.

Trùng tu di tích

.

Ngày càng có nhiều di tích trên cả nước được tu bổ, phục hồi nhằm giữ lại những giá trị văn hóa hôm qua cho các thế hệ mai sau. Tuy nhiên, trong công tác bảo lưu vốn cổ này, không phải công trình nào cũng được tuân thủ theo một trong những nguyên tắc pháp quy là “Bảo đảm tính nguyên gốc, tính chân xác, tính toàn vẹn và sự bền vững của di tích”.

Những điều trông thấy...

Giữ được “hồn” đình là bảo lưu được những giá trị văn hóa truyền thống.

Ở Quảng Bình có một đình làng bị đập phá toàn bộ, kể cả trụ biểu để làm mới. Sau sự việc đáng tiếc này, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Quảng Bình đã kiến nghị với UBND tỉnh thu hồi quyết định công nhận di tích cấp tỉnh đã cấp cho đình trước đó. Ở Khánh Hòa có một di chỉ Văn miếu trước làm trường mẫu giáo, sau đó bị tháo dỡ toàn bộ đem bán cho nhà chùa với số tiền 20 triệu đồng. Khi phát hiện ra đây là một trong những di tích có giá trị gắn liền với đất nước và con người Khánh Hòa, UBND tỉnh quyết định chuộc lại với số tiền gấp 10 lần.

Kể lại câu chuyện đau lòng trên, ông Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc Cơ quan Đại diện Văn phòng Bộ VHTTDL tại Đà Nẵng nhấn mạnh: “Với điều kiện khoa học kỹ thuật bây giờ, chúng ta có thể xây dựng hàng trăm Mỹ Sơn, hàng trăm phố cổ Hội An. Nhưng việc làm này cũng chẳng có ý nghĩa gì, bởi tiêu chí hàng đầu của công tác trùng tu di tích là bảo đảm tính nguyên gốc. Vừa rồi, có một số di tích gọi là trùng tu nhưng hầu như đập phá toàn bộ để làm mới. Nếu mới thì rõ ràng không còn bảo vệ tính chân xác”.

Không ít người cho rằng đình làm bằng tiền dân rẻ và đẹp hơn đình làm bằng tiền Nhà nước.

Ở Đà Nẵng, thời gian qua việc trùng tu di tích nói chung, đình làng nói riêng đã góp phần mang lại những nét chấm phá điểm xuyến cho toàn cảnh bức tranh văn hóa thành phố. Bên cạnh một số đình được cả nước biết tiếng như Hải Châu, Nại Nam... có một số đình, sau khi trùng tu đã trở thành cái không phải của cha ông để lại, đã làm phiền lòng không ít dân làng, đặc biệt là các cụ cao niên.

Đình Bồ Bản (thuộc xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) sau khi được trùng tu, tôn tạo với kinh phí gần 500 triệu đồng (cuối năm 2005), đã có một số chi tiết không theo nguyên gốc. Ông Hồ Mạo, 86 tuổi, nguyên là Tư lễ trong làng cho biết, lúc trước gian giữa đình còn để trống, hai bên tả hữu thờ các chữ “Quang tiền” và “Vũ hậu”; trùng tu xong thì đùng một cái, gian giữa xuất hiện chữ “Thần”, hai bên là “Tiền hiền” và “Hậu hiền”. Việc “phù phép” này đã làm sai lệch nguyên gốc của di tích và hoàn toàn xa lạ với truyền thống văn hóa tâm linh của người dân địa phương.

Một mô hình đình mới?

Trong khi tất cả các đình như đình Thạch Nham (đang trùng tu) được xây theo dạng “ba gian, hai chái” với các cấu kiện gỗ không gối lên tường...

Đình Đà Sơn (thuộc phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) có một “số phận” lạ lùng hơn. Từ sau lần trùng tu cuối cùng vào năm 1907 (Duy Tân thứ nhất) đến năm 1963 thì đình bị hư hại trầm trọng. Theo cụ chánh bái Phan Văn Tá, lúc đó, do quá khó khăn, làng đã cho cắt bớt hai vị kèo và thu hai chái phía tả hữu đình lại nên đình chỉ còn ba gian.

Nóng lòng vì di tích xuống cấp trầm trọng, năm 2003, các tộc họ trong làng đã nhờ người lập sơ đồ thiết kế trùng tu đình theo mô hình cũ ba gian hai chái, nhưng không đủ tiền thi công nên đình chỉ nằm trên giấy. Đến năm 2007, đình may mắn được Nhà nước cho trùng tu với kinh phí 857 triệu đồng, nhưng oái oăm thay, khi cơ quan chức năng đưa ra bản vẽ trùng tu đình thì chỉ thấy ba gian mà không có hai chái. Sau khi bày tỏ ý nguyện làm đình cho ra đình và không được cơ quan chức năng để ý, các vị cao niên trong làng đành “bằng mặt không bằng lòng”, bởi lẽ “Nhà nước cho răng thì chịu rứa”.

