.

Quan mê hát bộ

.

Làm quan nhưng rất say mê sân khấu hát bộ, Nguyễn Hiển Dĩnh được xem là một trong những “cây đại thụ” của nghệ thuật hát bộ Việt Nam. Trường hát An Quán do ông lập ra ở quê nhà quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, được khán giả gần xa mộ điệu trên bước đường lưu diễn. Và, điều mà người ta nhớ nhất về ông là những giai thoại dí dỏm, thâm thúy của một nhà nho gắn với tài nghệ hát bộ.

Lễ giỗ Tổ ở Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Đà Nẵng. (Ảnh: V.P.Q)

Nguyễn Hiển Dĩnh người làng An Quán, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn; nay thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông từng làm quan đến chức Tuần vũ nên người đương thời gọi ông là cụ Tuần An Quán.

Lần đầu đến nhậm chức Quyền Tri huyện Hà Đông (thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam hiện nay), ông bước ra công trường, vung tay làm bộ, hát xưng danh: “Như ta đây/ Tri khu bách lý phi tiên lộ/ Quyền Tri huyện Hà Đông!? Ngã xưng danh Nguyễn Dĩnh!”. Quan trên biết chuyện, tỏ ý khiển tránh thì ông khảng khái trả lời: “Nước đã mất chủ quyền, thanh danh anh quan lại Nam triều có gì hơn kép hát?!”.

Một thời gian dài, ông cứ “ở lỳ” chức Quyền Tri huyện Hà Đông. Có tay nọ định về đó thay ông nhưng chạy chọt hoài mà không được, bèn tung tin: “Hà Đông mô có phải hương hỏa của lão Tú An Quán (lúc đó ông mới đỗ Tú tài - VPQ) mà răng lão cứ bo bo bám riết ở đó!”. Chuyện đến tai, ông liền viết mấy câu thơ, sai lính dán trước cổng huyện: “Hương hỏa chi mày để lại cho/ Làm đi làm lại giữ bo bo/ Sao không chia bớt cho tao với/ Tức tối trong mình nổi chứng ho”. Đọc bài thơ này, tay đố kỵ đó bỗng nhiên nổi chứng ho và làm trò cười cho thiên hạ một phen.

Ông làm quan thanh liêm, cương trực, không sợ uy quyền. Khi làm Tuần vũ Khánh Hòa, một lần ông đụng độ với tên Công sứ Pháp - một kẻ hách dịch, tỏ ý xem thường quan lại Nam triều. Hai bên bất đồng ý kiến, dẫn đến xô xát. Sau chuyện đó, chán ngán cảnh quan trường, ông viết đơn từ chức - một cái đơn vô tiền khoáng hậu, vì nó vẻn vẹn chỉ có tám chữ: “Vi quan cửu nhật, thỉnh hứa hồi hưu” (Làm quan lâu ngày, nay xin nghỉ hưu).

Hội đồng Nội các Nam triều, một phần muốn xoa dịu với Tòa Khâm sứ Pháp về việc ông dám “chơi” tên công sứ, một phần muốn loại bỏ một viên quan ngang ngạnh, nên đồng ý ngay. Cái đơn đầy ngạo mạn của ông được phê 5 chữ: “Đái nguyên hàm hồi quán”, có ý bảo ông giữ nguyên chức vụ mà về quê nghỉ hưu, không được thăng một trật nào.

Từ hai chữ “nguyên hàm” này, ông ứng tác làm ngay bài thơ “Không răng”: “Không răng đi nữa cũng không răng/ Chỉ có thua người một miếng ăn/ Miễn đặng nguyên hàm nhai nhóp nhép/ Không răng đi nữa cũng không răng”. Ở đây, “không răng” có hai nghĩa “không còn răng” và “không sao cả”; “nguyên hàm” vừa có nghĩa là nguyên phẩm trật vừa có nghĩa là còn nguyên hàm răng.

Về hưu, ông có thời gian tập trung vào nghệ thuật. Ở Trường hát An Quán, ông đã đào luyện rất nhiều nghệ sĩ, trong đó nổi tiếng khắp sân khấu hát bộ miền Trung là ngũ mỹ (năm nghệ sĩ đóng đẹp): Chánh ca Nguyễn Đệ (vai lão võ), Chánh ca Nguyễn Phẩm (vai lão văn), Nguyễn Nho Túy (vai kép), Lê Thùy (vai tướng), Nguyễn Lai (vai nịnh). Ông còn được người đời ghi nhận là người có công làm phong phú sắc màu nghệ thuật hát bộ với thiên tài châm biếm không ai sánh được.

Từ xưa, tuồng cổ thuộc loại bi hùng, không có hài. Nhưng đến đời Nguyễn Hiển Dĩnh, ông thường đưa những lớp hài vào giữa các vở diễn. Những lớp hài này thường không liên quan gì đến vở diễn, được ông đưa vào để gây cười cho khán giả bớt căng thẳng, đồng thời dùng nó để đả kích những thói hư tật xấu của bọn quan lại, cường hào trọc phú, dốt nát nhưng hợm hĩnh... Những lớp này hầu hết là những ứng tác tại chỗ của tác giả, diễn viên phải tự tìm cách ứng diễn thật linh hoạt.

Lúc đó, Quảng Nam có tay Tổng đốc tài đức chẳng xứng nhưng đắc thế nên vênh vang tự đắc. Ông rắp tâm “trị” tay này một phen. Lần nọ, ông cho diễn tuồng “Tam nữ đồ vương”, mời các quan lớn nhỏ trong tỉnh đến dự. Đến lớp triều đình, ông chưa vội diễn theo tích, mà cho hai hề đóng vai quan Sòi ra trước, hát “cương” một đoạn đối đáp.

Sòi 1: Nè ông, mình mũ cao áo dài, đường đường một bậc trọng thần, mà sao chúng nó cứ chửi?

Sòi 2: Đứa nào chửi? Nó chửi làm sao?

Sòi 1: Dân nó chửi chứ đứa nào. Lại chửi bằng thơ cho muôn miệng thuộc lòng mới ức cha chả là ức.

Sòi 2: Thơ à? Thơ thế nào? Ông đọc đi.

Sòi 1: Thơ thế này, ông vành lỗ tai ra mà nghe cho rõ: “Trống đánh quan quyền đã điếc tai/ Ra tuồng văn võ chẳng nên vai/ Đã toan vẽ mặt lòe thiên hạ/ Còn với dài tay đến chế đài/ Sân khấu chẳng qua trò múa rối/ Miệng đời thôi mặc kẻ chê bai/ Dẫu mang áo mão làm ra bộ/ Nào có ra chi kẻ bất tài”.

Cả rạp vỗ tay cười ran. Riêng quan Tổng đốc và một số quan làng nhàng nữa thì tím mặt, không dám nói năng, ngó nghiêng ai cả.

VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.