Nằm ở đồi thông Yên Thế, Nhà trưng bày nghệ thuật Phạm Văn Hạng ra đời từ năm 2005, giống như một dấu ấn bất ngờ, góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp cho thành phố cao nguyên thơ mộng. Khác với Vườn tượng tại Đà Nẵng, với những tượng đá đồ sộ, bộn bề, Nhà trưng bày nghệ thuật Phạm Văn Hạng tại Đà Lạt mang tính chất một bộ sưu tập bao gồm những tác phẩm, những kỷ vật thể hiện lối chơi, sáng tạo độc đáo của ông.
Khuôn viên Nhà trưng bày nghệ thuật Phạm Văn Hạng trên đồi Yên Thế, Đà Lạt. |
Điều thú vị nhất khi đến Nhà trưng bày nghệ thuật này là những gì chúng ta gặp gỡ bên trong căn biệt thự u tịch vốn một thời bỏ phế vừa được sống lại bằng bàn tay sáng tạo không mệt mỏi của Phạm Văn Hạng. Đó là những tượng chân dung cách điệu đầy sống động của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, Trịnh Công Sơn, Văn Cao, Doãn Mẫn, Hoàng Giác, Tô Vũ, Dương Thiệu Tước, văn sĩ Nguyễn Tuân, danh họa Bùi Xuân Phái, Trần Văn Cẩn, nhà văn hóa Đào Duy Anh, Trần Văn Khê... Đó là tập thơ gò đồng ngay giữa phòng khách, được thực hiện với bốn thứ tiếng: Việt, Hoa, Anh, Pháp, từng được giới thiệu với Trung tâm Kỷ lục Việt Nam về mức độ "đồ sộ" cũng như tính chất độc đáo chưa từng có của một tác phẩm vừa là thơ vừa là mỹ thuật.
Tập thơ bằng đồng của Phạm Văn Hạng. |
Như một cái duyên tình cờ, khi chúng tôi đến thăm Nhà trưng bày nghệ thuật Phạm Văn Hạng lại nhằm ngay vào lúc chủ nhân của nó đang tất bật bận rộn với công việc sắp đặt, trình bày thêm nột số ý tưởng mới chuẩn bị cho kỷ niệm 5 năm ngày ra mắt Nhà trung bày nghệ thuật của ông tại Đà Lạt.
Nhiều năm về trước, ông từng nung nấu ý định dựng một tượng đài thủy tinh tại TP Hồ Chí Minh, triển khai công trình giải trí mang tên Bến tình yêu, dành cho mọi lứa tuổi, được cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bạn ông, rất tâm đắc, ủng hộ. Cho đến bây giờ lại nghe ông nói về những kế hoạch ông sẽ triển khai tại Đà Lạt cũng như nhiều nơi khác, cứ tưởng ông như là một con người luôn vượt qua thời gian, không gian và ngọn lửa đam mê sáng tạo dường như không một phút giây nào ngưng nghỉ. Bạn có thể tin hay không là tùy ý, nhưng nếu có lần đến Đà Lạt, hãy ghé đến Nhà trưng bày nghệ thuật Phạm Văn Hạng, vì nới đó luôn luôn mở cửa đón chào, không cần mua vé tham quan.
TRẦN TRUNG SÁNG