Nguyễn Nho Sa Mạc tên thật là Nguyễn Nho Bửu, còn có bút hiệu: Nguyễn Thị Liên Phượng. Sinh năm 1944 tại La Qua, Điện Bàn, Quảng Nam. Mất vào 23 tháng Chạp năm 1964. Thơ Nguyễn Nho Sa Mạc từ những năm 1960 đã đăng trên các tạp chí: Bách Khoa, Văn học, Mai, Văn... (Sài Gòn). Gần nửa thế kỷ đã qua, kể từ ngày thi sĩ qua đời, năm 2008, tập thơ “Vàng lạnh” của Nguyễn Nho Sa Mạc mới được sưu tầm, tập hợp và xuất bản.
Nguyễn Nho Sa Mạc ( người giữa hàng đầu cùng bè bạn ) |
Họ có cùng quê hương trên cái xứ sở đã chưng cất nên “rượu hồng đào” huyền thoại, cùng uống chung nguồn nước Thu Bồn, chỉ có điều năm Phạm Hầu mất lại là năm Nguyễn Nho Sa Mạc sinh ra đời (1944). Một mãn cuộc, một sinh khai. Ngẫu nhiên thôi nhưng kẻ trước người sau đều là những ánh sao bay xẹt qua bầu trời mang theo cả sự bí ẩn về cái chết.
Không được bề thế như thi sĩ Phạm Hầu, sáng danh trong “Thi nhân Việt Nam” và còn là một họa sĩ xuất thân từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, từng có tranh đạt giải nhất trong triển lãm Tokyo (Nhật Bản) năm 1940, Nguyễn Nho Sa Mạc thuộc lớp những nhà thơ đất Quảng xuất hiện sau này, vào quãng những năm 1960-1964. Anh đột ngột qua đời vào một đêm tháng Chạp, cận Tết, lúc tuổi đương độ hai mươi, dang dở một sự nghiệp thơ đầy hứa hẹn. Trong thơ anh, một linh cảm, một dự báo hay là từ cái tố chất bí mật nhiệm mầu của thi sĩ mà Nguyễn Nho Sa Mạc đã nhìn ra đến chính xác cái số phận mong manh mệnh yểu của mình.
Tôi gọi nhỏ tên mình sa nước mắt
Ở trên đời vừa đúng hai mươi năm
Máu đã khô, xin tim này đừng rụng
Giữa hư vô phần mộ nhỏ yên nằm
Lịch sử thơ ca cũng đã từng có những nỗi tuyệt vọng, những hoan lạc với khổ đau của thi sĩ mà sinh nở những câu thơ, những bài thơ mang âm hưởng “linh cảm, tiên tri”. Ví như trường hợp Phạm Hầu: “Hay đời hỏi thịt êm và tủy sống. Tôi xin nằm yên ổn cả hai tay. Trong đày ải mình trần tê ngọn lửa. Tiệc chim bằng rỉa rói một lòng đơn”. Theo “Việt Nam Thi nhân Tiền chiến” (NXB Văn học 1996), Nguyễn Tấn Long (tác giả) cho rằng: “Quả đúng như lời thi nhân cam chịu (số phận). Hoàn cảnh thi bản trên đây, thì một năm sau thi nhân đã từ giã cõi đời...”. Có thể dẫn ra thêm nhiều trường hợp nữa, nhưng hầu như khi tiếp cận cái thể trạng thơ ấy, nhãn quan ta thường mơ hồ liên tưởng, ứng vào từng hoàn cảnh cụ thể mà suy diễn. Trường hợp Nguyễn Nho Sa Mạc không mơ hồ như vậy, mà quả là sự “tiên tri” chính xác ứng đúng vào vận hạn đời anh: “Ở trên đời vừa đúng hai mươi năm”.
