Tôi không chờ đợi chuyến đi này.
Đầu năm đi xem bói, bà bói cụt một chân nhà ở cạnh bệnh viện Thanh Nhàn phán năm nay cô không có số xuất ngoại. Chuyện tình duyên của cô cũng khác người thật đấy cậu ta rất tốt tôi không chê gì mỗi tội suốt đời không có tiền hiện giờ đang nợ chồng chất mách riêng cho cô đấy nhé đấy là tôi trộm xem số người ta để cho cô biết hở ra thánh phạt chết hiện thời cậu ấy đang quý trọng cô nhưng có một cô gái khác trẻ đẹp hơn cô đang xen vào đây bài tú này hiện lên rất rõ tháng mười ta của cô may ra tốt cả năm không tốt lắm cuối năm tiền về như nước tiền ở đâu về mà nhiều thế không biết nếu thích cậu ta cưới cứ đến đây tôi mách cho chỗ đi mà làm lễ đấy tôi với anh nhà tôi cũng phải làm lễ tôi mới lấy được chồng trẻ hơn mình đến tám tuổi lại chiều hết ý nhé tôi cụt chân thế này mà anh ấy cứ cúc cung tận tụy mỗi tội chả làm ra tiền tay tôi nuôi hết tôi sắm cho một quầy sửa di động ngồi đấy cả ngày hí hoáy rồi đi uống bia rồi về nhà chẳng gái mú gì đâu gái gì cũng chẳng bằng gái già này gái gì cũng chỉ làm một bãi là xong tội gì mất tiền.
Tôi chờ bà nói xong bài diễn văn diễm tình thì đút tờ mười ngàn đồng vào tay bà rồi đứng dậy, chen giữa mấy bà mấy chị dang dở, mấy cô có vẻ người cave, xỏ dép rồi băng sang đường như bị ma đuổi.
Vậy mà bây giờ tôi lại đang bay sang Seoul.
Máy bay bắt đầu lướt trên đường băng Nội Bài rồi cất cánh lúc một giờ sáng. Ngồi cạnh cửa sổ nhưng chỉ thấy một màu đen huyền bí bên ngoài. Cô gái ngồi cạnh tôi than, lần đầu tiên em đi máy bay đấy chị ạ, em thấy say say rồi. Tôi bảo cô cách bịt tai cho khỏi ù. Cô lôi gói bông ra khoe, đây em có cái này. Tôi hỏi cô đi Hàn Quốc làm gì. Cô bảo em đi sang Nga, chỉ chờ ở Seoul rồi chuyển máy bay. Em có bà dì bên đó làm giấy mời đi du lịch sáu tháng, em sang nếu có công việc bán hàng thuận lợi, kiếm được mỗi tháng bốn năm triệu thì sẽ làm giấy gia hạn để ở lại kiếm ít vốn về lấy chồng. Tôi hỏi nhà cô ở đâu. Cô khoe em ở Côn Sơn Hải Dương đấy. Mùa này đang mùa du lịch, mọi người tứ phương kéo về đông lắm, cứ nườm nượp. Họ mới tu sửa lại cụm di tích đền Nguyễn Trãi, đẹp lắm. Ôi em lo quá, đến Seoul không biết chuyển máy bay như thế nào, trên vé ghi đến tận mười lăm giờ mới bay tiếp. Tôi bảo sẽ chỉ cho cô một nhóm người cũng đi Nga trên chuyến bay này. Họ ngồi mấy người ở ghế dưới. Có cả một bà đi thăm con. Cô có vẻ yên tâm hơn.
Cô và tôi cùng cố ăn bằng hết suất ăn nhà bay đãi.
