.

Tre già, măng chưa mọc

Cứ mỗi lần Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Liên hoan gặp gỡ những nhà văn trẻ toàn quốc là chúng ta loay hoay mãi không biết chọn cử ai. Các chuyên ngành khác cũng vậy. Lực lượng văn nghệ sĩ (VNS) trẻ dưới 30 tuổi chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Còn thành viên của các ban chấp hành hầu hết cũng đã qua 50, nhiều người trên 60. Đội ngũ VNS ngày càng già đi, lớp kế cận ngày càng hụt hẫng.

Trong những năm qua, Liên hiệp hội (LHH) cũng như nhiều hội chuyên ngành vẫn duy trì trại sáng tác cho các cháu thiếu niên có năng khiếu về văn, thơ và hội họa. Qua mỗi lần tổ chức lại phát hiện được một số có năng khiếu, nhưng lên mấy lớp cuối bậc phổ thông trung học, rồi vào đại học, gần như chẳng còn em nào theo con đường văn chương, hội họa.

LHH đã phối hợp với các hội chuyên ngành Trung ương mở các lớp bồi dưỡng viết kịch bản điện ảnh, sáng tác ảnh nghệ thuật, phương pháp nghiên cứu, sưu tầm vốn văn nghệ dân gian, đào tạo thợ điêu khắc đá có tay nghề cao, v.v… Trại sáng tác (không kể trại cho thiếu nhi) do Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam và các hội chuyên ngành Trung ương mở 1-2 lần/năm cũng là một cách làm có hiệu quả trong việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho người sáng tác.

Phấn đấu xây dựng và phát triển VHNT ngang tầm với vị thế của Đà Nẵng - một trung tâm kinh tế-văn hóa của khu vực miền Trung, là một nhiệm vụ, một mục tiêu mà thành phố đang hướng đến. Muốn làm được điều đó, phải có những VNS có tâm huyết, có tài năng và luôn được trẻ hóa, bổ sung với chất lượng ngày càng cao. Muốn vậy, LHH cũng như các hội chuyên ngành phải tiếp tục xem việc đào tạo, bồi dưỡng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của mình. Bản thân mỗi VNS phải tự học để nâng cao trình độ của mình.

Tự học qua thực tiễn cuộc sống và sáng tác. Tự học, tự tìm hiểu các chuyên ngành nghệ thuật khác, khắc phục tình trạng chỉ biết có độc chuyên môn của mình, bởi sự liên quan hữu cơ, sự tác động, hỗ trợ lẫn nhau giữa các chuyên ngành. VHNT trong nước và thế giới đang biến đổi không ngừng và nhanh chóng. Mỗi VNS cần tự mình cập nhật thông tin, tìm hiểu, chọn lọc những cái mới, những cách tân về bút pháp, những tìm tòi sáng tạo của người khác, v.v… để tự nâng cao mình, tránh tụt hậu.

Để có được đội ngũ VNS trẻ, rất cần sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư ở tầm vĩ mô của thành phố chúng ta. Một khi đời sống vật chất và tinh thần còn thấp, nhu cầu hưởng thụ văn hóa, VHNT không cao thì sự nhìn nhận của xã hội đối với vai trò và vị trí của VHNT sẽ phiến diện và bất cập. Một khi chẳng có mấy VNS sống được với nghề thì thử hỏi có cha mẹ nào lại khuyên con em mình đi vào con đường thơ phú, văn chương, ca xướng…

Một thực tế đáng suy ngẫm là văn học của chúng ta không mạnh, nhất là văn xuôi, thế mà trong những năm qua nhiều người viết văn có tay nghề, có triển vọng, được đào tạo bài bản, kể cả tốt nghiệp Trường viết văn Nguyễn Du đã lần lượt gác văn chương để đi làm báo, bởi một trong những lý do là văn chương không nuôi nổi họ và gia đình. Thiết nghĩ thành phố ngày càng giàu có thì nên chăng có chính sách ưu đãi đối với một số VNS có tài, giúp họ cải thiện đời sống để yên tâm sáng tác. Không phải không có người “lập luận”: Biết mấy nhà văn trước Cách mạng tháng Tám sống rất nghèo khổ, có ai tài trợ, đầu tư đâu mà sao họ vẫn có tác phẩm để đời? Vâng, có thế thật.
 
