Cứ đến mùa mưa lũ, những căn nhà cổ ở Hội An lại đối diện với nguy cơ ngập lụt. Những ngôi nhà hàng trăm năm tuổi đang ngày càng xuống cấp trầm trọng, nhưng gần 10 năm qua kể từ khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, việc trùng tu nhà cổ gặp nhiều khó khăn do vướng phải những nghịch lý.
Hàng năm, Hội An phải đón gần 10 trận lũ. Và sau mỗi trận như thế Hội An càng thêm rệu rã.
Nhà cổ xuống cấp
Mỗi năm, Hội An “đón” ít nhất 3 đợt lũ, trong đó nước lũ ngập hơn 1 mét đối với khu phố cổ Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Trần Phú…, khiến những ngôi nhà cổ đang xuống cấp nay lại càng thêm xuống cấp trầm trọng. Những cây cột xiêu vẹo, mục chân. Những rui mèn đang oằn mình vì sức nặng thời gian.
Chúng tôi tìm về căn nhà cổ số 96 Bạch Đằng của gia đình anh Trần Quốc Tuấn – nơi mà 11 người cả con cháu, dâu, rể… của gia đình anh sinh sống. Ngôi nhà hàng trăm năm tuổi bị hư hỏng nặng. Nhìn từ phía trước, mái ngói còn tương đối nhưng khi vào trong, toàn bộ mái sau bị dột nát, cột kèo mục gãy. Cứ đến mùa mưa, gia đình anh và Trung tâm Bảo tồn Di tích (TTBTDT) Hội An lại phải căng tạm bạt để che mưa, chống thêm vài cây đà để chống bão cho ngôi nhà có thể sập bất cứ lúc nào.“Nhà nước rất quan tâm đến ngôi nhà cổ này và hỗ trợ vốn để trùng tu, nhưng với gia đình tôi thì số tiền bỏ ra trùng tu là quá lớn. Theo thiết kế và dự toán của TTBTDT Hội An, để trùng tu căn nhà này phải mất hơn 200 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ 45%, nhưng với số tiền hàng trăm triệu thì quá sức so với một gia đình buôn bán nhỏ như gia đình tôi” – anh Tuấn tâm sự.
Bờ tường nhà ông Trần văn sung ( số 96 Bạch Đằng, Tp Hội An, Tỉnh Quảng Nam) bị loang lổ. |
Nhiều năm qua, hai ngôi nhà cổ số 5 và số 10 Nguyễn Thái Học của gia đình bà Châu Thị Dung và ông La Gia Hồng cũng lâm vào cảnh tương tự. Căn nhà cổ 3 gian của ông Gia Hồng hiện nay xuống cấp trầm trọng khi 1/3 căn nhà đã hư hỏng hoàn toàn. Trước hiên nhà, cây cột bị đứt ngang chân được chắp vá tạm bợ. Mái nhà trước, ngói lành lặn, nhưng khi bước vào trong nhà thì toàn bộ phần sau như rui mèn mục và gãy đổ.
Cơn lũ từ ngày 13 đến 17-10 vừa qua ngập gần 1 mét, căn nhà vốn đã yếu nay trở nên mong manh hơn trước tiết trời mưa bão miền Trung. Để trùng tu căn nhà này, TTBTDT Hội An có chủ trương hỗ trợ 55% kinh phí, tuy nhiên tổng vốn dự toán phải mất hơn 500 triệu đồng. Hiện gia đình đang tích cóp tiền cũng như cầm cố giấy chủ quyền nhà để trùng tu.
Nghịch lý trùng tu và nguy cơ “hiệu ứng dây chuyền”
Căn nhà cổ của bà Châu Thị Dung ( Số 5 Nguyễn thái học, Tp Hội An, Quảng Nam) phải phủ bạt trên trần nhà để đảm bảo mỹ quan mới buôn bán được. |
Từ việc ngôi nhà cổ số 48 bị sập năm 2004 và làm ảnh hướng đến nhiều ngôi nhà bên cạnh, UBND tỉnh Quảng Nam, UBND thành phố Hội An (lúc bấy giờ là UBND thị xã Hội An) đã xây dựng đề án “Đầu tư tu bổ khẩn cấp các di tích Hội An” trình Chính phủ phê duyệt với danh sách 82 ngôi nhà cổ cần được trùng tu khẩn cấp, trong đó có 30 ngôi thuộc sở hữu Nhà nước. Thế nhưng, 4 năm qua mới trùng tu được 30 ngôi nhà do Nhà nước quản lý và một vài nhà dân, còn lại đều nằm trong diện… chờ.
Cái khó lớn nhất đó là khâu thẩm định trùng tu 52 ngôi nhà tư nhân. Sau 4 năm thực hiện đề án “Đầu tư tu bổ khẩn cấp các di tích Hội An” nhưng đến nay, chỉ mới 50% chủ các nhà cổ (tư nhân) đồng ý trùng tu, 26 ngôi thuộc diện cần “tu bổ khẩn cấp” còn lại chủ nhân không đồng ý hoặc không có khả năng tài chính, khiến công việc trùng tu gặp khó khăn, trong khi các ngôi nhà ngày càng xuống cấp.
