Sau khi được xếp hạng Di tích quốc gia (tháng 9-2007), Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại tại phường An Hải Tây (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) được tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí 6,83 tỷ đồng trích từ nguồn vốn dành cho Chương trình mục tiêu quốc gia về Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Khởi công từ cuối tháng 2-2008, theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành trong vòng 7 tháng, nhưng đến nay chỉ mới đạt khoảng 60%.
Trông người lại ngẫm đến ta
Chưa được đặt vào “trong tay” và “trong tim” con người nên các loại ngói lưu ly mua từ Huế vào vẫn chưa được “lên công trình”. |
Đối với triều Nguyễn, Thoại Ngọc Hầu (1761-1829) là một trong những khai quốc công thần lừng lẫy, có công khai phá miền đất Hậu Giang, Nam Bộ. Việc vâng lệnh vua Minh Mạng chỉ huy đào thành công con kênh Vĩnh Tế dài gần 100km nối Châu Đốc với Hà Tiên đã khiến ông lưu danh hậu thế. Hình tượng con kênh mang lại hiệu quả to lớn trong công tác doanh điền, thủy lợi và biên phòng không chỉ riêng miền Hậu Giang mà cho cả Tổ quốc này đã được khắc vào Cao đỉnh - đỉnh số 1 trong Cửu đỉnh ở Thế Miếu, Huế.
Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, Châu Ðốc... đâu đâu cũng có dấu ấn của ông để lại, đặc biệt là sự kính ngưỡng, tri ân trong tâm khảm người đời. Người dân An Giang tôn thờ ông như vị thần khai sáng. Ở huyện Thoại Sơn, ngoài đền thờ, bia đá còn có khu du lịch Hồ Ông Thoại mang tên ông. Tại chân núi Sam, có một làng mang tên Vĩnh Tế - tên người vợ của ông, nơi này còn lưu câu ca: “Đi ngang qua cảnh núi Sam/ Thấy lăng Ông Lớn hai hàng lụy rơi/ Ông ngồi vì nước vì đời/ Hy sinh tài sản không rời nước non”.
Ở Đà Nẵng, thượng tuần tháng 12-2001, trong kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm 240 năm Ngày sinh của ông, thành phố chính thức cử một đoàn đại biểu về thăm An Giang, viếng Lăng Ông Thoại Ngọc Hầu và tham quan một số danh thắng gắn liền với sự nghiệp của ông. Từ đó, ông - người con xứ Quảng địa linh nhân kiệt đã từ biệt nơi chôn nhau cắt rốn phiêu bạt về phương Nam rồi làm nên những kỳ tích lưu danh thiên cổ, mới được một bộ phận người dân Đà Nẵng biết đến.
Diễn văn của UBND thành phố Đà Nẵng do Phó Chủ tịch Nguyễn Hoàng Long đọc tại lễ kỷ niệm nói trên đã khẳng định: “Phần lớn cuộc đời ông đã dành cho đào sông, mở đường thông thương cho cả khu vực và cho các công trình văn hóa phục vụ đời sống tâm linh của nhân dân. Ông đem lại những lợi ích thiết thực cho nhân dân, vì thế sau khi ông mất, nhân dân thờ ông với tư cách một vị thần”.
Di sản giữa lòng thành phố
Cần có một tiếng nói chung để các hộ bên cạnh công trình chấp hành giải tỏa một cách thỏa đáng. |
Giấc mơ của bà con 36 chư phái tộc làng An Hải giờ đã thành hiện thực. Các lễ trí thạch, thượng lương, cải táng các ngôi mộ trong khuôn viên nhà thờ đều được các cụ trực tiếp đứng ra làm chủ lễ. Cụ Ngọ, 80 tuổi, Trưởng ban Khánh tiết làng An Hải cho biết, đây là công trình mà các cụ có “nhắm mắt cũng yên lòng với tổ tiên”. Khuôn viên được mở rộng gần gấp đôi lên 4.000m2, nhà thờ rộng gần 450m2 có cốt cao hơn cốt cũ gần 3m với hành lang bao quanh; các nhà tả vu, hữu vu, nhà bia, nhà tượng... sẽ hài hòa cùng cảnh quan sân vườn trong một chỉnh thể truyền thống xen lẫn hiện đại.
Được xem là công trình văn hóa đặc sắc nhất Đà Nẵng hiện nay, thế nhưng, vì sao sau 9 tháng thi công, Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Đền thờ Thoại Ngọc Hầu vẫn chỉ mới đạt khoảng 60%? Theo ông Nguyễn Văn Thỏa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Tiến Lập, đơn vị thi công, ngoài lý do thời tiết không ủng hộ, còn bị chậm tiến độ vì công tác đền bù, giải tỏa, giải phóng mặt bằng.
Bao giờ thì các hoạt động như thế này được phục hồi trên quê hương của danh thần Nguyễn Văn Thoại? |
Khi hoàn thành, Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Đền thờ Thoại Ngọc Hầu là lời tri ân của người Đà Nẵng hôm nay đối với di sản của tiền nhân. Thiết nghĩ, từ chính quyền đến người dân cần một ứng xử hợp “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa” để góp phần tôn vinh công đức người xưa trong công trình người nay. Mới đây, người Hội An đã có một “slogan” rất hay: “Di sản ở trong tim và trong tay chúng ta”. Lăng mộ của Thoại Ngọc Hầu cùng miếu Bà Chúa Xứ và chùa Tây An ở An Giang đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia và được xem là một trong những địa điểm du lịch - hành hương lớn trong cả nước. Bao giờ thì trái tim và bàn tay người Đà Nẵng mới thực sự trân trọng với những di sản văn hóa dân tộc?
* 1800: được phong Khâm sai Thượng đạo Bình Tây tướng quân do có công dẫn dụ các sách người Man ở Trấn Ninh và Thanh Nghệ * 1818 (Gia Long thứ 17): được bổ làm Trấn thủ Vĩnh Thanh (Long Xuyên – Cần Thơ ngày nay), tổ chức đào kênh Đông Xuyên, khi hoàn thành được vua cho đặt theo tên ông là Thoại hà * 1819-1824: đào kênh Châu Đốc – Hà Tiên, khi hoàn thành được vua cho đặt theo tên vợ ông là Vĩnh Tế hà. * 1822: dựng Bia Thoại Sơn và lập làng Thoại Sơn * 1828: dựng Bia Vĩnh Tế
Các công trạng tiêu biểu của Thoại Ngọc Hầu
VĂN THÀNH LÊ