.

Trời bao giờ thôi mưa!

.

Bà Hà nằm duỗi chân trên chiếc giường 2 đệm của Hồng Kông, khoan khoái tận hưởng mùi Downy tỏa ra từ chiếc chăn lông vũ cực nhẹ. Với tay lấy cái remote, bà bật cho tiếng ti-vi to hơn để nghe cho rõ: “... thiệt hại tính đến ngày... chỉ riêng khu vực Hà Nội đã tới 3.000 tỷ đồng trong đó là 1.000 tỷ của vùng sản xuất nông nghiệp...

Minh hoạ : Hoàng Đặng

Mưa có thể còn kéo dài, hệ thống thoát nước đã quá tải... các máy bơm đã thực hiện hết công suất. Cho tới hôm nay, sau 3 ngày hiện còn trên 40 điểm úng ngập trong nội thành... có phố vẫn ngập sâu hơn 1 mét. Ít nhất có 17 người thiệt mạng, trong đó có 2 em nhỏ từ trường học về. Một em rơi xuống cống ở phố..., gia đình sau một ngày tìm kiếm mới vớt được cặp sách, còn thi thể vẫn tìm thấy...”.

Bà Hà tắt ti-vi. Kéo chăn trùm qua cằm. Lúc đầu bà hơi ngần ngại, nghĩ thương cho những người xấu số. Nhưng sau chừng một giờ bà tặc lưỡi. Mưa gió như thế ai bảo ra đường làm gì?

Bà Hà giờ đây mắc chứng hay quên. Bà hoàn toàn quên mất hồi còn trẻ. Hồi chưa lấy ông Y., vào mùa mưa bà cũng cùng với chị em đội mưa lội phố đi làm. Có khi còn cùng chị em hát đùa “Anh ơi Hà Lội phố”. Kể từ ngày ấy, cho đến bây giờ năm nào mưa thì Hà Nội cũng ngập. Phố phường thành các con sông đục ngầu, rau cỏ, thịt thà cá mú vào những ngày này cũng đắt gấp ba gấp bốn. Bà quên hẳn rồi. Bây giờ bà đi đâu là có ô-tô. Dĩ nhiên là ô-tô của chồng, do cơ quan cấp. Nhưng lái xe sợ bà hơn sợ chồng bà, mặc dù chồng bà mới là sếp, mới là người nắm quyền sinh mệnh. Đi ô- tô, lại không đọc tin trên mạng nên bà không thấy hết các cảnh chìm trong biển nước của người dân thành phố trong nhiều năm qua. Ngay cả trên ti-vi, với những hình ảnh vừa có bà cũng cho rằng đấy là do bọn có đầu óc soi mói cố ý đưa tin tức xấu. Làm gì mà có tới trên 100 điểm úng ngập, dân thành phố sắp đổi nghề làm xe máy thành nghề đóng thuyền? Lại chuyện vớ vẩn của bọn văn nghệ thối mồm.

Nằm im được một lúc bà Hà lại tung chăn, với chiếc remote, bật ti-vi. Màn hình hiện ra hình ảnh các cô mặc cực ngắn hát bài “Hà Nội mùa thu”. Hết ca nhạc thì đến phim truyền hình Trung Quốc. Bà Hà vẫn tự hào nói với các con rằng bà thuộc lịch sử Trung Quốc qua phim Trung Quốc, biết nấu ăn kiểu Hàn qua phim của Hàn.Thế có phải thích không? Màn ảnh nhỏ chỉ nên phát những thông tin vui nhộn, hài hước, giải trí thôi, đừng có lơ mơ bình với chả luận những chuyện “lạy ông tôi ở bụi này”. Các ông ở ngoài thành phố của chúng ta chúa là hay thóc mách đấy.