Trời dần sáng. Thứ ánh sáng trên thiên đường. Mây giăng mờ mờ qua ô cửa kính. Đủ thấy những làng mạc, thành phố phía dưới mặt đất. Phía dưới kia cũng là những con người, những nếp nhà và những số phận. Cũng là những cây, những sông những núi. Những chú hươu đẫm mình dưới sương mù. Những đàn bướm ngủ đêm sã đôi cánh ướt trườn ra trên thảm cỏ, chẳng biết sợ loài thú ác.
Tiếng cô gái trôi giữa đám mây màu tro rừng.
“Đôi khi em nghĩ thôi cứ chấp nhận một cuộc sống như mấy đứa bạn ở quê. Ruộng vườn Côn Sơn rộng thênh.Thả cây gì sống cây đó. Đến mùa thu hoạch đôi ba bầu bưởi đôi ba bầu vải, nhãn, na, khế mang ra chợ phiên cũng đủ đem về gạo, muối, quần áo vải vóc. Em lại còn thêm nghề may. Cũng biết cách may theo mốt ở quê nên có khá khách. Nhưng mà tẻ quá. Sáng nào mở mắt ra cũng thấy ngần ấy gốc bưởi ngần ấy gốc na ngần ấy thửa ruộng, lúa ngần ấy phân gio chăm bón. Bạn ngần ấy đứa nói ngần ấy thứ chuyện”.
Cô khẽ ngáp. Đôi tay đen đen của “ngần ấy thứ quê” vươn ra phía cửa sổ máy bay như thể đó là cánh cửa sổ ở căn nhà thân thuộc, có thể mở ra để mây và gió ào vào.
“Mây mù quá chị nhỉ. Chẳng nhìn thấy gì”.
Máy bay hơi xóc mấy cái. Tôi bảo:
“Ừ, mây nhiều quá”.
Cô gái lại vui chuyện. Tiếng cô nói vang giữa đám người ngủ vùi trên những khoang ghế.
“Thế rồi bà dì em gọi điện về bảo sang bán hàng với dì. Chỉ sang độ hai năm kiếm chút vốn. Nhưng em không thể nói với dì em là em chỉ muốn đi cho biết đây biết đó. Nói thế dì sẽ bảo em là đồ nhân mã. Đối với dì, chỉ có kiếm tiền là công việc có ý nghĩa. Chuyện muốn biết đây biết đó là những cái thứ phù phiếm không xứng với gái quê… ”.
Đến lượt tôi che tay ngáp.
Mây bọc kín bên ngoài cửa máy bay. Tôi nhớ khi ở cửa búc vé, tôi loay hoay với những túi xách đồ quá cân, sắp xếp lọc lại những thứ quá cân để mang theo hành lý xách tay; còn cô thì ngất ngưởng một cái va li đang chen ngang vào. Tôi nhắc cô đừng chen ngang kẻo bị họ đuổi xuống tận cuối hàng. Cô bấm vào vai tôi cúi xuống thì thào:
“Không phải em chen ngang đâu. Em mới cho con làm vé - cân hàng năm trăm ngàn. Nó trả lại bảo không bõ nhận. Em lại dúi tờ năm mươi đô nên nó nháy em chen lên đấy chị ạ. Chị đừng nói ra đấy nhé. Nom chị trí thức thế, em nói cho mà biết mà đi qua cái cửa này. Chị không thấy nó lơ đi khi em chen lên à? Mà chị có đọc được cái tên của nó không? Bảng tên cũng đeo trước ngực đấy, nhưng cái sợi dây làm dài ra buông thõng xuống gần rốn, ai mà đọc được biết được nó tên là gì? Chị đừng tiếc tiền, để nó cho đi qua. Ra ngoài thiếu các thứ dùng khổ lắm, dì em dặn cẩn thận em mới biết đấy”.
