Sự du nhập của văn hóa ngoại lai đã làm thay đổi ít nhiều quan niệm sống trong xã hội. Nguồn mạch văn hóa làng quê xưa tưởng chừng đã cạn, thế nhưng, mọi việc bỗng dưng trở lại. Cứ như lớp than hồng ẩn giấu dưới lớp tro tàn thời gian, các tập tục quay về, đó là hội làng, hội họ, sinh hoạt chi phái tộc, tìm về tổ tông…
Niềm tự hào không của riêng ai
Dưới tán cây cổ thụ, các em đã tìm được sự che chở của ông bà, tổ tiên có công khai phá, mở mang làng xóm. |
Một cán bộ phường Hòa Minh cho biết, hằng năm có gần 20 sinh viên khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) về phường đăng ký thực tập với những đề tài gắn liền với văn hóa làng như tìm hiểu lịch sử tộc họ, hương ước, các nét đặc thù văn hóa còn bảo lưu tương đối rõ nét ở địa phương. Mới đây, em Huỳnh Thị Sâm, sinh viên khoa Lịch sử đăng ký đề tài về đặc trưng lịch sử tôn giáo tại đây. Có thể nói, Hòa Minh được xem là cái nôi của nền văn hóa tộc họ tại Đà Nẵng, tồn tại khá vững chắc với 4 đình làng với các sinh hoạt tâm linh, văn hóa đều được xây dựng thành lễ hội, thu hút nhiều bạn trẻ tham gia.
Ai cũng nhận thấy được tầm quan trọng của lễ hội đình làng diễn ra hằng năm đã mang lại cuộc sống tinh thần phong phú, dần hé mở cho lớp con cháu những hiểu biết về quá khứ, quê hương và dòng họ. Lớp con cháu làng Khuê Trung vẫn tự hào làng mình là nơi che chở, bảo vệ hơn 1.000 nghĩa sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến chống sự xâm lược của thực dân Pháp (1858-1860). Nhiều con ngoan, trò giỏi đã được chọn dâng hoa cho người đã khuất. Chắc hẳn, các em sẽ thừa hưởng trọn vẹn nét văn hóa làng nơi mình đã sinh ra.
Một cách về cội
Ở các lễ hội, những thanh niên ưu tú được chọn làm Học trò lễ cùng tham gia cúng vái. |
Ông Trần Văn Hoa, đại diện Hội đồng Gia tộc làng Trung Nghĩa cho rằng, những việc làm nói trên đã kéo con cháu, những người được sinh ra trong thế hệ hôm nay gần hơn với quá khứ. Tuy nhiên, trong nội san kỷ niệm 10 năm đình làng Trung Nghĩa (ngày 10-3 ÂL) có đoạn bày tỏ sự trăn trở của lớp người đi trước khi nhìn thấy văn hóa làng ngày càng mai một dần: “Chưa thật sự tạo ra sức mạnh toàn diện trong tầng lớp nhân dân tham gia lễ hội, đặc biệt là giới trẻ. Người lớn trong làng cần động viên con cháu tham gia nhiều hơn nhằm phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn…”.
Đâu chỉ văn hóa làng, lớp trẻ ngày nay còn xa lạ với cả những làn điệu dân ca. Từ sau những năm 90 của thế kỷ trước, dân ca xứ Quảng dần dần bị lãng quên trước nhiều loại hình văn nghệ khác, các chương trình ca nhạc ngày càng vắng bóng dân ca. Những nghệ sĩ có tâm huyết đều cho rằng, chúng ta không thể trách giới trẻ vì trong một thời gian dài, mọi người đã không đưa dân ca đến gần với họ. Khoảng cách tìm về dân ca ngày một rộng hơn khi giới trẻ hiện nay có quá nhiều điều kiện để tiếp xúc với dòng tân nhạc, với những vũ điệu quay cuồng trên sân khấu…
Tuyên dương con ngoan trò giỏi là công việc thường xuyên hiện nay của làng Trung Nghĩa tại các lễ hội. |
|
Cùng nhau khơi dậy ngọn than hồng của nét văn hóa riêng Quảng Nam - Đà Nẵng là công việc cấp thiết và hết sức có ý nghĩa trong đời sống hiện nay, trước khi để cái mới, cái ngoại lai không chọn lọc che khuất, làm lu mờ và đưa chúng đến nguy cơ tàn lụi.
Tiểu Yến