Nhà văn bây giờ thật sướng ở chỗ có nơi để nói. Chỉ sợ không viết được chứ có tác phẩm, không lo không nơi công bố. Muốn in, có nhà xuất bản, có báo in. Muốn lên tiếng bằng miệng, có đài phát thanh, có truyền hình. Muốn Interrnet có Interrnet.
Nhiều nhà văn, nhà thơ có blog của mình, rôm rả có khi còn hơn cả một tờ báo riêng. Trên blog, tha hồ làm tuyển tập, toàn tập; phát biểu ý kiến; đăng tác phẩm mới viết… không kiểm duyệt, không xếp hàng, không tốn kém. Có người đăng cả trăm trang tiểu thuyết, cả vài trăm trang nghiên cứu, cả gần nghìn trang hồi ký trên mạng, không cần đến nhà in, tất nhiên là không cần cả biên tập lẫn giấy phép xuất bản.
Được nói theo ý mình, được công bố theo ý mình nên trách nhiệm cá nhân của nhà văn trước người đọc lớn hơn, không còn có thể đổ lỗi cho việc mình không được nói hoặc bị biên tập cắt xén. Được nói theo ý mình nên phẩm chất nhà văn của họ cũng rõ hơn. Ai sang ai hèn, ai lớn ai nhỏ, ai tử tế ai lem nhem xấu xa phơi bày cả ra đấy. Không khí bàn luận văn chương, tư cách nhà văn vì thế mà vỡ vạc thêm nhiều.
Có người lâu nay tưởng thường mà hóa đáng trọng; lại nhiều người tưởng đáng trọng mà hóa cũng thường. Tức là bây giờ nhờ thông tin mà được dân chủ hơn trong sự biết, không chỉ biết tác phẩm mà còn được biết thêm nhiều điều về người viết ra tác phẩm. Sự biết ấy là vui, nhưng cũng có cả nỗi buồn. Ở đây xin nói về một nỗi buồn, nỗi buồn về sự bệ rạc, thậm chí “hàng tôm, hàng cá cũng thua tài” ở một số nhà văn mình.
Xin phép không phải dẫn ra những chuyện cụ thể. Chỉ xin nói về một hiện tượng, một biểu hiện rất hay gặp thời gian gần đây trên văn đàn. Đó là quá ít những cuộc bàn luận về tư tưởng, về học thuật nghiêm túc, có trách nhiệm, mà ngày càng có quá nhiều những cuộc xỉ vả, nhằm vào người này hay người kia để hạ nhục nhau, bêu riếu nhau cho hả những hậm hực cá nhân rất ít dính dáng đến văn và nghệ.
Công chúng văn nghệ sẽ nghĩ về các nghệ sĩ như thế nào khi có kẻ nào đó lớn tiếng mạt sát cả một nền văn nghệ, một cuộc cách mạng, một dân tộc, một đất nước nhưng tất cả đều im lặng, đều tự an ủi “không dây với hủi”. Sẽ nghĩ như thế nào khi có rất nhiều vấn đề động chạm đến lương tâm, danh dự, nghề nghiệp của hầu hết các nghệ sĩ không được mang ra trao đổi trên thực chất, ngõ hầu tìm hướng đi lên nhưng chỉ cần đó là chuyện lèm nhèm về đời tư của một người ít nhiều nổi tiếng là nhảy vào theo kiểu bầy đàn, đánh hôi túi bụi theo kiểu hội đồng.
Nào là đã lấy bao nhiêu đời chồng, nào là đã từng bị đuổi việc, nào là đã bị khai trừ, nào là nổi tiếng nát rượu, v.v… Lạ nữa là có những tờ báo rất dễ dãi trong việc in ấn những bài viết như vậy. Một lời nhắc làm lòng cho giới nhà báo: Người viết bài này thường được nghe trong các lớp tập huấn nghiệp vụ là công chúng bao giờ cũng săn tìm những tin xấu, những chuyện giật gân, chuyện lá cải để đọc trước (và thường bỏ tiền ra mua báo cũng vì nó) nhưng những tin, bài như vậy bao giờ cũng bị họ quên trước tiên và cùng với việc không buồn nhớ thông tin là khinh tác giả, coi thường tờ báo. ói đến đây bỗng giật mình.
DUY VŨ