.

Nhà thơ Hằng Phương, người con của Bảo An, Gò Nổi

Nữ thi sĩ Hằng Phương (1908-1983) là người Bảo An (Điện Quang, Điện Bàn), con của nhà thơ, nhà nghiên cứu Lê Dư và bà Phan Thị Diệm (bà là con của Phó bảng Phan Trần, em ruột của nhà báo cự phách Phan Khôi, cô ruột của các nhà cách mạng Phan Thanh, Phan Bôi).

Con gái Bảo An nổi tiếng là xinh đẹp, giỏi việc chăn tằm dệt vải, khéo việc nữ công gia chánh.Tiếng đồn con gái Bảo An Khéo mua vải (sợi) nhỏ mà đan mành mành Bà từng là một thiếu nữ sắc nước hương trời, cũng như em gái bà, phu nhân của tướng quân  Nguyễn Sơn.

Sinh ra trong một gia đình trí thức, nhưng chỉ đi học ở trường qua bậc tiểu học, Bà được sự dạy dỗ chu đáo của thân phụ, ông còn nhờ tiến sĩ Ngô Đức Kế dạy chữ Hán và văn hóa Trung Quốc cho Bà. Từ khi kết hôn với nhà văn Vũ Ngọc Phan, với sự giúp đỡ của ông, Bà còn được học hỏi thêm chữ Pháp và văn học phương Tây. Sinh ở Bảo An nhưng 14 tuổi Bà đã sống ở Hà Nội, dường như trong Bà đã có sự kết hợp những gì là tốt đẹp của vùng đất học Gò Nổi miền Trung với những gì là tinh hoa của Hà Nội, Bắc Hà.

Bà làm thơ rất sớm (1928-1929) và thuộc vào thế hệ nữ thi sĩ làm thơ bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của nước ta. Thơ của Bà không đề cập đến những vấn đề gai góc của cuộc sống, không tuyên xưng những triết lý to tát, như nhà thơ Xuân Diệu đã nhận xét, Bà luôn xuất hiện “với một nụ cười tươi, một cái nhìn trong sáng và lưu lại cho chúng ta những vần thơ nhân hậu, mang một tấm lòng tốt, một tấm lòng luôn yêu mến những con người, một trái tim mến yêu không tắt”.

Sự nghiệp của Hằng Phương, nếu chỉ tính nơi 4, 5 tập thơ không dày lắm và chưa được một giải thưởng tầm cỡ nào, cộng thêm một số luận văn về truyện thơ dân gian Phạm Công Cúc Hoa, về Hạnh thục ca, về Truyện Kiều và Chinh Phụ Ngâm, về ca dao, v.v… chưa có sức nặng trong giới nghiên cứu thì e là không thỏa đáng.

Bà dẫu chưa là một bậc cành vàng lá ngọc, cuộc sống êm đềm trướng rủ màn che, văn chương có chăng là chuyện thù ứng khi trà dư tửu hậu, nhưng cũng là con nhà khuê các, một phụ nữ có học ở tầng lớp trung lưu, không phải vất vả chân lấm tay bùn.

Nhưng với cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc, cuộc sống của Bà trở nên rộng lớn và sâu sắc hơn. Bà vừa là người vợ, người mẹ của một gia đình tri thức, vừa là một người phụ nữ của xã hội, một nhà thơ của nhân dân.

Âm thầm lặng lẽ, Bà là điểm tựa, là nguồn sống cho sự nghiệp của chồng, nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan, Bà thường xuyên chăm lo từng bữa ăn, miếng nước cho ông, ông vốn là người thể trạng không cường tráng, Bà dành nhiều công sức chăm sóc sức khỏe của ông. Bà là người tay hòm chìa khóa, quán xuyến công việc gia đình, nhưng khi việc bút canh của ông không làm ra lúa gạo, Bà phải tìm đủ mọi cách để duy trì cuộc sống của một gia đình đông con. Đặc biệt những năm kháng chiến chống Pháp, trong khi ông vẫn được dành những thuận lợi nhất để có thể cầm bút lao động sáng tạo thì Bà phải vất vả lo toan thử sức mình trong đủ mọi nghề từ làm giấy, buôn bán đến cày cấy, v.v…

Đúng là với Bà, cuộc kháng chiến thần thánh đã biến mọi điều không thể thành có thể, con người được rèn luyện và mọi năng lực tiềm ẩn được thức dậy. Dù gian khổ và thiếu thốn trăm bề, Bà vẫn chăm lo cho các con có cuộc sống tốt lành và được học hành đến nơi đến chốn. Lòng tin yêu cuộc sống và sống nhân ái với mọi người của Bà là một tấm gương cho các con gần gũi sáng tỏ. Các con Bà đều thành đạt (Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam; nữ họa sĩ Giáng Hương, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam; Giáo sư tiến sĩ Vũ Triệu Mân).

Không chỉ là người nội trợ, nội tướng góp phần để ông yên tâm sáng tác, nghiên cứu, Bà còn là một trợ lý biên tập cho ông. Ông Vũ Ngọc Phan có một sự nghiệp trước tác đẳng thân (chồng các sách do ông sáng tác, biên soạn, biên dịch lại có chiều cao ngang với người ông) và được Giải thưởng Hồ Chí Minh. Trong những công trình tác phẩm của ông có một phần không kém quan trọng công lao của Bà.

