thay đá vững cùng non nước/ Chung thủy lòng son rõ hiển linh/ Tình nghĩa giữ tròn lòng tiết liệt/ Sóng yên không ngớt dội ngàn thanh/ Tuần hoàn nước cạn mưa rào đến/ Rừng biển nào hay chữ tất thành.

Văn thơ của ông được Trần Quý Cáp đánh giá là súc tích. Cuối năm 1907, ông đã gửi cả tập thơ của mình nhờ cụ Trần đề tựa, chẳng may đầu năm 1908, cụ Trần bị sát hại, quyển thơ của ông cũng đi theo người quá cố. Theo dân gian lưu truyền, cụ Trần và ông gắn bó với nhau vừa tình thầy trò, vừa tình đồng chí. Năm 1907, khi Trần Quý Cáp được đổi vào Diên Khánh dạy học, bạn bè tiễn đưa tại bến sông Hàn. Ông làm một bài tứ tuyệt đọc ngay tại bến đò khi cụ Trần bước chân xuống thuyền: Diên phong trỗi khúc lên cung Quảng/ Tân Định xuôi thuyền bởi gió mây/ Đắc lộ hanh thông trong chức vụ/ Xiết bao nghĩa bạn với ơn thầy.

Khi phong trào chống sưu thuế bùng phát mạnh mẽ ở Quảng Nam năm 1908, ông bị Pháp bắt lưu đày Côn Đảo cùng nhiều đồng chí như Phan Thúc Duyện, Nguyễn Thành, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh… Tại đây, ông từng phải chịu giam đứng 30 ngày vì đấu tranh đòi quyền sống cho anh em tù nhân chính trị.

Năm 1915 ra tù, thì năm sau ông lại tiếp tục bị bắt giam đày đi Lao Bảo vì tham gia cuộc Khởi nghĩa của vua Duy Tân. Năm 1918, trong vụ tù nhân nổi dậy phản kháng bọn cai ngục ở đây, em kế ông là Lê Trọng Đoàn bị sát hại cùng với Chí sĩ Lê Cơ, em út ông là Lê Thúc Kỳ đào tẩu thành công. Riêng ông, do chân bị thương tật lúc còn lưu đày Côn Đảo nên không chạy thoát được. Mãi đến năm 1924 ông mới ra tù và mười năm sau đó mất ở Ngũ Hành Sơn.

Chí sĩ Lê Bá Trinh sinh ra trong lúc nước mất nhà tan, không chọn hoạn lộ để mưu cầu vinh thân phì gia mà chọn bước dấn thân vào con đường “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” để rồi phải ở tù hết 2/3 cuộc đời. Thật bất hạnh mà cũng thật vinh dự thay cho một chí sĩ vì dân vì nước.

Lê Hoàng Vinh

;
.
.
.
.
.