Nhà thơ Luân Hoán - người bạn đồng thời thân thiết với Nguyễn Nho Sa Mạc kể lại, xin được tóm tắt như sau: “Vào một buổi chiều tháng Chạp (1964), chúng tôi (Nguyễn Nho Sa Mạc, Luân Hoán, Hà Nguyên Thạch, Đynh Hoàng Sa) đang lang thang ở chợ Vườn Hoa (Đà Nẵng) thì Nguyễn Nho Sa Mạc chia tay với lý do, chuẩn bị tham dự buổi liên hoan cuối năm của Trường Phan Châu Trinh. Chia tay với anh, tôi cảm thấy bứt rứt không yên... Dẫu vậy, ham vui, tôi vẫn tiếp tục lang thang cùng Hà Nguyên Thạch, Đynh Hoàng Sa. Đêm hôm đó, cả ba chúng tôi đi dạo rất nhiều nơi... cùng về ngủ tại nhà Hà Nguyên Thạch... Mờ sáng hôm sau, thì Châu Văn Tùng (bạn của cả nhóm) vội vã đến cho chúng tôi biết, Nguyễn Nho Sa Mạc đang nằm trong bệnh viện với tình trạng nguy kịch. Chúng tôi vội vã vào thăm anh, nhưng không còn kịp nữa. Cái chết của anh được ghi trong hồ sơ vắn tắt: Mê man, chết. Không nêu ra một căn bệnh nào, một lý do cụ thể nào...”. Kẻ trước người sau đều là những ánh sao bay xẹt qua bầu trời mang theo cả sự bí ẩn của cái chết. Vẫn theo lời kể của Luân Hoán, sau ngày Nguyễn Nho Sa Mạc qua đời, tạp chí Bách Khoa đã dành nhiều trang đặc biệt đăng thơ của anh, cùng một số bài tưởng niệm của Thành Tôn và Luân Hoán.
“Xòe bàn tay vốc lên từng hạt cát. Bỗng vô cùng đau xót ở trong tim. Người lặng lẽ một mình trong sa mạc. Như một mình trong tiền sử buồn tênh” (Tự thuật). Hẳn từ ý niệm đó mà thi sĩ hình thành cái bút danh Nguyễn Nho Sa Mạc như một độc thoại thường hằng với thân phận, một hành trình thấm đẫm sự cô đơn. Mỗi một thi sĩ sinh ra ở đời đều mang một tố chất, một tạng thơ riêng, như cung bậc định mệnh đeo bám một cuộc đời thơ, mà nếu đánh mất, anh sẽ trở thành một kẻ khác.
Bằng đôi tay ôm kín nỗi buồn
Ta đi trong trời đất hoàng hôn
Mà nghe sữa mẹ chan hòa chảy
Máu ở buồng tim cũng loạn cuồng
...
Sông hỡi là sông! Rừng hỡi rừng
Trăng lên từ thuở có mùa xuân
Rủ mây nguyên thủy về sinh nhật
Ta uống cùng em chén rượu mừng
...
Bằng đôi tay ôm kín mặt trời
Ta và em một khối sinh đôi
Hỡi ơi khi ở trong lòng mẹ
Ta muốn đi cho trọn kiếp người.
(Sinh Nhật)
Đọc thơ ấy, tôi lại liên tưởng đến thơ Chế Lan Viên ở vào cái thời tươi rói hoa niên vậy mà thơ như kẻ tóc bạc: “Mùa thu rớm máu rơi từng chút. Trong lá bàng thu đỏ ngập trời. Đường về thu trước xa lắm lắm. Mà kẻ đi về chỉ một tôi”. Hãy nghe Hoài Thanh nhận định thơ ấy: “Con người này quả là người của trời đất, của bốn phương, không thể lấy kích tấc thường mà hòng đo được” (Thi nhân Việt Nam). Sự liên tưởng của tôi cũng hoàn toàn không phải vay mượn ánh sáng của người này để hòng nhuộm lên kẻ khác, mà là cách quang chiếu để đi tìm cái khả năng “con chim thì ta biết nó bay, con cá thì ta biết nó lội” (Bùi Giáng) ở nơi một thi sĩ.
Vậy rồi một ngày bất chợt, con chim ấy sớm từ biệt bầu trời, con cá ấy sớm từ biệt biển khơi, Nguyễn Nho Sa Mạc “Ở trên đời vừa đúng hai mươi năm”, để lại sự nghiệp thơ vừa phát lộ đã sớm dang dở. Nhưng thi sĩ tồn tại ở giữa đời là sự tồn tại của tác phẩm, dù ít ỏi, chưa nhiều, Nguyễn Nho Sa Mạc cũng đã thắp lên cho mình một ánh lửa lấp lánh trong nền thơ đất Quảng. Gần nửa thế kỷ, kể từ ngày thi sĩ qua đời, mới đây những người bạn hoạt động văn học nghệ thuật đồng thời với anh đã tập hợp, sưu tầm, xuất bản tập thơ “Vàng lạnh” của Nguyễn Nho Sa Mạc. Với tôi, ngần ấy đã là tiếng vang ngân sâu lắng. Một thứ âm thanh gióng lên trên mặt bằng câm lặng của ngôn từ đã khiến ta có thể nghe ra tiếng nói của một phận đời: “Hỡi ôi khi ở trong lòng mẹ. Ta muốn đi cho trọn kiếp người”!
NGUYỄN NHÃ TIÊN