.

Về đâu sân khấu học đường?

.

Dự án Sân khấu học đường giai đoạn 2, do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc thực hiện tại thành phố Đà Nẵng, đã kết thúc vào đầu tháng 10-2008 vừa qua. Bước đầu đã gợi lên trong các em những cảm nhận tinh tế, độc đáo của nghệ thuật Tuồng truyền thống.

Tuy nhiên, ngay sau giai đoạn 2 của dự án khép lại, nhiều câu hỏi đặt ra là dự án này liệu có hoàn thành được “sứ mệnh” của mình là thu hút giới trẻ đến với bộ môn nghệ thuật này?

Học sinh Đà Nẵng diễn một số trích đoạn Tuồng tại buổi báo cáo tổng kết Dự án sân khấu học đường giai đoạn 2.

Mục tiêu chính của dự án là hướng sự quan tâm đến đối tượng công chúng trẻ, ngay từ khi các em đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Các em được tiếp cận với nghệ thuật truyền thống thông qua một số buổi biểu diễn chọn lọc của các nghệ sĩ sân khấu chuyên nghiệp.

Cùng với các trích đoạn tiêu biểu, các nghệ sĩ giao lưu, giới thiệu những nét tinh hoa của nghệ thuật truyền thống bằng những hình thức phong phú, sinh động. Sau đó, những trường được tham gia dự án tuyển chọn một số học sinh có năng khiếu tham gia một khóa đào tạo ngắn hạn, chủ yếu tập biểu diễn một số trích đoạn chọn lọc.

Theo thống kê của Cục Nghệ thuật biểu diễn, đã có hơn 1.000 học sinh của 55 trường THCS và THPT thuộc 18 tỉnh, thành phố trong cả nước được tiếp cận tinh hoa nghệ thuật truyền thống của dân tộc bằng hình thức này.

Tại thành phố Đà Nẵng, qua 2 giai đoạn triển khai, đến nay đã có gần 200 học sinh của 6 trường THCS tham gia. Các em đã học và hát khá thành thục một số làn điệu của Tuồng như: nói lối, hát nam, hát khách, hát tẩu mã, xướng, thán, bài nhịp III, bài nhịp lăn… Các em cũng đã tập luyện và biểu diễn khá chuẩn các trích đoạn: Đổng Kim Lân biệt mẹ trong tuồng Sơn Hậu; Đắc Kỷ đổi hồn trong tuồng Trầm Hương Các; An Dương Vương hồi cuối trong tuồng Mỵ Châu - Trọng Thủy và Trưng Vương đề cờ trong tuồng Trưng Nữ Vương…

Ðó là những tín hiệu đáng mừng của dự án, chứng tỏ tính hữu ích của một chương trình thử nghiệm có quy mô. Thế nhưng, nhiều người lại tỏ ra không mấy mặn mà khi đề cập vấn đề mở rộng và nâng cấp dự án, bởi những bất cập trong phương thức tiến hành hiện nay.

Trước hết, các học sinh không được đào tạo chuyên sâu, vì vậy ngay sau khi dự án kết thúc các em không có người kèm cặp, hướng dẫn nên rất dễ quên những gì đã được học. Bên cạnh đó, chương trình của dự án triển khai không được liên tục, thời gian tập luyện quá ngắn,  hạn chế rất nhiều  đến khả năng tiếp thu có chiều sâu của các em. Theo đó, khi đem nhân rộng ra cộng đồng, vô tình dẫn đến một cách nhìn không chính xác về tinh hoa nghệ thuật của dân tộc.

Trong khi đó, khả năng tiếp nối và nhân rộng mô hình để thẩm định hiệu quả của dự án là rất khó. Cho đến nay, thành phố cũng không có sân chơi thường xuyên để tạo cơ hội cho các em thể hiện tài năng của mình trong bộ môn nghệ thuật này. Theo tìm hiểu của chúng tôi, giai đoạn 1 của dự án sân khấu học đường tại thành phố Đà Nẵng đã có gần 100 học sinh tham gia, nhưng đến nay, đa số các em không một lần trở lại với bộ môn nghệ thuật này. Hầu hết các trường, khi lứa học sinh được đào tạo theo dự án ra trường thì các đạo cụ cũng được xếp kho…

Với thực trạng trên, liệu Dự án sân khấu học đường sẽ đi về đâu và có hoàn thành được “sứ mệnh” của mình là thu hút giới trẻ trở lại với nghệ thuật truyền thống trong giai đoạn hiện nay không?

Bài và ảnh: VĨNH KHANG

;
.
.
.
.
.