Quả thực phải cám ơn bà dì ở tận nước Nga xa xôi kia. Tôi kẹp đồng năm mươi đô-la Mỹ vào tấm vé. Đồng năm mươi đô lập tức trở thành tấm thảm bay diệu kỳ cõng tôi và hành lý quá tải (gồm laptop, sách báo, tiểu thuyết Võ Thị Xuân Hà, quà tặng ngoại giao, áo quần tránh rét xứ Hàn, chín mươi gói mì tôm và phở khô ăn liền, hàng chục lọ kem mặt, tóc, tay, tăm, thuốc…) sang cho có dùng tại đất nước của chàng thần y HơJun.
Bây giờ thì chúng tôi đã bay được hơn ba tiếng. Rồi bốn tiếng. Câu chuyện đi cho biết đây biết đó của cô gái ngồi cạnh tôi cũng chừng tắt. Cô đang mớ ngủ. Mùi đồng quê ngai ngái trộn với mùi thức ăn trong khoang máy bay khiến tôi nôn nao nhớ nhà.
Tôi nhớ hai đứa con gái tôi. Nhớ căn nhà bình dị có anh ở đó.
Cô gái lại thủ thỉ.
“Chị có vẻ là người sung sướng nhỉ. Em lúc nào cũng ngưỡng mộ những người như chị. Đàn ông chắc cũng thế. Chắc chị không bao giờ bị họ hắt đi như chúng em. Năm ngoái em cũng yêu một người ở Hà Nội. Anh ấy về Côn Sơn để khảo sát chương trình làm làng văn hóa chị ạ…”.
*
Câu chuyện tình của cô gái:
Trước khi gặp anh ấy, em đã thất tiết với lão Khai rồi.
Lão Khai giàu nhất nhì vùng Côn Sơn Kiết Bạc. Em là thợ may vườn. Em cũng chẳng phải đứa xinh xắn gì. Chẳng nói thì chị cũng thấy. Nhưng em khỏe khoắn và dĩ nhiên trẻ hơn mấy con bồ của lão ấy. Nghe nói lão ấy rất hào phóng. Em liền thử xem sự thể ra sao.
Lúc đó có cái cuốn truyện “Ban-dắc và cô thợ may Trung Hoa”, em mượn được ở nhà con bạn. Em liền bắt chước cái khí thế của cô gái trong truyện í mang thước đo đến cửa nhà lão Khai. Em gọi:
- Nghe nói trong nhà có người cần may đo?
Bà giúp việc chạy ra mặt vênh vác:
- Cô không biết đây là nhà ai à?
Em thản nhiên:
- Nhà lão Khai giàu có nhiều tiền, nhưng chưa biết cách ăn cách mặc. Tôi đến để bảo cho biết cách. Tôi lấy công rẻ. Tôi lại trẻ khỏe hơn các bà. Bà tránh ra đi cho tôi vào gặp lão già kênh kiệu ấy.
Sau bà nạ dòng là một lũ chó bẹcgiê chầu chực gầm gừ, chỉ đợi hô là lao ra.
Hôm ấy mát trời, lão Khai đang vui trong lòng. Lão nghe thấy có sự lạ thì bước ra sân sảnh:
- Chuyện gì vậy?
Bà nạ dòng thưa:
- Một con khùng đến ám ạ.
Lão cười. Mà không hiểu sao lão lại ưng ý ngay và hỏi:
- Mày nặng bao nhiêu ký?
Em bảo:
- Năm mươi cân. Cao một mét năm chín. Vòng một chín mươi. Vòng hai gần bảy mươi. Vòng ba chín hai. Tóc tôi đen mượt.
Lão vẫy tay:
- Tao cũng đang thiếu mấy bộ quần áo đi dự lễ hội trên trung ương. Mấy ông trên Hà Nội mời tháng tới. Mà tao cũng đang cần một đứa đóng vai thư ký đi theo dự lễ cho phải phép.
Em bước vào sảnh nhà. Bà giúp việc bĩu môi:
- C ve thời nào thế không biết? May mà bà chủ đi vắng. Bà ấy mà ở nhà hôm nay thì cứ gọi là móc mắt cả hai.
