Văn đàn Việt Nam có không ít những nhà văn năng động, lấn sân sang cả lĩnh vực kinh doanh. Trong đó phải kể đến Võ Thị Xuân Hà, một người sống chết với nghiệp văn, kinh doanh sách chỉ để nhằm tôn vinh văn hóa đọc. Điều đó nằm trong dự định rất lâu của chị.
|
Đêm đến, khi công việc đã tạm ổn, chị lại ngồi với trang viết, sống với nó. Thời gian gần đây, tần suất truyện ngắn của chị xuất hiện trên mặt báo khá nhiều. Nhà văn Y Ban bảo: “Xuân Hà năng đẻ quá!”. Mới đây, Võ Thị Xuân Hà cho ra đời cuốn tiếu thuyết mới “Trong nước giá lạnh”, cũng đã tái bản một lần.
Cả ngày chị lao đi với công việc, với dự định, nhưng điều đó không làm chị cảm thấy mệt mỏi. Trước đây Xuân Hà từng nói: “Có văn chương, tôi thấy mình bớt bất hạnh”, như vậy để thấy điểm tựa văn chương với chị quan trọng thế nào. Với đôi mắt to với cái nhìn vừa cay nghiệt vừa dịu dàng, vừa trần trụi vừa mơ mộng, Võ Thị Xuân Hà biến ảo và khó nắm bắt như màu sắc một hạt cườm dưới ánh mặt trời. Những trang viết của chị cũng lóng lánh y hệt một thứ nhà gương mà người ta có thể nhận diện đủ loại gương mặt của mình.
Nhân vật của chị chủ yếu là những người đàn bà, những cô gái cơ nhỡ, những diến biến trong thế giới nội tâm của họ. Có một nhà phê bình bảo rằng những nhà văn nữ như chị chỉ giỏi sáng tác các truyện vặt vãnh đời thường như ngoại tình, ghen tuông hoặc than thân trách phận, tóm lại là rất không “có tầm” và khó đi xa được.
Chị nói: “Tôi không hề có ý định chia thế giới làm 2 phần và xác định phải viết để tranh đấu cho một nửa thế giới đàn bà như mình. Ngòi bút của tôi viết về những con người, và vì con người. Nhưng bởi tôi là đàn bà nên việc thể hiện cảm xúc nội tại sẽ thiên về giọng nữ hơn. Còn nếu như tác phẩm của tôi góp phần đấu tranh cho một hay hàng vạn chị em thì đơn giản chỉ vì tôi là nhà văn”.
Điều đó đúng với ước mơ của chị ngày xưa, rằng viết văn để tuyên ngôn một điều gì đó. Vì vậy, người con gái Huế đã cần mẫn làm việc, không mệt mỏi để tiến lên. Xuân Hà thích lối viết dứt khoát “một đập ăn ngay”. Ngay những tiểu thuyết với hàng trăm nhân vật chị cũng chỉ làm việc trong một, hai tháng. Lúc đã bắt tay vào viết thì tập trung toàn bộ tinh thần: Không chơi bời, tụ tập, không phân tán suy nghĩ vì bất cứ điều gì.
Bìa cuốn tiểu thuyết “Trong nước giá lạnh” của Võ Thị Xuân Hà. |
Từng là cô giáo dạy toán, nhưng Võ Thị Xuân Hà “ương bướng” thi sang trường Tổng hợp văn, rồi lại bỏ để sang học Trường Viết văn Nguyễn Du. Hỏi ra thì chị bảo học để lấy kiến thức. Không làm nghề giáo nữa, Xuân Hà làm nhiều công việc khác nhau để mưu sinh: biên tập viên, làm báo, làm xuất bản... ở lần lượt nhiều cơ quan, cơ quan nào gắn bó nhất cũng chỉ đến 5 năm.
Cụ thân sinh ra chị thấy thế sốt ruột không hiểu đứa con bề ngoài thì dịu dàng, điềm tĩnh mà bên trong lại dữ dội, quyết liệt lúc nào mới chịu “an cư”? Trong thâm tâm không phải Xuân Hà cố tình tìm cảm giác lạ ở những công việc khác nhau, chỉ là vì việc mưu sinh để nuôi hai đứa con ăn học buộc chị phải tự xoay xở.
Có một kỷ niệm rất lớn đối với cuộc đời Xuân Hà khi chị mở quán cà phê. Thời gian đó, truyện ngắn “Cà phê yêu dấu” ra đời. “Người ấy” trong “Cà phê yêu dấu” là nhân vật hoàn toàn có thật. Và “người ấy” sau này thành ông xã của chị. Cũng trong giai đoạn “cà phê” ấy, chẳng biết có phải vì cảm xúc từ “người ấy” mà Xuân Hà viết rất đều và khỏe.
Nào văn, nào báo, nào kịch bản, cái nào cũng lấp lánh một vẻ riêng và giải thưởng cứ thu về ầm ầm. Trung bình một năm chị viết hơn 100 bài báo, 2 kịch bản phim, 1 tập truyện thiếu nhi và 6 truyện ngắn. Lao động chăm chỉ và có tiềm lực theo kiểu của nhà thơ Xuân Diệu “cục ta cục tác, hết trứng này tôi còn trứng khác”, thế mà chị vẫn chưa hài lòng. Khi hỏi, tại sao có rất ít nhà văn nữ thành công ở lĩnh vực tiểu thuyết? Chị nói:
“Thực ra thì các nhà văn nữ gần đây rất đắt khách ở truyện ngắn. Truyện ngắn là một lát cắt của cuộc sống, nên các nhà văn nữ có lợi thế là thể hiện được sự tinh tế, nhạy cảm của mình trong một khuôn khổ nhỏ hẹp, xinh xắn của truyện. Còn tiểu thuyết đòi hỏi một dung lượng lớn. Do đó cần phải đầu tư một khối lượng thời gian, công sức không nhỏ khi dấn thân vào viết tiểu thuyết. Đó cũng là một thử thách với nhà văn nữ vì họ là những người có cả một núi công việc, gia đình, con cái cần phải giải quyết. Theo tôi đó cũng là một nguyên nhân”.
Cuộc sống dường như khó khăn hơn trong giai đoạn này. Võ Thị Xuân Hà thôi không bán cà phê nữa mà về đầu tư chiều sâu, đó là văn hóa đọc. Với chị, thực ra văn hóa đọc chưa mất, chỉ cần biết cách “khơi” là lại ổn định bình thường. Với những ý nghĩ và việc làm táo bạo, không mệt mỏi, mọi người tin là chị sẽ làm được những việc có ích đó.
DIÊN KHÁNH