.
Cửa sổ tri thức

Ăn cơm nhà, thổi tù và hàng tổng

.

* Thành ngữ “Ăn cơm nhà, thổi tù và hàng tổng” nghĩa là gì? Có tương đương ngữ nghĩa với “Ăn cơm nhà, vác ngà voi” không? (Nguyễn Thị Mai, Hội An, Quảng Nam).

 Tranh dân gian “Thằng Mõ” (ảnh: V.T.L)

- Tổng, theo cơ cấu hành chính ở nông thôn Việt Nam ngày trước, bao gồm một số xã. Đứng đầu tổng là chánh tổng; đứng đầu xã là lý trưởng; và xếp hạng cuối cùng ở làng xã là anh mõ làng. Hễ làng có việc (ma chay, đình đám, cưới xin, thuế má…) thì anh mõ phải đi gõ mõ báo tin cho làng xã biết. Anh làm nhiệm vụ ấy như một nghĩa vụ với làng mà không được trả công, không được hưởng một quyền lợi gì cả.

Ngoài mõ, ngày xưa còn dùng cái tù và, đó là vỏ một con ốc biển hoặc một cái sừng trâu thông hai đầu dùng hơi thổi để báo tin tức, việc làng. Việc dùng tù và đi thổi khắp làng, khắp tổng mà chẳng được hưởng lợi lộc gì chính là cơ sở để xuất hiện thành ngữ “Ăn cơm nhà, thổi tù và hàng tổng” hay “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”.

Thành ngữ “Ăn cơm nhà, vác ngà voi” được Giáo sư Nguyễn Lân giảng trong “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (NXB Khoa học Xã hội, 1997, tr.15) là cùng nghĩa với “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Trong sách đã dẫn, tác giả chú thích: “(Ngà voi là thứ đồ trang hoàng của phong kiến ngày xưa, bọn vua quan thường bắt dân vác nặng đem về cho chúng bày biện trong nhà)”.

Tỉnh lẻ

* Xin quý báo cho biết tại sao người ta gọi là tỉnh lẻ, các thành phố còn lại gọi là thành phố chẵn có phải không? (Hồ Đắc Lành, hodaclanh@gmail.com).

- Nếu muốn dụng ý đối nghịch với “thành phố chẵn” thì phải viết “tỉnh lẻ” (dấu ?). Tuy nhiên, “lẻ” ở đây không có nghĩa là “không chẵn”, mà có nghĩa như Hồ Ngọc Đức đã giảng trong Từ điển tiếng Việt: “Trơ trọi một mình”.

“Lẻ” trong “tỉnh lẻ” đã được hiểu với hàm nghĩa “lẻ loi”, “lẻ tẻ” và đã thành một tính từ nặng tính “phân biệt đối xử” (thậm chí có người còn dùng nó với ám chỉ miệt thị), khi đi sau một số từ như: dân (tỉnh lẻ), sinh viên, học sinh, MC, sân khấu, văn chương, truyền hình...

“Tỉnh lẻ” đã đi vào tiểu thuyết của Trần Văn Tuấn (NXB Hội Nhà văn)
Có thể thấy điều này trong bài “SEA Games tỉnh lẻ” (Lao Động Cuối tuần số 49 ngày 16-12-2007): “SEA Games 24, người Thái đã làm một cuộc cách mạng khi chuyển hầu như toàn bộ các môn thi đấu chính của đại hội, kể cả lễ khai mạc, bế mạc, về Korat, một thành phố tỉnh lẻ, chỉ có 2,6 triệu dân, cách Bangkok hơn 300km”.

Hoặc trong tạp văn Chứng khoán tỉnh lẻ - “sóng ở đáy sông” của Nguyễn Ngọc Tư: “Càng xa xôi, càng tỉnh lẻ, càng kém phát triển càng choáng váng, khi nếp làm ăn cũ, ky cóp cả đời mới có vài trăm triệu lận lưng, vậy mà ai đó ở nơi xa xôi nào đó lụm tiền tỷ ngon ơ, nhờ chứng khoán”.

Và, thấm thía nhất là trong bài “Lấy chồng tỉnh lẻ” (cập nhật lúc 8 giờ 54, ngày 6-7-2007) trên Báo điện tử Kinh tế & Đô thị (UBND thành phố Hà Nội): Không ít phụ nữ Hà Nội coi chuyện lấy chồng “tỉnh lẻ” như một sự “thiệt thòi”, là “cùng đường”. (…) Thôi thì cứ gọi là “dân tỉnh lẻ” cũng được, chỉ xin đừng ai vô tình cất lên hai tiếng “nhà quê” khiến những người chồng mặc cảm, phiền lòng.

Đ.N.C.T

;
.
.
.
.
.