Ngoài ra, phần lớn chủ của những ngôi nhà cổ trong kiệt hẻm đều không mặn mà với việc trùng tu, mặc dù Nhà nước đã hỗ trợ từ 60 đến 75% kinh phí. Khi có ý kiến cho rằng, những nhà mặt phố sau khi sửa chữa còn buôn bán thu lại tiền, chứ những người ở trong kiệt hẻm thì không buôn bán được. Và số tiền trùng tu quá lớn, không phải gia đình nào cũng đủ kinh phí.
Ông Nguyễn Chí Trung – Giám đốc TTBTDT Hội An cho biết: Một trong những nguyên nhân khiến quá trình trùng tu nhà cổ tư nhân gặp khó khăn là do “tính sở hữu” không rõ ràng, đặc biệt là các nhà thờ tộc với nhiều chủ sở hữu. Một người dân cho biết: “Việc giám định nhà cổ, thiết kế, thi công đều do TTBTDT Hội An đứng ra làm chủ đầu tư nên nhiều gia đình không đồng ý.
|
|
|
Ngôi nhà cổ số 10 Nguyễn thái học , Tp Hội An hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. |
Chúng tôi không thể bỏ tiền của mình ra sửa nhà mình mà lại đưa tiền cho người khác đến xây dựng, quản lý. Thậm chí thợ và giám sát công trình cũng là người của Nhà nước. Đó là chưa nói đến việc phải đi vay mượn, bỏ ra hàng trăm triệu đồng trùng tu nhà mình nhưng rồi nhà lại thuộc… sở hữu chung (?!)”.
Một trong những nguyên nhân nữa khiến việc trùng tu nhà cổ Hội An gặp khó khăn là… gỗ. Yêu cầu gỗ dùng cho nhà cổ là kiền kiền, trong khi loại gỗ này thuộc nhóm cấm khai thác, buôn bán và vận chuyển. Nhưng nếu thay bằng loại gỗ khác thì không bảo đảm được màu sắc cũng như độ bền cần thiết cho nhà cổ.
Ngoài ra, với nguồn kinh phí 15 tỷ đồng của Chính phủ cấp để trùng tu nhà cổ Hội An từ năm 2004 đến nay đã “lỗi thời” với thời giá hiện nay. Nếu như vào những năm 2005, 15 tỷ đồng có thể trùng tu được hơn 30 ngôi nhà cổ thì hiện nay số tiền đó không đủ để trùng tu 20 ngôi.
Bên cạnh đó, nhiều người đã bỏ tiền ra mua 3 đến 4 ngôi nhà cổ liền kề nhau dùng vào mục đích kinh doanh buôn bán. Để bảo đảm không gian kinh doanh, họ đã không ngần ngại thay đổi kết cấu, đục thủng tường để liên thông những ngôi nhà cổ lại với nhau. Chính điều này đã làm nhà cổ trở nên yếu và giảm sức chịu đựng.
Trong khi đó, kết cấu xây dựng nhà ở phố cổ Hội An ngày xưa là “xông liền xông, mái liền mái” (“xông” là: “bức tường” theo cách gọi của người Quảng Nam), nhờ đó mà các căn nhà có thể chống chọi được với bão lũ hàng chục năm qua. Nếu như việc trùng tu không được kiểm soát chặt chẽ từ các ngành chuyên môn thì nhà cổ Hội An rơi vào nguy cơ “hiệu ứng đô-mi-nô”, nếu một ngôi nhà bị sập thì các ngôi nhà khác sập theo.
Một số nhà nghiên cứu về Hội An lo lắng: Việc trùng tu nhà cổ ở Hội An hiện nay cần phải cân nhắc kỹ, nếu không thì nguy cơ sụp đổ hàng loạt sau khi trùng tu là khó tránh khỏi.
Chính những nghịch lý trong trùng tu nhà cổ khiến nhiều người yêu quý Hội An lo ngại về “sức khỏe” của một phố cổ hàng trăm năm tuổi.
Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Minh Cả đã có cuộc họp với UBND T.P Hội An về “Dự án bảo tồn di sản, di tích Hội An”. Thông qua dự án đầu tư tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa đô thị cổ Hội An gắn với phát triển du lịch, do TS Trần Minh Đức, Giám đốc Phân viện Khoa học Công nghệ xây dựng miền Trung làm chủ nhiệm, với tổng kinh phí khoảng 1.100 tỷ đồng.
CẦN 1.100 TỶ ĐỒNG BẢO TỒN, TÔN TẠO ĐÔ THỊ CỔ HỘI AN
Theo đó, Dự án được triển khai từ năm 2009 đến năm 2020 sẽ đánh giá tác động của đô thị cổ đến hiệu quả hoạt động của ngành du lịch và ngược lại; khảo sát, sưu tầm, thống kê những di sản vật thể và phi vật thể để tìm giải pháp ứng xử, bảo tồn và tôn tạo, kiến nghị về quy hoạch - kiến trúc nhằm giảm áp lực cho đô thị cổ Hội An...
THANH TUYỀN