*

Trong lúc bà Hà đang say sưa xem cảnh bà mẹ chồng người Hàn dạy con dâu nấu ăn trong bếp. Người con dâu Hàn tay làm theo mẹ chồng nhưng tâm trí đuổi theo người chồng lúc này không có ở nhà mà có thể đang ở bên người yêu cũ. Bà Hà thích những chuyện ly kỳ, những tình yêu tay ba, kết thúc bằng nước mắt. Những người không chung ý thích như bà, bà cho toàn là những kẻ ấm đầu, có thói ghen tỵ. “Đừng có học đòi bọn Tây”. Bà vẫn nói như vậy hồi còn làm trưởng phòng. “Bọn Tây khác hẳn ta, nó quen suy nghĩ độc lập từ lúc mới lọt lòng. Ta thì sống theo suy nghĩ người khác, quen được người khác dẫn dắt cho đến khi chết. Đừng có nhầm lẫn đấy”. Và bà áp dụng triệt để điều đó. Mọi vấn đề của phòng bà quyết định tất. Từ chia thực phẩm, phân xe đạp, cấp nhà hồi bao cấp đến chỉ định dự án thời sau này. Bà tin tuyệt đối rằng bà công tâm, bà thương mọi người như con như cháu... Bà phân dự án cho ai là quyền ở bà, đừng nhiễu sự, bỏ thầu cũng chỉ là hình thức cả thôi. Ai còn lạ cái trò quân xanh quân đỏ. Mấy hôm nay bà nghỉ ở nhà. Đang ở dịp chờ quyết định nhân sự mới. Lại mưa thế này. Nằm duỗi chân, đắp chăn xem ti-vi là sướng nhất. “Mặc. Có phải chỉ vợ chồng mình liên quan đến dự án thoát nước thành phố này đâu”.

*

Trong lúc bà say sưa như thế thì ở phòng số 6 khu ký túc xá sinh viên trường Đại học X. Thắm đang ngồi sấy cuốn sổ tay. Cuốn sổ ghi thượng vàng hạ cám, mọi cái xảy ra trên đời mà Thắm nhìn thấy. Thắm tin mọi cái đã ghi trong đó đáng giá như một cuốn lịch sử thời gian. Hiện thời có thể chưa biết làm gì với nó nhưng cô luôn nghĩ nó là một kho tư liệu chân thực.

Hôm qua, trên đường từ trường về Thắm đã bị sẩy chân chìm xuống cống ở quãng gần ngã tư S. May mà có bạn nam sinh viên đang đứng ở hàng hiên chạy ra kéo được Thắm lên. Cái túi có cuốn sổ Thắm vẫn đeo trên nách dù ướt sũng nhưng còn giữ được. Điện thoại di động, máy tính xách tay đã tê liệt hoàn toàn. Nhìn bắp chân sướt sát sưng tấy Thắm mấy lần đã tự đấm ngực theo kiểu người Thiên chúa giáo “Lỗi tại tôi. Lỗi tại tôi mọi đường” để tự trách bản thân: “Phải chi mình không ra ngoài vào hôm mưa. Hay đi mà không mang theo máy tính và sổ. Hoặc đã mang theo máy tính và sổ thì đừng vội mà lội nước... Nhưng ông ấy đã gọi. Nếu không đến thì sẽ bị điểm xấu. Vả lại trường chưa báo nghỉ thì không thể không đến. Mình còn phải nộp bài... Phần vì điện ở ký túc xá bị mất, không đi thì không in được bài từ máy tính ra... Và. Cuốn sổ không thể để ở nhà, nó là vật bất ly thân, còn sống còn thở là còn ghi chép...”.

Thắm xót xa nhìn cuốn sổ có nhiều trang nét toét vì ngấm nước. Ngực cô phập phồng, nước mắt chỉ chực ứa ra. Người ta thống kê được những thiệt hại vật chất tính ra được bằng ngàn tỷ đồng và những cái đó dù rất đau xót, nhưng vẫn chẳng thấm vào đâu so với những sinh mệnh đã bị tắt cụt một cách oan uổng bởi sa chân xuống những cái cống không nắp, những con mương chìm khuất sát mép vệ đường. Và cũng chẳng thấm vào đâu so với mất mát của Thắm. Làm thế nào để phục hồi? Thắm khóc thành tiếng. Bao nhiêu kỷ niệm nén trong từng chữ. Bao nhiêu cái chữ là bấy nhiêu sự thật. Bao nhiêu sự thật là bấy nhiêu câu hỏi đòi đáp án cho tương lai.

