.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục và món quà mừng Đại lễ

.

Biết bao phấp phỏng, lo lắng khi chỉ còn hơn 700 ngày nữa là tới Đại lễ “1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”, thế nhưng, hai bộ phim được kỳ vọng nhiều nhất là “Thái Tổ Lý Công Uẩn” và “Trần Thủ Độ” cho đến nay tính khả thi vẫn còn hết sức mập mờ.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục.
Đến thời điểm này, dự án sản xuất phim truyện nhựa “Thái Tổ Lý Công Uẩn” đã không còn nằm trong kế hoạch các hoạt động kỷ niệm “1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”. Chỉ còn hai dự án điện ảnh tiếp tục được đưa vào kế hoạch là “Trần Thủ Độ” và “Chuyện về người con của Rồng” (phim hoạt hình).

Trong tình hình đó, nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã âm thầm tạm gác lại những thú vui của mình để bắt tay vào viết kịch bản phim “Hà Nội yêu dấu”, một bộ phim mà theo như ông “là minh chứng cho tấm lòng của tôi dành cho Hà Nội”.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục cho biết, lúc đầu ông không định viết kịch bản phim mà dành thời gian để viết tiểu thuyết và làm một số công việc khác. Sau thành công của rất nhiều bộ phim với tư cách là biên kịch như: Những nẻo đường phù sa, Bình minh châu thổ, Những đứa con thành phố, Quỷ nhập tràng… ông đã “buông bút” trong một khoảng thời gian khá dài - vừa đúng 10 năm. Nói về lý do quay lại với nghề này, nhà văn Nguyễn Khắc Phục cho biết:

“Vì “Hà Nội yêu dấu” không còn hình thức nào thể hiện thích hợp bằng kịch bản phim. Hơn nữa, bây giờ viết tiểu thuyết về Hà Nội thì công chúng ít đọc. Theo tôi, để kể cho mọi người nghe cuộc sống của người Hà Nội trong những năm tháng từ khi Cách mạng Tháng Tám cho đến nay, thể hiện dưới hình thức một cuốn tiểu thuyết bằng hình ảnh là thích hợp và sinh động nhất”.

“Hà Nội yêu dấu” gồm 2 phần: phần 1 gồm 25 tập, dự kiến hoàn thành trong năm 2009, và phần 2 kết thúc trong năm 2010, trước khi diễn ra Đại lễ “1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”. Phim lấy bối cảnh là 60 năm cuối (1950 - 2010) trong khoảng thời gian 1.000 năm từ 1010 - 2010, nhân vật chính trong phim (Nguyễn Mộng Nhai) là một công chức bình thường.

Cuộc đời của nhân vật chính được tái hiện trên phim từ khi làm việc Nhà nước cho đến lúc nghỉ hưu. Bởi thế, nhiều người lo ngại, phim sẽ không tái hiện được hết lịch sử của cả chặng đường 1.000 năm của đất kinh đô văn vật. Nhân vật chính cũng chỉ là một người bình thường, không phải là một văn nhân hay một người đặc biệt. Vì vậy, phim sẽ không có nhân vật, số phận và câu chuyện điển hình, sức hấp dẫn của phim vì thế mà bị giảm một phần nào đó.

Thế nhưng, nhà văn Nguyễn Khắc Phục lý giải: “Trong 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội có nhiều giai đoạn, tôi chỉ chọn giai đoạn cuối của thời gian 1010 đến 2010. “Hà Nội yêu dấu” chỉ tái hiện không khí hiện đại. Vì thực chất phim này là phim tâm lý xã hội.

Tuy chỉ là 60 năm cuối của cả chặng đường, nhưng đây là quãng thời gian đầy biến động của lịch sử Thăng Long, Hà Nội và cũng đau thương, oanh liệt không kém những ngày đầu khi Thăng Long mới được khai sinh. “Hà Nội yêu dấu” không chỉ có mơ mộng, lãng mạn với chè sen, ca trù; mà Hà Nội đã trải qua tất cả những cung bậc cùng đất nước hơn 60 năm vừa rồi. Mà cũng trong chừng thời gian đó, trên thế giới không có thủ đô nào trải qua đầy đủ các tình huống như Hà Nội.
 
Từ một nơi mất tên kinh đô, thành kinh đô trở lại; rồi khởi đầu hai cuộc kháng chiến, lại trực tiếp hứng chịu B52. Trên thế giới này chưa có thủ đô nào mà lãnh đủ những trận bom rải thảm kéo dài hàng tháng trời, liên tục. Một Hà Nội linh thiêng, hào hùng như thế nhưng mấy bạn trẻ ngày nay cảm nhận thấm thía hết được. Hơn nữa, bây giờ Hà Nội đã được mở rộng thì không khí này càng bị pha loãng. Thế lại càng cần phải kể cho các bạn trẻ nghe”.

Thông thường, khi kịch bản hoàn thành, người biên kịch sẽ không còn vai trò gì nữa. Có lẽ vì thế mà từ trước tới nay, một mặt do đặc trưng của điện ảnh nên có không ít những rủi ro, sơ sẩy phát sinh. Khi phim qua tay đạo diễn và được lên sóng, nhiều biên kịch đã không còn nhận ra “đứa con” của mình. Vẫn biết việc hợp tác này mang tính may - rủi nhưng không ít biên kịch vẫn phải mang tâm trạng ngậm ngùi. Bởi thế, lần này nhà văn Nguyễn Khắc Phục sẽ đi ngược lại với quy trình từ trước.
 
Nghĩa là, mặc dù đã giao kịch bản cho đạo diễn nhưng ông cũng sẽ tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất phim. Theo đó, ông sẽ dành thời gian phân tích tác phẩm cho diễn viên và ê-kíp làm phim. Ông cho rằng: “Làm đến nơi đến chốn việc này thì sẽ biến cả tập thể cùng hướng về một đích nghệ thuật và cảm hứng sáng tạo. Và biết đâu sẽ tránh được tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Cũng theo nhà văn Nguyễn Khắc Phục, điều quan trọng hơn cả là truyền cảm hứng cho diễn viên về “tình yêu Hà Nội”. Điều này không mang tính áp đặt vì mỗi người có một kiểu yêu khác nhau. Một người 60 tuổi yêu Hà Nội khác một người 20 tuổi...

Thời gian đến Đại lễ “1.000 năm Thăng Long - Hà Nội” không còn nhiều, sự kỳ vọng của công chúng có lẽ bây giờ sẽ chuyển hướng sang “Hà Nội yêu dấu”. Nhà văn Nguyễn Khắc Phục khẳng định: “Chắc chắn làm phim đề tài hiện đại sẽ thuận lợi hơn, xây dựng phim cũng sẽ đơn giản hơn. Hơn nữa, phương tiện, thời gian, kinh phí không đòi hỏi lớn như các phim kia”.

Hồ Huy Sơn

;
.
.
.
.
.