.

Sau tiếng ca đêm

.

Không khó để hẹn gặp chị, một ca sĩ chuyên hát tại các nhà hàng. Nhưng không dễ chụp ảnh chị đang biểu diễn vì mục đích đăng báo. Dù chị cởi mở, chân tình tâm sự về nghề ca hát đêm đêm mua vui cho thực khách, nhưng vẫn giữ chút ngại ngần, âu lo...

Ngồi nghe chị hát trong cơn mưa dai dẳng, quán vắng teo với vài ba khách, chúng tôi định chia sẻ: “Vắng khách vậy, chị có buồn không?”. Chúng tôi chưa nói hết lời, chị đã hiểu ý: “Quen rồi, 7 năm rồi mà”! 

Không phải là cuộc dạo chơi

Cơm áo gạo tiền và đam mê ca hát đã giữ chân ca sĩ trên sân khấu các nhà hàng mỗi đêm.

Thanh Hà thuộc thế hệ 8X. Chị không quá trẻ, cũng không già trong đội ngũ ca sĩ chuyên hát nhà hàng, quán ăn. Có điều, so với những người cùng lứa, chị vào nghề sớm và bám trụ lâu hơn. 7 năm trước, sau một lần tình cờ xung phong lên hát ở quán cà-phê, cô thợ may Thanh Hà lọt vào mắt xanh chủ quán bằng chất giọng Huế mượt mà. Thế là chị bắt đầu con đường “chạy show” các quán. “Đến với nghề vì yêu thích, cho tới lúc này vẫn thích, mai mốt có chồng nếu được cho đi hát mình sẽ tiếp tục”, Thanh Hà tâm sự.

Chị cho biết, tất cả mọi người làm nghề này đều vì cơm áo, gạo tiền chứ không phải là một cuộc dạo chơi. Tuy nhiên, mê ca hát chính là lý do quan trọng để họ có thể ngày ngày sống với nó. Hà kể: “Có khi không lương mình vẫn hát. Đơn giản vì quán đẹp, mình thích phong cách của quán, thích cái không gian đó. Đành chịu khó lấy thu nhập chỗ nọ đắp đổi chỗ kia”. Quả là, nếu không vì cuộc sống và niềm yêu thích, sẽ không thể nào hát nổi ở những nơi mà người ta muốn nói chuyện phải hét vào tai nhau, còn người hát mặc sức trải lòng với tiếng ca trong mùi đồ ăn, thức uống và vẻ phớt lờ của những người đến chỉ để chăm chăm ngồi nhậu.

Tháng 30 ngày, Thanh Hà chưa ngưng hát ngày nào. Mỗi tối chị chạy liên tục 3 show từ 19 giờ đến gần nửa đêm. Những năm trước, mỗi quán trả 1,2 triệu đồng/tháng. Năm nay, nhà hàng đề nghị ca sĩ chia sẻ tình hình khó khăn, nên lương tụt xuống còn 1 triệu đồng/tháng. Có show thường xuyên như Thanh Hà đã là may mắn, nhiều ca sĩ khác chạy lắt nhắt từng đêm với giá 50.000 đồng/show. Số tiền khiêm tốn này lại được đầu tư vào nhiều khoản để vừa biểu diễn tốt hơn, vừa làm đẹp lòng thực khách và chủ quán.

Sau 21h đêm, ca sĩ tất tả đội mưa từ Nhà hàng Tân Lục Phú (đường 2 -9) chạy show sang quán khác
Vì vậy, nếu ca sĩ nam đỡ chi phí về phần trang phục, phấn son thì việc tính toán cho các khoản này đối với ca sĩ nữ là một bài toán khó. Ca sĩ nữ  không dám dùng mỹ phẩm dỏm, nhưng cũng không sử dụng đồ quá sang. Những loại vừa tiền được ưu tiên hàng đầu. Áo váy cũng được tự may hoặc mua vải rồi tự “chế” kiểu, xong đưa thợ may. Vẫn biết đứng trên sân khấu dù lớn hay nhỏ vẫn cần phải ăn mặc đẹp để  bảo đảm cho mình thật tự tin, nhưng việc sở hữu những bộ trang phục thiết kế riêng với các chị quả thật xa vời, khi toàn bộ tiền làm đẹp mỗi tháng nhất thiết phải được gói gém trong mức 600-700 nghìn đồng.

Đời không trong như thanh âm

Thanh Hà chia sẻ, rất hiếm người được học nhạc bài bản trước khi theo nghề này. Ca sĩ chủ yếu sử dụng năng khiếu, cộng thêm sự tự giác tập luyện. “Người thầy” dạy hát, vũ đạo cho họ chính là… chiếc đầu đĩa. “Người thầy” thẩm định sự thành công trong từng tiết mục của họ cũng là… máy cassette. Giọng khan, giọng bể cũng không tốn tiền tới bác sĩ, ca sĩ cứ việc nấu nước giá, trần bì uống là xong.


Đối với những ca sĩ hát nhà hàng, họ chỉ cần có giọng hát nghe được và nụ cười gây thiện cảm, chứ không cần phải tạo phong cách đặc biệt như những ngôi sao trên sân khấu ca nhạc. Tuy nhiên, mỗi người vẫn tự tập luyện nhiều phong cách, và “tủ” ít nhất 100 bài, tập thêm 3 bài/tháng để khi khách yêu cầu bất kỳ thể loại nào cũng đáp ứng được. “Khách trẻ đông, hát nhạc sôi động. Khách trung niên, hát nhạc quê hương. Khách già hát nhạc xưa”, Thanh Hà nói.

Hát xong phần mình, lần lượt Thanh Hà rồi vài ca sĩ khác lại tất tả mặc áo mưa chạy xe máy đi show khác. Hơn 21 giờ đêm. Gió mưa vẫn ngồn ngộn. Chạy từ Nhà hàng Tân Lục Phú (đường 2-9) sang Phòng trà Tiếng Thời gian (đường Phan Châu Trinh), Thanh Hà vẫn cười xòa: “Có chi đâu cực. Quen rồi. Mưa ướt hết phấn son thì qua đó làm lại”. Cảm giác “quen rồi” khiến Hà thấy thản nhiên trước nhiều sự: không buồn vì đơn côi đi về trong đêm; chỉ thoáng chạnh lòng khi nhìn xuống những đôi tình nhân bên nhau hạnh phúc; cũng không để tâm chuyện đấu đá đằng sau ánh đèn sân khấu. Người giới thiệu Thanh Hà với chúng tôi nói: “Nhờ Hà không biết để bụng, thẳng tính nên mới trụ được lâu như vậy”. Chuyện ca sĩ này ganh ghét ca sĩ kia vì được khách ưu ái hơn, hoặc ca sĩ phải “biết điều” với nhạc công để không bị “bể dĩa”... trở thành những chuyện không đáng bận tâm với Hà và nhiều ca sĩ trẻ khác, khi họ còn phải dưỡng nuôi giọng hát mình, dưỡng nuôi ngọn lửa đam mê không tàn phai theo tháng ngày...

HƯỚNG DƯƠNG – UYÊN NGUYÊN

;
.
.
.
.
.