Thắm lấy ôxy già bơm vào những chỗ bị xây sước. Cô ngước nhìn mấy tấm ảnh mà cô ngưỡng mộ đem treo ở trên cao. Khuôn mặt nào cũng rạng ngời. Chắc hẳn những người này tin chắc vào “thành tích đạt được của mình”. Thế mà có mỗi cái việc thông cống, tính đếm quy hoạch sao cho nước không ngập trong một thành phố nhỏ đã mấy chục năm nay vẫn không làm được. Đâu có phải chỉ bây giờ trời mới biết mưa?

Nhìn đến máy tính và điện thoại di động, ổ USB đã ngừng hoạt động vừa buồn cười vừa tiếc của. Thắm thấy thần kinh mình tê liệt. Cô muốn nằm xuống ngủ thiếp cho đến ngày nước trần tới như một cơn đại hồng thủy.

*

Tiếng lao xao ngoài cửa phòng:

- Mình có việc phải ra đường hôm nay, mình muốn gọi điện hỏi ông thành phố hôm nay chúng ta sẽ theo luật giao thông đường thủy hay đường bộ?

- Tớ thấy các ông thành phố đã vất vả quá rồi, ông nào ông ấy mặt nhăn mày nhó. Cậu hỏi nhiều câu khó quá các ông ấy làm sao trả lời? Cho cậu làm thử xem.

- Tớ không bảo tớ làm, tớ còn đang đi học. Nhưng... nhiều khi tớ thấy... ... ...

- Thôi đi...? Tai vách mạch rừng, đừng có mà nghĩ bậy.

*

Thắm bừng tỉnh. Chẳng có ai hết. Té ra cô đã tự thoại trong mơ. Không còn khả năng cứu được cuốn sổ ghi chép nữa, Thắm bước qua tuyệt vọng đến sự khùng điên. Cô bỗng chửi bậy sa sả. Rồi cười ha hả, ngâm Kiều. Đến đoạn “phải văng vào mặt thì mày mới nghe” cô bỗng thấy tấm màn gió trước mặt giống như cái người đó. Cái người mà cô sẽ văng vào mặt. Cô nhổ nước bọt, ném cái khinh bỉ vào chiếc màn gió. Một lát. Thắm nhớ đến số điện thoại của bà cô ruột từ lâu lắm cô không muốn gọi. Bà ấy, kể từ ngày sống ở chỗ cao nhìn các cháu họ như nhìn miếng thịt ôi thiu vứt đi thì tiếc. Bà không có con. Các cháu có thể sẽ có ngày bà cần.

Thắm bấm số. Đầu giây đằng kia đổ chuông nhưng không có ai nhấc máy. Quái lạ. Kể cả số di động cũng không. Thắm không dám gọi cho chú. Thôi kệ. Người ta có khối người lo, cần đâu đến mình. Thực ra lúc đầu Thắm muốn gọi để may ra có thể nhờ vả. Trong người Thắm lúc này chẳng có nổi đến chục ngàn đủ mua mớ rau. Cái “cần câu cơm” hằng ngày đã tê liệt, mọi văn bản đã đi tong. Thắm còn biết làm gì khác nếu không có máy tính.

*

Ai ngờ. Mấy ngày sau Thắm biết tin bà Hà bị điện giật trong hầm để xe ô-tô. Không thể tin nổi. Mọi việc trong nhà đều có kẻ ăn người làm trông coi, lý đâu đến việc bà từ trên cao đi xuống dưới hầm? Biệt thự nhà bà ở khu an toàn đến thế cơ mà? Nước vào hầm xe từ bao giờ? Điện từ đâu ra? Nghe nói lúc phát hiện ra bà Hà chết, ở tầng 3 ti-vi vẫn đang chiếu bộ phim “Hãy yêu em đi” của Hàn.

Thắm lập tức quên những mất mát của mình. Cô xót thương người cô ruột. Khổ thân cô, sướng thế mà cũng phải chết. Thắm khóc sưng húp cả mắt.

Sau đám tang người cô ruột xấu số, Thắm mua cuốn sổ và bắt đầu cuộc ghi chép mới. Mỗi chữ lại là mỗi kỷ niệm và là nhân chứng của tương lai.

Truyện ngắn của Trần Thị Trường

;
.
.
.
.
.