.

Nát lòng đình cổ

.

Một ngôi đình làng hàng trăm năm tuổi, từng nhận 15 sắc phong của các vị vua nước Việt, giờ đây đang mục nát đến khó lòng cứu vãn. Ngôi đình ấy nằm sát vách một ngôi trường mầm non. Người lớn sẽ dạy cho thế hệ trẻ như thế nào về niềm tự hào lịch sử dân tộc, về giá trị của cội nguồn khi từng ngày, các em phải nhìn ngôi đình đổ nát? 

Phủ ni-lông, đợi đến bao giờ?

 Cụ Bùi Đức Trí (79 tuổi) đọc câu chữ Hán: “Tế thứ Ất Mùi tam nguyệt các nhật Hưởng Phước xã đồng tạo” được khắc trên bàn áng. Chiếc bàn áng này từng được dân buôn trả 70 triệu đồng!

Đình Hưởng Phước (thôn Hưởng Phước, xã Hòa Liên) nằm ngay bên cạnh Trường mầm non Hòa Liên. Trái ngược hoàn toàn với sự nhộn nhịp của tiếng trẻ thơ là một cảnh tượng vắng lạnh, điêu tàn của ngôi đình. Kéo “cánh cổng” bằng tre và cành cây mục, chúng tôi chui vào sân đình. Theo lời kể của các cụ cao tuổi, sân đình ngày xưa rộng trên 2 sào (1.000m2 – P.V).

Trước sân có hai cây bàng và một cây me cổ thụ. “Bất kỳ ai đi qua đây cũng ngả nón, cúi đầu. Những đứa trẻ chúng tôi ngày ấy được dạy vậy, nên không dám đến gần hay leo trèo, phá phách”, cụ Bùi Thân, 79 tuổi kể. Các cụ không thể quên cái cảm giác cung kính trước vẻ uy nghiêm và thâm cung bí sử của đình làng. Ký ức về những ngày xưa, vừa tí tuổi đã bám áo cha lên đình cúng lễ, cùng mọi người tham gia cuộc đình đám, hội hè đờn ca sáo thổi vẫn rộn ràng tươi trong. Cụ Trần Kinh (73 tuổi) kể: “Mỗi năm, làng đều cúng lớn vào 25 tháng chạp và rằm tháng tư. Còn bình thường, bà con đều hương đèn chu đáo”.  

“Thời hoàng kim” của sân đình chỉ còn trong nỗi nhớ nhung của những người đau đáu với một di tích cổ. Sân đình nay trở thành bãi trồng rau lang. Nghe hơi buồn, nhưng lại là may (?). Bởi theo nhiều người, nhờ thế, đình mới bớt vắng lạnh và đôi phần sạch sẽ. Tấm rào tre trước mặt đình cũng do người nông dân dựng nên để ngăn bò vào phá rau hay phóng uế.

Vào trong đình, sau mỗi tiếng bước chân của chúng tôi là tiếng lộp độp của ngói vỡ. Toàn bộ phần ngói âm dương trên mái đã rơi đầy và nát vụn dưới nền đất. Những cột chống mục ruỗng, nằm lăn lóc. Ba bàn thờ đã xanh um màu rêu, không một nén nhang ấm được thắp lên.

Hay tin có nhà báo tới “chớp bóng, viết về cái đình”, các cụ cao tuổi nhiệt tình làm người dẫn đường, giúp những thông tin về đình Hưởng Phước. Cụ Thân với chòm râu dài, trắng “vọt” lên xe đạp phóng nhanh về phía trước, đưa chúng tôi đến nhà những cụ có nhiều kỷ niệm gắn bó với cái đình. Cụ Lê Kim Khai (88 tuổi) tuy đôi tay đã run rẩy nhưng chân cứ thoăn thoắt chạy trên đường. Cụ “ngồi đại” lên xe máy của một thanh niên, nhờ chở đi tìm chìa khóa mở cửa nhà họp thôn, vì muốn cho chúng tôi nhìn tận mắt những hiện vật còn lưu giữ. Mặc dù, theo lời các cụ: “Đã có nhiều người tới đây chụp ảnh, quay phim rồi”. 

Không chỉ là nơi hội tụ dân làng, đình Hưởng Phước còn mang chứng tích của nhiều giai đoạn lịch sử Việt Nam, thể hiện qua bàn áng và 4 tấm biển lớn còn nguyên vẹn, hiện được dân giữ gìn như bảo bối. Cụ Bùi Đức Trí, thư ký Hội Người cao tuổi xã Hòa Liên cho biết, bàn áng này dùng để “chực giá ngự” - xin tạm hiểu là “chờ vua đến”. Theo đó, bàn áng được nhân dân địa phương khiêng ra Đồn Nhất (một di tích thuộc địa phận Ải Vân quan - P.V) để đón vua Bảo Đại khi ngài đi ngang nơi này.

Ngoài ra, theo lời kể của cụ Lê Kim Khai, đình còn là nơi họp bàn bí mật của các sĩ phu yêu nước từ năm 1935 - 1937. Đặc biệt, cụ nhớ như in tháng 3 năm 1937, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã từng họp bàn quốc sự ở đây.

