.
Đối thoại một mình:

Kê đơn bắt mạch

.

Hiện nay phim tràn ngập trước màn hình nhỏ tư gia, những phim sáng giá của điện ảnh Mỹ, Hàn, Trung Quốc… vẫn không ít người kiên nhẫn xem phim Việt, thì đủ biết nhiệt tình của công chúng đối với điện ảnh nước nhà. Nhưng nhiều phim xem xong, cảm giác chung là... chán.

Cảnh trong phim Thời xa vắng.
Nhân vật nào xuất hiện cũng y như đang cầm micro đọc lời thoại. Giọng các bà già à ơi than thở, giọng ông đại tá công an đọc mệnh lệnh, ông đại úy hạ quyết tâm, giọng mấy cha bụi đời, đao búa... nhân vật nào nói cũng rất chuẩn ngữ pháp, nghĩa là có đầy đủ chủ ngữ vị ngữ, có ngắt câu dừng nghỉ. Nghe các nhân vật đứng đọc nghiêm túc kịch bản vô hồn, e cũng là một lý do khiến phim nội khó tiếp nhận.

Nhưng lời thoại của cũng chỉ là một khâu yếu trong phim Việt Nam. Nhìn rộng ra là nội dung kịch bản, diễn xuất của diễn viên... Nhiều giải pháp để thu hút công chúng đến với điện ảnh nội. Liên tục chiếu phim trên các kênh truyền hình, trong các rạp. Báo chí nhanh nhạy lăng xê những phim mới, cổ súy cho những tìm tòi của các đạo diễn. Có không ít diễn viên chỉ mới xuất hiện trong vài ba vai diễn đã được một số báo liệt vào hàng “sao” trong các buổi trò chuyện. Vậy là xã hội cũng đều cố hướng về phim Việt, tấm gương phản chiếu cuộc sống sinh động của đất nước.

Nói cho công bằng thì những năm gần đây phim Việt cũng có một số phim gây ấn tượng như Bao giờ cho đến tháng mười, Đời cát, Mùa ổi, Mùa len trâu, Thời xa vắng, Vua bãi rác, Chung cư, Người đàn bà mộng du, v.v... Và Việt Nam cũng không hiếm những đạo diễn tài năng như Đặng Nhật Minh, Nguyễn Thanh Vân, Lưu Trọng Ninh, Việt Linh, v.v... nhưng từng đó tên tuổi cũng chưa thể làm nên bộ mặt sáng sủa, lạc quan cho điện ảnh Việt Nam. Nhiều rạp chiếu phim vắng khách. Có những rạp trở thành tụ điểm buôn bán nhì nhằng.

Áp phích phim Bao giờ cho đến tháng mười ( ảnh tư liệu )
Không ít ý kiến nhấn mạnh yếu tố kinh phí. Đã dùng kinh phí Nhà nước thì phải làm phim theo chỉ đạo, quản lý của Nhà nước. Điều đó cũng đúng, nhưng sự quản lý ngày nay là một khái niệm mở. Nếu không thế, sao có những bộ phim Lưới trời, Sống trong sợ hãi ra đời. Kinh phí quá eo hẹp cũng là nguyên nhân chủ yếu được nhấn mạnh khiến các hãng không thể có phim hay.
 
Điều này thì không ai có thể phủ nhận được. Nhưng nếu vậy thì cắt nghĩa làm sao về những thành tựu điện ảnh Việt Nam những thập kỷ bảy mươi, tám mươi với những tác phẩm kinh điển như Chị Tư Hậu, Tiền tuyến gọi, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Đứng trước biển, Cánh đồng hoang, v.v... Đã một thời hễ gặp diễn viên Trà Giang đâu đó là dân chúng gọi chị bằng cái tên trìu mến, chị Tư Hậu; diễn viên Thế Anh dễ thương của họ.

Cũng có người cho rằng, phim dẫu hay cũng chỉ của thời đó. Có người lại nói, ấy là cái tình hoài niệm của một thế hệ nó níu kéo lại. Xin thưa: Những phim đen trắng một thời ấy vẫn lay động sâu sắc tâm hồn nhiều thế hệ, kể cả lớp trẻ, những người không sống đồng thời với cuộc sống trong phim. Điều này minh chứng một lẽ hiển nhiên: Đó là những tác phẩm đã đạt tới chân giá trị của nghệ thuật.

Những diễn viên tên tuổi ngày trước, họ đến với điện ảnh bằng cả trái tim và trách nhiệm công dân. Sâu xa trong tâm hồn họ là niềm kiêu hãnh với tư cách là người nghệ sĩ. Họ đã góp phần làm nên giá trị đích thực của điện ảnh Việt Nam, ngay cả khi kinh phí vô cùng eo hẹp.

Thiết nghĩ, ngoài kinh phí, nhất định còn phải cần đến những yếu tố sống còn nào nữa kia. Điều này, những người trong ngành hơn ai hết, hẳn đã tìm ra hướng đi để phim Việt Nam không chỉ thu hút người xem trong nước, mà đủ mạnh để cạnh tranh với phim ngoại nhập, hiện tràn ngập trong mọi ngõ ngách của cuộc sống.

Nhất Ngôn

;
.
.
.
.
.