Câu chuyện sau đây không chỉ do người thân của tôi kể lại mà nó được lưu truyền khắp một vùng rộng lớn ở quê tôi, trở thành một trong những giai thoại nổi tiếng về cụ nội bốn đời của tôi. Cụ tôi học hành cẩn thận, khá là ưu thời, mẫn thế.
Chính vì quá biết thời cuộc, tự lượng được mình mà cụ lui về vui thú với điền viên, không bao giờ màng đến công danh. Sau khi cụ bà thứ nhất qua đời, cụ tục huyền với cô gái kém cụ nhiều tuổi, tức là cụ bà thứ hai của tôi. Làng Đ, quê của cụ bà thứ hai, khi đó đang có nạn, gọi là nạn Lý Bá. Chả là cha con Lý Bá nhảy ra nắm quyền và lộng hành bằng những quy định quái gở do chúng tự đặt ra.
Dân làng Đ ra đường như câm như điếc, còn về nhà thì cửa đóng then cài, nơm nớp sợ người nhà hoặc tay chân của Lý Bá đến nhũng nhiễu. Không chịu được nhục, các cụ có học ở làng Đ bí mật đến gặp cụ nội tôi để xin kế hoạch trừ diệt cha con Lý Bá. Cụ tôi sai đem giấy bút ra, trải xuống chiếu, múa bút viết duy nhất chữ “nhường”. Trước sự ngơ ngác của mọi người, cụ tôi bảo:
- Lý Bá là kẻ thất phu chứ chưa phải là kẻ thù. Cha con hắn chẳng bõ xét nhưng còn đồng tộc nhà hắn, đều là lân bang, xóm giềng. Nay giết chúng đi có khác nào vì con chó mà hại đàn cừu, thù oán không biết đến đời nào mới hết, làm sao còn sống nổi với nhau. Nó ngu tối muốn bỏ thiên hạ vào túi thì cứ cho nó bỏ thử một lần xem sao? Chỉ sợ khi đó nó lại quỳ mọp xuống xin được cất bớt gánh nặng cũng nên.
Các cụ làng Đ. hiểu ra thâm ý của cụ tôi, bái phục sát đất. Phải là người am hiểu làng nước lắm mới biết điểm chết của cha con Lý Bá. Thế là từ hôm sau, toàn bộ dân làng Đ. đem chữ “nhường” ra đáp lại thói càn rỡ của cha con Lý Bá. Bất kể ai, bất kể đang làm gì, hễ thấy cha con người nhà Lý Bá đều quay đi “nhường” thiên hạ cho chúng.
Cuối cùng, khi cảm thấy quyền hành của mình bao trùm, muốn gì được nấy, thì chính là lúc cha con Lý Bá mất sạch. Tưởng được cả mà hóa ra chẳng có gì. Cái cứng rắn của quyền lực húc phải thứ mềm như nước. Nhưng kinh sợ hơn là sự độc ác của cha con Lý Bá nhận một cái giá khủng khiếp: ấy là sự ruồng bỏ triệt để. Cuối cùng, để chuộc tội với dân làng, cha con Lý Bá phải quỳ trước đình cất lời xin lỗi.
Cụ tôi chỉ tinh thông hơn người ở chỗ xác định đối tượng cần phải trừng phạt là ai. Cho dù là vua hay là chúa thì trước hết vẫn là người làng. Người trong làng trước hết phải sống với các phẩm cấp họ mạc, láng giềng, nơi rất nhiều người biết rõ anh ta, từ chân tơ, kẽ tóc, chứ không phải với phẩm cấp quyền lực. Với anh ta thì mất thiên hạ không sợ bằng mất làng! Vì thế khi mọi người nhất loạt nhường anh ta, chả khác gì coi anh ta như một kẻ không thể sống chung, tức là một kẻ chết rồi. Một điều dễ nhận ra là người biết nhường, bao giờ cũng cao hơn về mặt văn hóa so với kẻ hưởng cái sự nhường ấy.
Nhường cái gì, trước hết phải có sự thừa thãi cái đó. Kẻ muốn có luôn luôn là kẻ chưa có. Nhường được, tức là biết được cái lẽ mênh mông của tạo hóa trước cái nhỏ nhặt, đáng thương và do đó thảm hại của lòng tham con người.
Văn hóa ứng xử của chúng ta từng đủ lớn, đủ bền vững, đủ nhân văn... chính vì nó có cái tinh thần nhường làm hạt nhân.
Đánh mất văn hóa nhường mà biểu hiện hằng ngày là sự nhường nhịn, là nguy cơ lớn nhất dẫn đến sự khô kiệt tình người. Nó thô tục hóa những quan hệ vốn là thiêng liêng như cha con, anh em, vợ chồng, bằng hữu, xóm giềng... Nó làm nảy sinh những vấn đề không thể hiểu nổi mà báo chí đăng tải hằng ngày: Cha con lìa bỏ nhau, anh em tẩm xăng đốt chết nhau vì chia tài sản, chòm xóm quan hệ với nhau hơn kẻ thù chỉ vì cái hàng rào, con chó, con gà, hay vì một cành cây chờm sang vườn hàng xóm...
Thậm chí chỉ vì một cái ngõ mà hàng trăm người bị xô đẩy đến đánh chém, kiện tụng triền miên, vừa hao tài tốn của, vừa làm vỡ vụn truyền thống tắt lửa tối đèn có nhau, nêu gương xấu cho con cháu. Người ta chỉ hỏi xem quyền lợi của mình nằm ở đâu mà không tự hỏi người khác sẽ sống ra sao. Một điều hiển nhiên mà ít ai để ý, là không bao giờ ta có cuộc sống thực sự nếu thiếu cuộc sống của người khác!
Đó là cốt lõi của vấn đề, một vấn đề hết sức đơn giản nhưng không thể hiểu được nếu không sống với tinh thần nhường.
Nhường là cho đi, là cúi thấp xuống, là dung thứ... nhưng tất cả những yếu tố đó lại mặc nhiên - và vĩnh viễn - làm cao lớn con người.
TẠ DUY ANH