Gần đây tôi mới phát hiện ra những biểu hiện khác thường của con mình. Có lúc trông nó đờ đẫn như kẻ vô hồn. Đi học sớm muộn bất thường. Đặc biệt là hay lén lút nói chuyện điện thoại. Một hôm thấy nó lén lấy tiền trong túi mẹ, không thể quanh co, nó đành thú nhận nợ tiền quán điện tử gần trường. Từ hôm đó mẹ nó tới trường xin được xem sổ theo dõi học tập. Thì ra con tôi liên tục trốn giờ. Cô giáo chủ nhiệm nói với vẻ mặt lạnh lùng:
- Cháu nghỉ học thường xuyên. Đã có giấy báo về gia đình, nhưng không hiểu sao chả thấy bố mẹ đến trường. Cho cháu thôi học thì tội, nhưng tiếp tục rủ rê nhau chơi bời thì hỏng cả lớp mất thôi. Bây giờ đã vào năm học cuối rồi…
Mẹ cháu hoảng loạn như trong nhà đang có bom nổ chậm. Hai vợ chồng chúng tôi đối mặt nhau, gay gắt tìm ra nguyên nhân. Thì ra chuyện bắt đầu từ ngày chúng tôi cho cháu tiền. Mẹ nó bảo, con lớn rồi, không thể hôm nào cũng nấu nấu nướng nướng hết Miliket lại cơm rang. Chi bằng cho con dăm nghìn, muốn ăn gì thì tùy nó. Tôi nghĩ, thế cũng phải. Mẹ nó bảo, cũng phải cho nó ít tiền phòng khi xe hỏng. Gọi điện về nhà cũng phải có ít tiền trong túi chứ. Tôi nghĩ, thế là phải. Nhưng tệ hại nhất là tiền mừng tuổi hồi đầu năm.
Mẹ cháu đã giải thích rồi, mừng tuổi là cho vui vẻ ba ngày Tết chứ nào tiền từ trời rơi xuống. Con được mừng một vài triệu thì mẹ mất ít chi cũng từng đó. Vậy là mấy năm qua mẹ chỉ cho nó cầm hai tờ 50 ngàn lấy may năm mới. Năm vừa rồi bỗng phá lệ. Không hiểu nó cưa cẩm sao mà mẹ nó cho những 500 ngàn. Nhưng không chỉ có thế.
Cô chú đến chơi, dúi vào túi nó, người một trăm, người dăm chục. Ông bạn doanh nghiệp mới phất lên cho cháu những 500 ngàn, gọi là giải xui. Vậy là từ ngày đó cậu lui tới thường xuyên mấy quán điện tử. Mỗi khi về quá muộn, mẹ cháu vào mấy quán là bắt gặp nó bụp xẹt tưng bừng cùng mấy đứa trốn học. Bây giờ tình thế đã trở nên nguy khốn. Lấy tiền trộm của bố, của mẹ, của anh chị trở nên thường xuyên. Nó thực sự trở thành con nghiện rồi.
Có gia đình bố mẹ đi làm để con trông coi cửa hàng. Vậy là có tiền, con trốn biệt vào quán điện tử thay vì đến trường. Sau đó bố mẹ thằng bé đành xích chân con vào góc tường. Liệu chúng tôi có nên áp dụng biện pháp quá đáng này không. Lại nghe nói ở một nơi nào đó có trại cai nghiện cho đám nghiện games. Biết đâu đến một ngày nào đó tôi cũng phải tìm đến cái trại quái gở đó chăng. Bây giờ mới thật thấm thía sai lầm khi cho con trẻ tiêu tiền quá sớm.
Nó mà thi trượt thì chúng tôi không đủ sức ngẩng mặt mà nhìn bạn bè, người thân. Nhất là mẹ nó, một giáo viên dạy giỏi mấy năm liền, lại có mấy lần đi báo cáo điển hình, lại lên ti-vi, lên mặt báo… Nhưng điều lo nhất đối với chúng tôi không phải một ít tiền trong túi bị biến mất. Ngay cả khi nó thi trượt, cũng đành phải chịu đựng điều tiếng thiên hạ một vài tháng.
Trước mắt nó còn cơ hội để học lại. Nguy cơ nó trở thành con nghiện mới thật đau lòng. Mà nghiện games nào khác mấy với nghiện rượu, nghiện ma túy. Một nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ có tên MC.Grau nhận định rằng, những kẻ sát nhân hàng loạt trong tương lai là những đứa trẻ hôm nay đam mê những trò chơi bạo lực trên các phương tiện điện tử.
Không biết có bao nhiêu gia đình rơi vào tình cảnh khổ tâm như chúng tôi. Đã đến lúc toàn xã hội khẩn thiết rung một hồi chuông SOS với trò chơi games.
Hiếu Dân