.

Nhớ anh Phan Văn Nghệ

.

Tôi gặp anh Nghệ lần đầu cách đây hơn 40 năm. Giữa năm 1967, được giao nhiệm vụ phóng viên thường trú của Báo Cờ Giải phóng Khu 5 ở mặt trận Quảng Đà, và cơ quan đầu tiên ở Quảng Đà tôi phải tới trình diện là Văn phòng Tỉnh ủy để chuyển một thư giới thiệu tôi của các đồng chí ở Khu tới đồng chí Phước (Hồ Nghinh) - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đà kiêm Bí thư Ban Cán sự Đà Nẵng.

Đồng chí Phan Văn Nghệ (thứ tư, từ trái sang) cùng các cán bộ lãnh đạo tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng và thành phố Đà Nẵng (cũ).

Người tôi gặp đầu tiên là anh Nghệ, người đậm đà mạnh khỏe, mới gặp nhưng anh rất thân mật cởi mở và tỏ vẻ hiểu biết công việc của tôi, anh nói: “Tôi sẽ cung cấp cho anh tất cả những gì tôi có, chắc là có thể giúp cho anh làm tin, viết bài”.

Lúc ấy văn phòng chỉ có mấy con người, chắc là anh Nghệ được giao nhiệm vụ một chuyên viên tổng hợp. Anh đọc các thư công tác, các báo cáo, các bức điện từ các địa phương, các cánh, các đơn vị công tác gửi về rồi tóm tắt lại trên những mảnh giấy nhỏ, chữ anh đẹp và nhỏ như con kiến, các anh Thường vụ đọc những tóm tắt ấy để nắm bắt tình hình, và văn phòng còn điện những tóm tắt báo cáo với Khu ủy.

Anh bảo tôi: “Ông có thể đọc các bản gốc thư, điện, tóm tắt này của chúng tôi có thể không đầy đủ”. Tất nhiên là tôi tranh thủ chất liệu từ các bản gốc, các bản tóm tắt cũng rất quý, nó cho một cái nhìn tổng quát.

Cũng như mọi cán bộ chiến trường lúc đó, anh còn phải lo gùi cõng, sản xuất bảo đảm hậu cần cho cơ quan. Anh em nói anh cõng 8, 10 ang gạo (64 - 80kg) thuộc loại kiện tướng và để có sức mang vác lớn như thế, anh phải nạp đủ năng lượng. Nhìn anh vừa dứt cơn sốt, ăn ngon lành cả hai cây mì chay (khoảng 8 lạng mì khô) luộc chỉ với muối, anh em chúng tôi ai cũng thèm khỏe mạnh được như anh.

Anh Nghệ thực hiện rất hoàn hảo ý anh Hồ Nghinh, tiếp đón chu đáo anh chị em cán bộ trên xuống, dưới lên làm việc với Thường vụ, với các nhà văn, nhà báo từ Khu về văn phòng đều coi là khách của anh, khi anh đi vắng phải lo tươm tất. Tất nhiên ở chiến trường, lại là nơi núi rừng không phải chuyện đãi đằng thịnh soạn, mà dù là bát canh ốc đá rau rừng, chén mắm kho nhưng đều thể hiện tình nghĩa ân cần.

Lúc đó chúng tôi sống với nhau đúng là đồng cam cộng khổ, cay đắng ngọt bùi đều chia sẻ với nhau.
Có lần tôi đến làm việc với Thường vụ, khi ra về ngang con suối, anh em văn phòng đang làm thịt heo. Anh Nghệ chạy theo nói tôi ở lại ăn cơm rồi hãy về. Tôi nói: “Tôi phải về có việc gấp chứ ai chẳng muốn ở lại kiếm ít lát thịt heo, mấy hôm nay khô rang”. Anh hối anh em làm thật lẹ, bóc ngay bộ lòng rồi xẻo một tảng thịt chừng hơn 1 ký bảo tôi xách về.

Sau Đại hội Đảng ở bên sông A Vương (1971), anh được bầu vào cấp ủy và phân công phụ trách công tác thanh niên. Đại hội Đoàn mở ít ngày sau Đại hội Đảng cũng ở gần nơi Đại hội Đảng. Tôi nhớ một buổi chiều anh rủ tôi ra ngoài trại sản xuất ở giữa nơi tổ chức hai Đại hội, tôi không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra. Cuối cùng anh ra đấy theo lời hẹn với chị Năm (vợ anh, lúc đó đang công tác ở trại). Đến nơi đã có sẵn một nồi cháo gà thơm phức. Chúng tôi trò chuyện rất khuya, anh tỏ ra lo lắng về công tác thanh niên sắp đảm nhận. Tôi chỉ biết động viên anh là những cán bộ thanh niên mà tôi quen như Trần Phước Hường, Nguyễn Tiến Lê, Hồ Hải Học, v.v... đều là những người có trình độ, có nhiệt tình và sáng kiến, họ sẽ là chỗ dựa của anh.

