Cuộc thi sáng tác truyện ngắn của Tạp chí Non Nước từ tháng 8-2007 đến tháng 8-2008 đã nhận được 110 tác phẩm của 47 tác giả. Vừa qua, BTC cuộc thi đã tiến hành trao 1 giải nhì, 3 giải ba và 4 giải khuyến khích cho các tác giả. ĐNCT xin ghi lại những ý kiến của các cây bút tham gia cuộc thi này.
Nhụy Nguyên - Giải nhì với “Bộ sưu tập hàng xóm”: Như là sự vay mượn chút thành công.
Cuộc sống với tôi là sự ám ảnh về những phận người trong xã hội hiện đại. “Bộ sưu tập hàng xóm” với sự đan xen của nhiều chân dung con người, biểu hiện nhiều mặt của cuộc sống. Với tôi, giải thưởng là sự vay mượn chút thành công, nó như một món nợ ngọt ngào mà người ta muốn giữ lại. Tự nhủ với lòng một lúc nào đó, tôi sẽ có những tác phẩm thành công hơn để trả lại chút vay mượn này.
Bùi Tự Lực - Giải ba với “Bài học ngoài giảng đường”: Đời như một cuộc dạo chơi nhưng cần sòng phẳng
Viết văn đối với tôi như là cái duyên không thể làm ngơ, dù công việc của mình chẳng bà con chi với văn chương (cười). Cuộc sống bước vào những trang sách một cách nhẹ nhàng nhưng không kém phần sâu sắc, hóm hỉnh. Tôi thích bút danh Butulu mà bạn bè thường gọi khi nói về mình. Tạp chí Non nước thời gian gần đây đã đi những bước dài, với sự góp mặt của nhiều cây bút trẻ. Giải thưởng lần này sẽ là động lực để tôi “chạy đua” cùng lớp trẻ. Bởi, bàn chân đã già nhưng cuộc đời vẫn là những cuộc dạo chơi, nhưng cuộc chơi này cũng rất cần sự sòng phẳng và trung thực.
Đặng Ngọc Việt Anh - Giải ba với “Bên cạnh con nước”: Con người khi sống quan trọng nhất vẫn là gia đình
Lần đầu tiên tham gia cuộc thi văn chương, giải thưởng đối với tôi là chuyện không ngờ tới. Mừng, vui xen lẫn với nhiều nỗi lo. Nó giống như chất xúc tác để tôi phải cố gắng hơn nữa trong con đường sắp tới. Trong những sáng tác của mình, tôi thường để suy nghĩ chạy theo cảm xúc nên nhận được sự đồng cảm của người đọc. “Bên cạnh con nước” là một ví dụ, đó là tình cảm gia đình thiêng liêng và là một mái ấm mà ta phải giữ gìn. Tôi từng nghe nhắc đến Phạm Nguyễn Ca Dao, Trần Thị Minh Phương… Mong rằng, những người trẻ chúng tôi có thể đóng góp chút công sức của mình vào nền văn học thành phố trong tương lai.
Hạo Nguyên - Giải ba với “Lời nguyền sa mạc”: Sa mạc vốn khô cằn, lời nguyền ở đó là sự huyền bí đáng sợ. Nhưng sức mạnh của trí tuệ sẽ giúp con người vượt qua
Tôi luôn thích đưa người đọc vào những mảng lạ của văn chương. Tôi luôn tìm đọc những tác phẩm mới của các nhà văn trẻ để tránh bị trùng lặp trong cách tiếp cận đề tài. Lặp lại lối mòn là điều tối kỵ của người sáng tác, nhưng mở ra một con đường mới lại chứa nhiều rủi ro. Tôi vẫn đi, nhưng thận trọng hơn. “Lời nguyền sa mạc” mang nhiều tính triết lý, tôi muốn người đọc tự suy ngẫm những gì tác phẩm muốn đề cập tới.
Nhà thơ Thanh Quế - Trưởng BTC cuộc thi: Vẫn chưa có tác phẩm xuất sắc để trao giải nhất
Chúng tôi đang có kế hoạch tập hợp một số truyện đạt giải và có chất lượng in thành sách nhằm đánh dấu kết quả cuộc thi này. Cái tiếc nhất tại cuộc thi này là nhiều chất liệu hay đã không được các tác giả khai thác đến tận cùng. Trong một số tác phẩm đạt giải vẫn chưa tìm được một chi tiết đắt nhất, có yếu tố quyết định đến toàn bộ tác phẩm. Chính vì thế, thực khó nhận ra một truyện nào đặc biệt xuất sắc.
Tiểu Yến (lược ghi)