.

Cuộc biểu tình 2 trong 1

.

100 năm trước, người dân Quảng Nam đã tổ chức một cuộc biểu tình “long trời lở đất”, bắt đầu từ một làng quê ở miền tây huyện Đại Lộc, nơi mà người Pháp vẫn thường gọi là “le nhaque” (xứ nhà quê).

Bia mộ Ông Ích Đường, người lãnh đạo phong trào chống thuế ở Hòa Vang. (Ảnh: V.T.L)
Chuyện bắt đầu từ một đám giỗ ở làng Phiếm Ái, huyện Đại Lộc (nay thuộc xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) vào khoảng tháng 2-1908. Trong đám giỗ có bàn chuyện sưu cao thuế nặng nên mọi người bèn rủ nhau làm đơn lấy chữ ký của các làng xã gửi lên Tỉnh đường Quảng Nam ở La Qua (Điện Bàn) và Tòa Công sứ Pháp ở Hội An để xin giảm sưu. Chưa ký xong đơn và gửi đi thì đã có người lên báo quan huyện. Huyện sợ quá, chạy xuống báo tỉnh. Dân nghe thế, sợ quan không hiểu hết đầu đuôi, lại thành vạ nên kéo nhau xuống tỉnh và tòa để bẩm báo cho rõ.

Dọc đường xuống tỉnh, người ở hai bên đường nghe nói đi xin giảm sưu thuế nên ai cũng nức lòng xin theo. Từ đó, trở thành một cuộc biểu tình lớn. Tỉnh và Tòa Công sứ không giải quyết nguyện vọng chính đáng của dân mà lại đàn áp phong trào, đày những đại diện của đoàn biểu tình đi Lao Bảo vì thế cuộc biểu tình biến thành cuộc bao vây Tòa Công sứ. Khi Tòa Công sứ ở Hội An đã quá đông không còn chỗ, thì mệnh lệnh được truyền ra là huyện nào về vây huyện nấy. Thế là dân các phủ Điện Bàn, Tam Kỳ, Thăng Bình, huyện Hòa Vang… đã kéo đến vây các phủ, huyện, với lời yêu cầu “xin quan phủ, huyện cùng dân đi xin xâu”.

Tại Tam Kỳ, đoàn biểu tình, do Trần Thuyết (Trùm Thuyết) dẫn đầu dân 7 tổng vây kín phủ đường, đòi Đề đốc Trần Tuệ phải xuất hiện. Tuệ là một tên tay sai bán nước, được thực dân Pháp cho trông coi việc đắp đường sá, thường đánh đập, áp bức dân. Trước khí thế hừng hực của dân, y từ Tòa Đại lý chạy trốn qua phủ đường, cách nhau khoảng 3 cây số. Trước phủ đường, Trùm Thuyết kêu to: “Dân ta xin quan Đại lý giao ông Đề đốc để dân ăn gan!”. Dân 7 tổng đồng thanh hô vang “Dạ!”. Đề Tuệ ngồi trong xe, hộc máu gục xuống, về đến Tòa Đại lý thì tắt thở.

Tại Hòa Vang, Ông Ích Ðường (cháu nội Ông Ích Khiêm) chỉ huy dân chúng vây Lãnh Điềm, dẫn dân điệu viên tri phủ Điện Bàn xuống Tòa Công sứ Hội An xin giảm sưu thuế. Thực dân Pháp đàn áp dã man cuộc biểu tình, cái chết của Trùm Thuyết và Ông Ích Đường đã đi vào thơ ca dân gian: “Cậu Ðường mười tám tuổi đầu/ Dẫn dân công ích xin xâu dưới tòa/ Bắt anh Trùm Thuyết dẫn ra/ Dẫn ra dân tưởng quan tha cho về/ Chém anh Trùm Thuyết gớm ghê/ Gươm đao âm phủ ba bốn bề cách xa”.

Những người tham gia phong trào chống sưu thuế ở Trung kỳ bị giặc bắt. (Ảnh tư liệu)

Cuộc biểu tình kháng sưu thuế ở Quảng Nam đã lan ra khắp Trung Kỳ, từ Khánh Hòa đến Thanh Hóa. Ở Hà Tĩnh, Nguyễn Hàng Chi, người dẫn đầu phong trào chống thuế nơi này đã ca ngợi: “Đáng kính thay dân Quảng Nam!/ Đáng học thay dân Quảng Nam!/ Lòng họ chuyên nhất như thế/ Chí họ kiên quyết nhẫn nại đến thế/ Hành động họ sáng tỏ là thế…”.

Đây là cuộc biểu tình đầu tiên trong lịch sử đấu tranh của Việt Nam, có sức lan tỏa rất lớn, có tỷ lệ người dân tham gia đông nhất vào thời đó. Nội cuộc biểu tình ngày 22-3 của dân Điện Bàn, theo Nguyễn Văn Xuân trong “Phong trào Duy Tân” và Lâm Quang Thự trong “Đất Quảng trong thơ ca”, đã lên đến 8.000 người.

Nếu tính những người tham gia vây Tòa Công sứ Pháp ở Hội An (thay phiên nhau để vây) và các cuộc biểu tình bao vây các phủ, huyện thì con số có thể lên đến vài ba chục ngàn, chiếm hơn 10% dân số cả tỉnh. Nên nhớ năm 1908 dân số nước ta chỉ độ dưới 14 triệu người và dân số Quảng Nam chưa đầy 300.000 người.

Đây cũng là cuộc biểu tình gắn liền giữa đấu tranh chính trị (đòi giảm sưu thuế) và giải quyết dân sinh (người tham gia biểu tình phải cắt tóc ngắn, thực hiện nếp sống mới). 100 năm sau, trên thế giới có cuộc biểu tình đấu tranh chính trị nào lại có sự kết hợp hài hòa hai mục tiêu như vậy, dù đó là ở quốc gia được xem là có trình độ dân trí rất cao như Mỹ, Pháp…

Sau cuộc biểu tình, thân sĩ của Quảng Nam lần lượt lên đoạn đầu đài như Trần Quý Cáp, Ông Ích Đường, Trần Thuyết, Tú Cang... Một số bị đày đi Lao Bảo như Trương Hoành, Hứa Tạo, Lương Chấn... hay bị đày ra Côn Đảo như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện, Nguyễn Thành, Lê Bá Trinh...

Để có được độc lập, dân quyền, những người con ưu tú của Quảng Nam xưa đã sẵn sàng chết dưới lưỡi gươm bạo tàn hoặc chấp nhận đoàn viên với nhau giữa rừng thiêng nước độc Lao Bảo hay sóng nước trùng khơi Côn Lôn.

LÊ BÌNH TRỊ

;
.
.
.
.
.