Nhưng nếu không vì cơm áo để đến nỗi họ phải viết để kiếm tiền hằng ngày, thậm chí phải đăng từng kỳ trên báo để đắp đổi cho cuộc sống, để lấy ngắn nuôi dài thì chắc chắn tác phẩm của họ không chỉ có vậy. Kiểu lập luận trên dễ dẫn đến một ngộ nhận rằng, càng cực khổ, càng lầm than thì viết càng hay(?). Thử hỏi nếu Lép Tôn-xtôi không phải là nhà quý tộc giàu có của nước Nga thì ông ăn gì để sống mà có thể dành hàng chục năm trời viết đi viết lại bộ tiểu thuyết đồ sộ Chiến tranh và hòa bình? Tôi có đọc được một thông tin:
 
Ngày 19 tháng 12 năm 2007, Thủ tướng Ru-ma-ni đã ký ban hành quyết định số 152 trợ cấp hằng tháng cho các hội viên Hội Nhà văn một khoản ngoài lương hưu bằng hai lần mức lương tối thiểu...” (Các chính sách bảo trợ văn học của Ru-ma-ni- Báo Văn nghệ số 12 ngày 22-3-2008). Hội Nhà văn Ru-ma-ni có trên 2.500 hội viên. Chắc chắn số tiền trợ cấp đó không phải để dưỡng già!

Cần có chế độ trợ cấp cho những sinh viên có năng khiếu thực sự theo học các chuyên ngành VHNT trong các trường đại học, bởi vì ngoài học phí phải đóng như bao sinh viên khác, họ còn phải tốn thêm bao nhiêu khoản bắt buộc phải chi như thuê đàn, thuê ca sĩ, nhạc công, người mẫu; mua chất liệu làm tượng… Chắc chắn có không ít tài năng về nghệ thuật, nhưng con nhà nghèo thì không dám mơ vào đại học.

Thực tiễn hoạt động cho thấy rằng, nhiều tài năng VHNT được phát hiện và bồi dưỡng thông qua hoạt động văn nghệ quần chúng, trong khi đó hoạt động văn nghệ quần chúng của ta còn thiếu bài bản, còn mang nhiều tính tự phát và mất cân đối, bởi chủ yếu nổi lên cũng chỉ là mảng ca hát mà thôi, còn Văn-Mỹ thuật-Sân khấu... đâu?

Đà Nẵng có nhiều thiệt thòi so với một số thành phố khác là không có một trường đại học chuyên ngành nghệ thuật nào. Điều đó càng thấy bức thiết phải đầu tư nâng cấp toàn diện Trường Trung học Văn hóa-Nghệ thuật hiện nay, bảo đảm các tiêu chuẩn cần thiết để sớm trở thành Trường Cao đẳng Văn hóa-Nghệ thuật. Và tại sao chúng ta lại không nghĩ xa hơn về một Trường Đại học Nghệ thuật Đà Nẵng theo mô hình dân lập hoặc tư thục trong tương lai gần?

Thứ chúng ta cần nhất ở người nghệ sĩ đó là tài năng. Tài năng là của trời cho, không ai có thể đào tạo được tài năng. Chúng ta chỉ có thể phát hiện, có thể tác động để tài năng đó phát triển. Sự tác động đó, phải lâu dài, tốn công tốn sức. Thành phố cần có tầm nhìn xa, có chiến lược đào tạo những con người hoạt động trên lĩnh vực VHNT. Tôi nghe nói có nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội làm ăn ở Đà Nẵng đã hỏi một vị lãnh đạo:

Ở đây có dàn nhạc giao hưởng chưa? Có sàn nhảy cao cấp không? Có bảo tàng mỹ thuật không?... Cũng dễ hiểu thôi, bởi đó là nhu cầu văn hóa không thể thiếu của người dân một nước có đời sống kinh tế và văn hóa cao. Nhưng tôi nghĩ, điều quan trọng hơn là các thiết chế văn hóa đó chính là thước đo trình độ phát triển, trình độ dân trí và cả tư duy của người lãnh đạo của một vùng đất, của một quốc gia… điều mà nhà đầu tư cần tìm hiểu. Vậy nếu như Đà Nẵng chúng ta muốn mươi năm nữa có dàn nhạc giao hưởng thì chọn gửi đi đào tạo nhạc công, chỉ huy dàn nhạc ngay từ bây giờ cũng đã là quá muộn…

Người ta nói tre già thì măng mọc. Hình như điều đó không đúng với thực trạng của VHNT Đà Nẵng hiện nay mà cũng có thể là của cả nước. Tre già thì măng mọc, nhưng búp măng có bụ bẫm hay không, có nhằm thẳng trời xanh mà vươn tới hay không còn phụ thuộc vào lớp tre già kia có mạnh mẽ, có dẻo dai, có là chỗ dựa vững chắc không? Rõ ràng không chăm lo cho tre thì cũng khó mong có những lứa măng mơn mởn. Mà không có măng thì tre già biết dựa vào đâu?

Hồ Hải Học

;
.
.
.
.
.