37 tập của bộ phim“Bỗng dưng muốn khóc” được VTV1 trình chiếu vừa khép lại với một kết thúc có hậu. Người xem còn lưu lại nhiều cảm giác đan xen. Nhưng đọng lại nhiều nhất vẫn là chất nhân văn toát lên từ sự trong sáng, hồn nhiên của lứa tuổi vị thành niên; từ một phương pháp giáo dục cổ điển nhưng rất hiệu quả, để cải tạo những chàng “công tử bột” thời hiện đại.
Một cảnh trong phim:” Bỗng dưng muốn khóc”: Cặp diễn ăn ý Lương Mạnh Hải - Tăng Thanh Hà trong vai Nam - Trúc. |
Ra khỏi nhà, Nam thuê khách sạn ở và cũng suy nghĩ tìm cách kiếm tiền sinh sống. Sòng bạc đã ngốn hết số tiền của Nam. Bị đuổi ra khỏi khách sạn, không được mang theo quần áo, không một đồng xu dính túi, cùng đường, Nam đã tìm đến đám bạn cũ. Ngọc Diệp (Trần Vân Anh đóng), cô bồ xinh đẹp, đã từng nhận của Nam rất nhiều tiền và đám bạn cũ đã tẩy chay Nam. Không còn chốn nương thân, cái đói và cái rét đã đưa Nam đến tìm Trúc (Tăng Thanh Hà đóng).
Trúc 17 tuổi, một thiếu nữ xinh đẹp, bị lạc cha mẹ từ khi bốn tuổi, không được đi học, nên không biết chữ, bán sách dạo để sống, chờ đợi bố mẹ quay trở lại tìm. Cô khát khao được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa, nên thường mặc áo dài trắng, hằng ngày đạp xe hòa vào dòng nữ sinh, để được tận hưởng cảm giác “đến trường”.
Vì căm ghét Nam và đám bạn con nhà giàu của Nam đã nhiều lần làm hại mình, Trúc đã đuổi Nam đi. Nhưng mới đi được một đoạn, Nam bị ngã và bất tỉnh. Tình người và lòng bao dung đã khiến Trúc đưa Nam vào bệnh viện, trả tiền thuốc men và chăm sóc Nam.
Xuất viện, Nam không có chỗ ở, bố mẹ Nam đã đặt vấn đề với Trúc: Cho Nam ở cùng Trúc, nhờ Trúc kèm cặp, cải tạo Nam. Bù lại, họ sẽ trả cho Trúc một khoản tiền đủ mở một cửa hiệu bán sách. Cô đã từ chối. Nhưng, Nam lại phải đến cầu cạnh Trúc. Chẳng còn lựa chọn nào hơn, Trúc đã đồng ý ký với bố mẹ của Nam một bản hợp đồng: Trúc cho Nam ở cùng và dạy cho Nam biết lao động, biết quý trọng đồng tiền. Bố mẹ Nam sẽ trả cho Trúc 250 triệu đồng để mở một hiệu sách nhỏ.
Từ đó, dù rất hay mâu thuẫn và trái ngược trong tính cách, nhưng Nam luôn phải “răm rắp” làm theo yêu cầu của Trúc như: quét dọn, lau nhà, rửa chén đến nấu cơm, bán sách và chi tiêu thế nào cho hợp lý. Cho đến một ngày, khi họ nhận ra những rung động giữa hai tâm hồn, cũng là lúc Nam phát hiện ra bản hợp đồng giữa Trúc và bố mẹ. Cảm thấy bị tổn thương, Nam đã bỏ đi. Mọi thứ bỗng chốc thay đổi, Trúc vô cùng đau khổ và cả hai đều nhận ra một khoảng thiếu vắng khó bù đắp, nên... bỗng dưng muốn khóc.
Những khía cạnh chủ đề cũng như những ý tưởng mà đạo diễn gửi gắm đã hé mở một cách tự nhiên qua từng tập, từng vai diễn. Hầu hết các nhân vật chính của bộ phim ở vào lứa tuổi thanh niên từ 17 đến 30, với những hoàn cảnh khác nhau nhưng đều mạnh mẽ, cá tính, có ước mơ, khát vọng chính đáng. Giới trẻ yêu thích “Bỗng dưng muốn khóc” không chỉ vì thời trang và những cảnh quay lãng mạn, đẹp mắt, mà còn bởi vẻ đẹp hồn nhiên, trong sáng, yếu tố hài hước đáng yêu trong từng vai diễn.
Trúc là một cô gái cứng cỏi, bướng bỉnh nhưng cũng rất ngây thơ, đa cảm, nhân hậu. Nam mặc dù gây nên nỗi khổ cho cha mẹ nhưng bản chất không xấu, vẫn là chàng trai thông minh, biết tự trọng và yêu cái đẹp. Hiều (Hiếu Hiền đóng) chàng trai bán chong chóng thô ráp, bộc trực, nóng nảy nhưng hiền lành, tốt bụng, biết yêu hết mình và đấu tranh để bảo vệ tình yêu...
Nhiều ông bố, bà mẹ khi xem “Bỗng dưng muốn khóc” đã nhận ra tình cảnh của mình trong đó. Nhưng cái cách ông bố trong phim chọn để giáo dục con mình: tạo ra hoàn cảnh Nam là con nuôi rồi đuổi ra khỏi nhà là một sự bất ngờ. Vẫn biết cái cách “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” mà ông cha ta đã từng trải nghiệm. Nhưng liệu mấy ai dám dũng cảm như ông bố trong phim, dám ném con mình vào chốn “bụi đời” để học làm người, dám nhờ cậy một cô gái nhỏ tuổi, không cha, không mẹ, không quen biết định đoạt số phận của con mình. Những bậc làm cha làm mẹ, qua “Bỗng dưng muốn khóc” cũng nhận ra rằng: Bằng cách này, cách khác vẫn có thể cứu vãn được hoàn cảnh, cảm hóa được con người. Tuổi trẻ có những điều, mà người lớn không phải bao giờ cũng hiểu hết.
Chỉ còn một vài ý kiến: Nhân vật thầy giáo dạy Toán luôn “a tòng”, bao che cho Nam trốn học, chơi bời (Nhà thơ Đỗ Trung Quân đóng) liệu có gây sự phản cảm về giáo dục hay không, khi chính đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cũng cho rằng: đây là “vai diễn lưu manh tuyệt đối”? Thiết nghĩ, mẫu thầy giáo này thuộc dạng hi hữu, nhưng cũng cần đưa ra trước ánh sáng để các bậc phụ huynh cảnh giác không khoán trắng cho họ con em mình. Song, giá mà mức độ “lừa đảo” của thầy chỉ cần thoáng qua thì hiệu quả sẽ tốt hơn.
Tăng Thanh Hà tưởng như đã hoàn hảo với vai Trúc, nhưng người xem tinh ý vẫn nhận ra: Một cô gái không biết chữ, không hề có sự giáo dục của cha mẹ mà sao nhiều lúc phát ngôn như một nhà thông thái. Các bậc phụ huynh liệu có thể tìm được những cô Trúc ở ngoài đời, để nhờ cảm hóa con em của họ?
Dù sao đi nữa, “Bỗng dưng muốn khóc” cũng rất có ích cho lứa tuổi mới vào đời, có ích cho các bậc phụ huynh và gợi mở một hướng mới trong giáo dục các “chàng công tử thời hiện đại”.
Thúy Hồng