Những ngày ở Vũ Gia Trang (Thái Hà) và cả những ngày kháng chiến chống Pháp ở Quần Tín – Thanh Hóa, ngôi nhà của ông bà không chỉ là tổ ấm gia đình mà còn là điểm hẹn, nơi đi về của nhiều văn nghệ sĩ, một nơi gặp gỡ của trí tuệ, sáng tạo và là nơi chia sẻ cảm thông đầy ắp tiếng cười.

Bà với dáng vẻ, phong cách đoan trang nền nếp nhưng không hề khép kín. Ngay trước Cách mạng Tháng Tám, Bà đã dấn thân vào các hoạt động xã hội. Bà đã là người giúp việc đắc lực cho cụ Cả Mọc, Hội trưởng Hội Tế sinh. Chính Bà đã và cưu mang nhiều em nhỏ đói lả đang day vú mẹ đã chết, đưa về Hội nuôi nấng. Bà đi quyên tiền để lo phát chẩn cho dân nghèo.
 
Đặc biệt, Bà còn là sáng lập viên Hội Truyền bá quốc ngữ, cùng các nhà trí thức yêu nước Nguyễn Văn Tố, Bùi Kỷ, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Xuân Hãn, Võ Nguyên Giáp, Phan Thanh, một tổ chức chăm lo việc nâng cao dân trí, chịu ảnh hưởng sâu sắc của Đảng. Chính vì vậy, khi công tác ở Viện Văn học cũng như ở Hội Nhà văn dù tuổi cao, gánh nặng gia đình, Bà vẫn đi tham gia Cải cách ruộng đất, đến với tuyến lửa Vĩnh Linh, đến vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, thâm nhập thực tế, tích lũy vốn sống để sáng tác.

Tôi có may mắn được cùng Bà dự một lớp học cho những cán bộ tham gia Cải cách ruộng đất. Bà nhiều hơn mẹ tôi hai tuổi, nhưng khi biết tôi là một người cùng quê, Bà xem tôi như đứa em đồng hương (Bà biết rất rõ gia đình bà nội, bà ngoại tôi). Bà thường hỏi tôi về cảnh vật, con người và những món ăn vùng Gò Nổi. Tôi nói tôi về quê lần cuối lúc 8, 9 tuổi nên không biết, không nhớ những gì là dấu ấn của quê hương, chỉ biết nhà bà ngoại tôi có rất nhiều đường và đủ loại bánh ngọt.

Lúc ấy chúng tôi, những thầy giáo, văn nghệ sĩ được xem là tiểu tư sản đi tham gia cải cách ruộng đất là để qua thực tiễn đấu tranh chống địa chủ, phong kiến mà cải tạo lập trường quan điểm tiểu tư sản, rèn luyện lập trường quan điểm công nông nên chỉ có nghiêm túc chấp hành.

Cùng học lớp ấy còn có Vân Đài, nữ thi sĩ cùng lớp với Bà Hằng Phương. Hai bà cùng với Mộng Tuyết Anh Thơ xuất bản chung một tập thơ Hương Xuân, có lẽ là truyện thơ viết bằng chữ quốc ngữ của các nữ tác giả đầu tiên ở Việt Nam. Tôi nhớ còn có nhà văn quân đội Hữu Mai nữa. Biết tôi là thầy giáo dạy văn, Bà, bà Vân Đài cũng như nhà văn Hữu Mai thường trao đổi chuyện văn chương. Bà đọc cho tôi nghe nhiều bài thơ, không hiểu sao tôi nhớ mãi hai câu:

Nách tường đôi lứa chim sâu
Nằm trong tổ ấm thò đầu nhởn nhơ

Có lẽ vì đây là những câu thơ rất dễ thương, nó thể hiện phong cách hồn nhiên dung dị trong thơ của Bà. Hơn 40 năm sau, năm 1978, Bà cùng nhiều văn nghệ sĩ ở Trung ương về Đà Nẵng dự Đại hội thành lập Hội Văn nghệ Quảng Nam-Đà Nẵng.

Gặp tôi, Bà còn nhắc chuyện cùng nhau học trường Cải cách ruộng đất năm 1955. Tôi kể cho Bà nghe chuyện tôi được tham gia chống Mỹ ngay trên mảnh đất quê hương Bảo An, Gò Nổi. Bà hỏi tôi nhiều về mảnh đất ấy. Tôi nói với Bà rất nhiều văn nghệ sĩ của mọi miền đất nước đã sống và chiến đấu ở đây như Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Bùi Minh Quốc, Ngô Thế Oanh, v.v… và đã có nhiều bài thơ, trang viết về vùng đất anh hùng này. Bà nói Bà sẽ về với Bảo An, Gò Nổi và Bà đã về quê hương, sau 46 năm xa cách trong những niềm xúc động sâu sắc. Bài thơ “Về lại quê hương Quảng Nam” là tiếng lòng của một nữ thi sĩ bước vào tuổi thất thập cổ lai hy nói về quê hương là chùm khế ngọt của mình.

NGUYỄN ĐÌNH AN

;
.
.
.
.
.