UBND xã Hòa Liên gửi cho chúng tôi một bản chép tay của một bô lão địa phương đã qua đời. Đây được coi là một trong những tài liệu cực kỳ hiếm hoi về đình Hưởng Phước. Từ ngữ, cách viết trong bản chép khá mơ hồ, nên dù đọc đi đọc lại hơn chục lần, chúng tôi vẫn không tài nào hiểu tường tận mọi ý nghĩa. Duy một điều rất rõ ràng là đình Hưởng Phước đã nhận hơn 15 sắc phong của các triều vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và Khải Định.

Trong quá trình tập hợp tư liệu để viết bài này, chúng tôi không thể tìm ra người có thể trả lời được câu hỏi: “Đình Hưởng Phước quan trọng đến mức nào đối với địa phương và đất nước mà lại nhận rất nhiều sắc phong của các vị vua?”. 

Ông Nguyễn Hữu Long, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Liên cho biết: “Từ năm 1994, UBND xã đã nhận được quyết định về việc bảo vệ đình Hưởng Phước. Nhưng cho đến nay, xã cũng chỉ lợp dã chiến, tức cho ni-lông phủ hết cả cái đình để khỏi hư đồ bên trong. Còn việc phủ cho đến bao giờ, chúng tôi cũng đang tự hỏi”.

Dân buôn đồ cổ “thòm thèm”

 Đình Hưởng Phước hoang tàn, lạnh lẽo.

Đình Hưởng Phước có từ bao giờ? Hầu hết các cụ bước qua tuổi thất thập trong làng không còn ai nhớ rõ. Họ chỉ có thể khẳng định: “Tôi sinh ra đã thấy ông, cha thường xuyên lui tới đình”. May mắn, chúng tôi gặp được cụ Bùi Đức Trí (79 tuổi), thư ký của Hội Người cao tuổi xã Hòa Liên, người ghi chép rất tỉ mỉ ngày, tháng liên quan đến các sự kiện của đình làng. Trong sổ ghi của cụ Trí, đình Hưởng Phước được xây dựng cùng thời với đình Vân Dương (cũng thuộc địa bàn Hòa Liên), tức năm 1557, đời Hồng Phúc; được trùng tu lần đầu vào năm 1971, lần hai vào năm 1974.

Cụ Thân, 79 tuổi kể: “Dân buôn đồ cổ từ Hội An ra đây trả giá 25 triệu đồng/1 tấm biển, 70 triệu đồng/bàn áng, nhưng làng không bán. Nếu họ trả 10 tỷ, làng vẫn quyết giữ. Các hiện vật đó được coi là linh hồn của đình. Mai mốt, nếu đình được trùng tu còn có cái đặt vào”. Có cụ cho biết: “Dù hình ảnh thực về đình đang dần mất đi, nhưng qua lời kể, chúng tôi vẫn luôn làm cho con cháu hình dung cặn kẽ về ngôi đình đã gắn bó như máu thịt.

Thanh niên cũng hào hứng với chuyện phục dựng lắm. Nhiều người trong làng giục chúng tôi hãy làm cái gì đó để đình được trở lại như xưa”. “Cách đây 3 năm, chúng tôi định làm một tờ đơn có chữ ký của tất cả người cao tuổi trình lên xã, huyện, và lên đến thành phố để khẩn thiết yêu cầu trùng tu đình, nhưng xã nói: “Làm chi mà nôn rứa!”, một cụ nói thêm.

Trong nhiều tài liệu viết về đình, người ta thường gút lại một câu: “Đình là nhà”. Còn các bô lão thôn Hưởng Phước giải thích theo cách khác: “Đình là đầu”, “Đình là đòn đông”. Dù hiểu theo cách nào, đình vẫn là cái quan trọng bậc nhất, được cung kính bậc nhất. Nhưng đình vẫn trong tình trạng đổ nát, làm nát lòng nát ruột hết thảy những ai quan tâm tới cái “đầu”, cái “đòn đông” của làng.

 

Theo Bảo tàng Đà Nẵng: Đình Hưởng Phước chưa được cấp kinh phí trùng tu vì chưa được công nhận di tích. Chỉ khi đình có đủ các tiêu chuẩn về kiến trúc, hiện vật, tài liệu, tư liệu… theo quy định trong Luật Di sản thì mới được trùng tu. Có ý kiến cho rằng, phải bảo vệ, trùng tu trước rồi mới công nhận di tích thì đó chỉ là lý thuyết mà thôi!

Ông Hoàng Minh Nhân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản miền Trung - Tây Nguyên:

Đừng nghĩ chỉ có đình lớn mới đáng lo

Để đình mục nát là đã đánh mất linh hồn, lịch sử, văn hóa làng, trong khi làng là đơn vị cực kỳ quan trọng của đất nước. Đình là nơi ghi nhận lịch sử của một làng, những phong tục, sinh hoạt, sự thăng trầm của đất và người, là gương mặt tinh thần của làng để con cháu đời sau soi vào đó. Ngành văn hóa thành phố phải có trách nhiệm với đình Hưởng Phước. Đừng nghĩ, lo cho “đình lớn” mới thể hiện sự trân trọng tổ tiên!

 

THU HOA - HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.