Em lấy thước ra đo. Người lão Khai toát ra toàn mùi tiền. Lão dùng loại nước hoa đàn ông nào đó em không biết nhưng nó cứ lởn vởn quanh em, thấm đẫm lên từng ngón tay em đang sờ soạng trên mình lão. Rồi lão bùng lên như đám hỏa diệm sơn. Gầm gừ như một con hổ vồ mồi. Em cố tình trượt khỏi tay lão để lão phải thèm rỏ dãi. Thế rồi em và lão trôi lửng lơ giữa những tấm nệm đắt tiền, giống như đang bay giữa vực sâu chín tầng địa ngục. Những giọt máu đồng trinh đã nhỏ xuống tận đáy cùng, bốc hơi bay biến lên chốn thiên đàng.
Nếu trên đời này không có cái thứ gọi là tình yêu thì kể em cũng mãn nguyện với lão già hơn mình hàng bốn chục tuổi. Sức lực lão còn hơn một con trâu cày. Lão cho em rất nhiều tiền, nhưng mỗi khi nghĩ đến chuyện lão phải thực hiện nghĩa vụ làm chồng với con mụ vợ già nua hom hem của lão là em lại thấy lợm giọng.
Em định đi từ năm ngoái cơ. Nhưng mà em lại gặp anh ấy.
Cũng là do anh ấy đến vá cái quần ở chỗ em.
Chị không biết chứ hình như cũng là do số phận thế nào ấy. Em vừa cầm cái quần của anh ấy là lập tức thấy chóng mặt. Cái hơi đàn ông của anh mạnh đến nỗi làm em không còn nghĩ được đến cái gì khác ngoài việc mong ngày trả hàng. Em nhận vá quần và hẹn anh ấy qua buổi chiều. Nghĩa là từ lúc hai giờ chiều đến sáng hôm sau, em sống trong cơn mộng du.
Cái quần của anh ấy bị rách một miếng ở đùi do ngã xe máy. Mà cái quần còn mới nên anh ấy tiếc. Chỉ có thế thôi.
Anh ấy đến lấy quần. Em tần ngần mãi mới dám hỏi thăm một câu:
“Anh về đây có việc ạ?”.
Anh ấy cười:
“Tôi về khảo sát để lên dự án làm làng văn hóa”.
Em đánh liều:
- Anh có thích cuốn truyện “Ban-dắc và cô thợ may Trung Hoa” không?
Anh ấy ngạc nhiên nhìn em:
“Chắc bạn làm may như thế này chỉ là làm thêm nhỉ? Bạn là cô giáo dạy văn à?”.
Em thấy ngượng thay cho thân phận mình, không ra lắc không ra gật.
Rồi sau anh ấy toàn gọi em là cô giáo dạy văn xóm.
Em và anh ấy yêu nhau. Đúng hơn là em yêu anh ấy và cố tìm mọi cách để được gần gũi. Còn anh ấy ban đầu có yêu em hay không thì em không dám chắc. Mà cũng có thể anh ấy chỉ định vui vẻ với em ở chốn quê buồn tẻ. Hình như anh ấy đã có người yêu ở Hà Nội.
Nhưng em quyết giành giật cho mình dù chỉ trong một thời khắc ngắn ngủi để được biết thế nào là tình yêu của chính mình. Mà cũng chỉ được có một thời khắc thôi là anh ấy đã chạy trốn khỏi em. Anh ấy viện cớ rằng em đã không còn là một cô gái đồng trinh, gái quê mà không còn đồng trinh thì khủng khiếp lắm, giả dối lắm cô có biết không? Cave trên thành phố rặt những loại gái quê như cô, tôi còn lạ gì. Chỉ năm mươi ngàn, tôi có thể qua ba đêm với một tá gái quê như cô.
Em tiếc là đã không có thai với anh ấy. Nếu có chắc em không thể ra đi như thế này được.