Giờ đây, ngôi đình mới ba gian cụt hai chái gần như lọt thỏm giữa khuôn viên rộng gần 1.800m2 - một sự tương phản đến bất ngờ giữa khuôn viên đình rộng nhất Đà Nẵng và đình hẹp nhất Đà Nẵng. Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Tuấn nhìn nhận: “Đình này trùng tu tương đối nguyên bản theo cái hiện hữu chứ dáng dấp của nó theo đình Trung bộ thì rõ ràng nó chưa đúng lắm”.

Theo bài viết “Nhận diện đình làng Đà Nẵng” trên www.danang.gov.vn, “số lượng các gian của đình được quy định bởi số bộ vì kèo. Nhà một gian hai chái tạo bởi hai bộ vì kèo; còn nhà ba gian hai chái được tạo bởi bốn bộ vì kèo”. Dù đình làm theo kiểu nào thì tường cũng không tham gia chịu lực, chỉ để che chắn; nếu xảy ra thiên tai làm sập tường, lún móng thì nhà cũng không sập. Đằng này, đình mới Đà Sơn đã “mượn” hai bờ tường hai bên để giảm bớt 2 vì kèo, “tiết kiệm” kinh phí. Rồi đây, các nhà nghiên cứu khi đến tham quan, khảo sát ngôi đình được xem là của những cư dân đầu tiên đến vùng đất Đà Nẵng này sẽ nghĩ gì khi mục sở thị một kiến trúc lạ lẫm “ba gian, hai vì kèo, không chái”?!

Cần một cái tâm

...thì đình Đà Sơn rất lạ lẫm với “ba gian, không chái” và cấu kiện gỗ thì đâm thẳng vào tường.
Phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) có 4 đình làng với 4 hội làng được tổ chức hằng năm, thể hiện sự đồng tâm của các tầng lớp người dân. Làng Hòa Mỹ sau khi xây dựng “Vườn cau Nguồn cội”, lễ hội năm tới sẽ tổ chức trồng trầu, tiến hành vận động xây dựng Nhà sinh hoạt văn hóa để hoàn thiện cụm thiết chế văn hóa chung quanh đình làng. Riêng đình Phước Lý hiện nằm trong vùng quy hoạch Khu kho tàng, cơ sở sản xuất cuối đường Nguyễn Huy Tưởng. Nguyện vọng của bà con các họ tộc nơi này xin giữ lại khoảng 2 nghìn mét vuông trên tổng diện tích 61,2 ha đất quy hoạch để vừa làm đình, vừa quy tập mộ tiền hiền, am miếu nhỏ các nơi về.

Ông Phạm Minh, Bí thư Đảng ủy phường Hòa Minh cho biết: “Đời sống văn hóa của phường Hòa Minh được xây dựng chủ yếu trên nền móng đình làng và lễ hội đình làng. Chúng tôi đang kiến nghị giữ lại đình Phước Lý, nó nằm bên rìa của khuôn viên dự án nên theo tôi cũng không cấn cái gì lớn”.

Xây đình mới mà không giữ được “hồn” đình thì liệu có hiệu dụng gì? Thực tế lâu nay cho thấy, cái tâm của người làm công tác bảo tồn di tích và cái tâm người làm quy hoạch ít khi gặp nhau, một đằng thì quyết giữ lại, một đằng thì quyết làm mới. Mới đây, quy hoạch dự án Khu du lịch sinh thái ở phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) đã “chạm” đến ngôi đình cổ hơn 300 tuổi Lỗ Giáng. Tuy đình hiện chỉ còn tam quan và hậu tẩm, nhưng các nhà nghiên cứu đánh giá đây là mô-típ kiến trúc rất độc đáo. Tất cả liệu có bị đập phá để làm lại cái mới? Một nhà nghiên cứu giấu tên, tha thiết: “Sơn son thếp vàng thì hay ho gì? Một phiên bản mới bên một cái gốc thì cái nào giá trị hơn?”.

Trùng tu đình là việc hệ trọng, đòi hỏi phải đủ 3 yếu tố “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa”. Xin hãy “giữ nguyên quê mùa”, đừng làm lạ hóa nếp tâm linh để người dân phải “qua đình ngả nón trông đình, đình bao nhiêu ngói... buồn tình bấy nhiêu”!

 
Ông NGUYỄN ĐỨC TUẤN, Giám đốc Cơ quan Đại diện Văn phòng Bộ VHTTDL tại Đà Nẵng:

Công tác quản lý, trùng tu di tích trong thời gian gần đây đã nổi lên những vấn đề bức xúc làm cho nhiều người không bằng lòng. Yêu cầu hàng đầu của công tác trùng tu di tích là bảo vệ tính chân xác, không làm biến dạng, biến đổi di tích.
 
Giữ nguyên gốc di tích là giữ được phần hồn của nó, bởi di tích tuy có thể nhỏ nhưng hồn của nó bao đời nay đã thấm đượm công sức của cha ông, những bậc tiền nhân trong quá trình xây dựng và phát triển một vùng đất.

 

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.