Thế rồi không rõ anh chuẩn bị ra sao, như có phép lạ, anh nhập cuộc rất chủ động tự nhiên. Anh như quen biết tất cả anh chị em công tác thanh niên ở các huyện, các cơ quan. Anh mau chóng trở thành thủ lĩnh của họ. Một lần nữa tôi lại phục anh về năng lực nắm bắt tình hình trong một hoàn cảnh mới và nhất là về sức thu phục lòng người.

Điều này càng rõ hơn khi anh đi vào mảng công tác thanh niên thành phố, chỉ một thời gian ngắn anh trở nên thân thiết với những chàng trai, cô gái của phong trào tuổi trẻ đô thị, hiểu rõ cảnh ngộ và sức mạnh của họ, được họ tin cậy. Từ đó anh tiếp cận rất thoải mái với các trí thức, nhân sĩ, nhà công thương.

Sau ngày giải phóng, anh được giao nhiều công tác quan trọng phụ trách Sở Lao động, Sở Thương mại, những cơ quan lo những việc nhiều khó khăn, gai góc của thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh và trong sự trói buộc của cơ chế bao cấp. Rồi anh được giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng thuộc tỉnh. Tôi thấy anh không có gì khác trước, vẫn là anh Nghệ với những sở trường của mình, nắm bắt nhanh nhạy tình hình và thu phục được nhân tâm. Vẫn là phong cách làm việc quên mình, quên cả thời gian (bây giờ có thể bị phê bình là quan liêu vất vả). Và trong sự trói buộc của cơ chế, anh đã tỏ ra một người quyết đoán có bản lĩnh.

Lúc đó tôi là Giám đốc Sở VHTT, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng - người con của Hòa Hiệp từ thành phố Hồ Chí Minh về Đà Nẵng với mong muốn làm được một công trình gì đó cho thành phố quê hương. Anh thổ lộ với tôi, ý tưởng về tượng Bà mẹ Việt Nam anh hùng mà anh nghĩ nguyên mẫu có thể là Mẹ Nhu.

Tôi rất tâm đắc với anh. Nhưng thật tình tôi không thể cùng  anh thực hiện ý tưởng đó. Nếu công trình đó là của tỉnh thì không thể làm nhanh được (phải qua bao nhiêu cửa, bao nhiêu hội đồng xét duyệt), lúc này tỉnh lại đang dồn sức đầu tư cho Tượng đài Núi Thành. Nhưng tôi cũng không thể không ủng hộ nguyện vọng của anh Hạng. Tôi tìm đến anh Nghệ, anh vui vẻ chấp thuận. Thế là công việc được triển khai rất nhanh chóng, mọi việc anh đều quyết định kịp thời.

Và như chúng ta đã biết, tượng đài Mẹ Dũng sĩ được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 10 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng. Đến viếng tượng đài, trong ngày hội lớn của thành phố, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đã phát biểu: “Phụ nữ Việt Nam rất anh hùng. Từ lâu tôi vẫn mong muốn dựng tượng đài người Mẹ Việt Nam. Đà Nẵng đã làm được việc này, tôi rất vui mừng”.

Ai đó nói rằng, cuối đời anh có nhiều việc không thành công, có những chuyện không vui. Âu đó cũng là điều bình thường của một người luôn năng động, lăn lộn, luôn nặng nợ với cuộc đời này.

Nhớ một buổi chiều ghé thăm anh, khi anh đang vất vả khổ cực với những hồ nuôi tôm ở Núi Thành. Người đen cháy nhưng vẫn cường tráng và tiếng cười vẫn vang ấm. Tôi định nói một lời khuyên “Đã đến lúc anh cần và anh có quyền nghỉ ngơi, anh hãy về với mái ấm gia đình ở Hòa Cường”. Nhưng tôi biết nói thế là vô ích và vô duyên.

Đến bây giờ vẫn còn những ý kiến khác nhau về việc anh Nghệ nuôi tôm ngày ấy cũng như về những năng lực tâm linh đặc biệt mà những năm gần đây đã xuất lộ trong anh. Nhưng có lẽ tất cả chúng ta đều nghĩ anh Nghệ thân yêu của chúng ta là một người tốt, một người rất tốt, một người với trái tim có nhiều vết thương, nhưng đó là một trái tim đầy tình yêu thương đồng chí, đồng đội, yêu thương nhân dân, yêu thương con người.
                                                                               
NGUYỄN ĐÌNH AN

;
.
.
.
.
.