Em là con bé nhà quê. Nhưng những chuyện như “Ban-dắc và cô thợ may Trung Hoa” đã mở ra cho em những chân trời khác. Thôi thì đi một chuyến. Biết đâu tình yêu của em vẫn đang còn ở đâu đó. Không phải lão Khai. Không phải anh ấy.
Nhưng lão Khai với anh ấy là những con đường đưa lối cho gái quê chúng em. Mà hình như nhờ có lão Khai nên em mới biết đến tận cùng anh ấy. Giả sử em vẫn là một gái trinh, em sẽ không dám thử cơ hội được sờ nắm thực thể trần trụi và linh thiêng nơi anh ấy. Hình như người này dẫn dắt đường đến của người kia. Hình như thế phải không chị? Đến giờ em vẫn thấy thèm khát anh ấy. Vẫn như phảng phất cái mùi đàn ông trên cái quần bị rách vì ngã xe. Vẫn nhớ những đêm cả hai không còn ý niệm thời gian. Những đêm em không còn chút áo quần hay sĩ diện. Những đêm qua đêm cùng người đàn ông không được trả dù chỉ một xu.
*
Mây vẫn nhiều lắm trên bầu trời.
Máy bay bắt đầu hạ độ cao. Dưới kia có một dòng sông ngoằn ngoèo chảy. Hai bên bờ sông là những làng những phố, những nếp nhà. Đâu đó có những cô gái đồng trinh đã tự mình thất tiết. Đâu đó lại những cô gái buộc thân phận mình vào hai chữ đồng trinh để rồi không bao giờ dám bước chân vào chốn địa đàng.
Cô gái ngồi cạnh tôi không có hơi thở thơm tho, không có tiền, không có gì hết. Cô chỉ có ý nghĩ. Những ý nghĩ thực thể của cô khiến cho người bên cạnh như bị cuốn theo. Những ý nghĩ như không thể ghìm giữ, tràn ra ngoài khoang cửa máy bay, hòa lẫn với những đám mây tầng tầng lớp lớp, làm nên ánh ngũ sắc của buổi ban mai.
7 giờ sáng Seoul.
Máy bay bắt đầu lướt trên đường băng sân bay quốc tế Hàn Quốc.
Từ cửa máy bay đi vào sảnh sân bay rất dài. Đi mãi. Con đường dài như vô tận. Chúng tôi không còn gặp lại nhau nữa. Cô gái ngồi cạnh tôi đã mất hút giữa dòng người đang ùn ùn kéo sang Nga và các nước nào đó có thể.
Tôi oằn mình cố đi thật nhanh. Những chiếc túi xách nặng trĩu.
Rồi cũng tới cửa làm nhập cảnh.
Cô hải quan Hàn còn rất trẻ và khá xinh ngẩng lên nhìn tôi, hỏi bằng thứ tiếng Việt lơ lớ Hà Nội:
- Chị là tác giả à?
- Vâng, tôi là nhà văn!
- Chị đi theo chương trình gì?
- Chương trình giao lưu văn hóa, do Viện dịch thuật và Hội Nhà văn Hàn Quốc mời. Mà em nói tiếng Việt giỏi quá.
Cô cười. Thực hiện tiếp nhiệm vụ một cách tế nhị:
- Chị đến Hàn Quốc lần đầu à?
- Đúng rồi! Đất nước của em đẹp lắm!
Cô lại cười. Cộp một cái dấu đồng ý cho nhập cảnh.
Tôi cảm ơn và mỉm cười với cô.
Đó là nụ cười đầu tiên tôi dành cho đất nước Hàn Quốc, nơi cách xa Việt Nam chừng bốn tiếng rưỡi giờ bay, và đi trước Việt Nam hai giờ lịch mặt trời.
Vậy mà bà bói cụt chân nhà ở gần bệnh viện Thanh Nhàn phán năm nay tôi không có số xuất ngoại!
Truyện ngắn của Võ Thị Xuân Hà