Sau khi Luật Điện ảnh chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định 96/2007/NĐ-CP quy định từ ngày 6-6-2007, phim truyện Việt Nam trên mỗi đài truyền hình phải được chiếu vào “Giờ vàng” và chiếm tỷ lệ ít nhất 20% tổng số buổi phát sóng phim. Đến thời điểm này, đó vẫn là một thách đố.
Lệch chuẩn “Giờ vàng” và thời lượng phát sóng phim Việt
Khảo sát chương trình phát sóng tháng 10-2008 của một số đài truyền hình địa phương, tình hình cũng tương tự. Song song với việc phim truyện Việt Nam trên Đài PT&TH Hải Phòng đạt 33% tổng số buổi phát sóng, Đài PT&TH Vĩnh Long xấp xỉ mức quy định 16,3% thì ở các Đài PT&TH Vĩnh Phúc, Bà Rịa-Vũng Tàu, tỷ lệ đó là… 0%, có nghĩa là không có một bộ phim Việt nào được phát sóng, đối lập với phim Việt Nam, phim Trung Quốc tại 2 đài này đạt con số ngất ngưởng là 98% và 57%.
Bên cạnh việc phát sóng phim Việt chưa đủ thời lượng thì việc các đài lệch chuẩn “Giờ vàng” cũng diễn ra như… cơm bữa. Ngoài Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh có phim Việt Nam chiếm ngôi trong “Giờ vàng”, còn lại, tại rất nhiều các đài địa phương, phim Việt chỉ ngậm ngùi xếp ở “giờ bạc”, ven ven “giờ đồng”, thậm chí lấp ló “giờ chì”…
Đơn cử như trong chương trình phát sóng tháng 10-2008, Đài PT&TH Hải Phòng không phát sóng một phim Việt nào trong “Giờ vàng”, mà dồn vào 2 vệt giờ là 9 giờ sáng và 15 giờ chiều - thời gian mà công nhân, viên chức đi làm, học sinh đi học, các bà nội trợ lo chợ búa. Khá hơn một chút, ở cái mức thập thò “Giờ vàng”, 2 bộ phim Việt Nam “Tường Vi cánh mỏng” và “Bò cạp tím” được Đài PT&TH Vĩnh Long phát nguyên vẹn vào 2 mốc thời gian là 17 giờ và 22 giờ 15. Ngay cả Đài PT&TH Hà Nội, trong tháng 11-2008, phim Việt Nam cũng chỉ với được tới khán giả vào lúc 7 giờ sáng. Ấy là vẫn còn may vì có những trường hợp mà phim Việt và khán giả như cảnh “mặt giăng-mặt giời” bởi bị các nhà đài phát sóng vào lúc 5 - 6 giờ sáng, thậm chí 2 - 3 giờ sáng.
Như vậy, thực chất “Giờ vàng phim Việt” là việc các đài truyền hình thực hiện tỷ lệ phim Việt trên sóng, nhưng xem ra việc này vẫn chỉ thực hiện quanh quẩn ở VTV và HTV. Và dù có được coi là khấm khá nhất đi chăng nữa thì ở 2 đài này, “Giờ vàng phim Việt” vẫn chưa thể được coi là “Vàng” được bởi có quá nhiều quảng cáo, mỗi tập phim dài 50 - 60 phút trên VTV3 và VTV1 thì có đến 15-20 phút tra tấn khán giả bằng quảng cáo. Chúng ta thực hiện “Giờ vàng phim Việt” là vì người xem, vì phim Việt; nên chăng cần có những quy định, tiêu chuẩn rõ ràng, để “Giờ vàng phim Việt” không bị coi là một kiểu “Đổi phim lấy quảng cáo, đổi quảng cáo lấy phim”!
Giải pháp nào cho những thách đố?
Đối mặt với những thách thức, giải pháp giành được nhiều sự lựa chọn nhất của nhà đài và những nhà làm phim chính là sản xuất phim truyền hình dài tập. Hiện nay, Đài Truyền hình Việt Nam đã có 3 bộ phim dài tập được phát sóng là “Cô gái xấu xí” (169 tập), “Những người độc thân vui vẻ” (dự kiến 500 tập) và “Nhà có nhiều cửa sổ” (trên 100 tập).
Tuy nhiên, cho đến lúc này có thể khẳng định giải pháp này không phải lúc nào cũng giữ được chân khán giả: “Những người độc thân vui vẻ” làm người xem thất vọng bởi những tình huống hài nhạt nhẽo, cứng nhắc; “Cô gái xấu xí” có phần mới mẻ hơn, thực sự đọng được nhiều ấn tượng ở những tập đầu tiên nhưng càng về sau bộ phim càng đuối khiến khán giả không còn đủ kiên trì để tiếp tục theo dõi. Quan trọng hơn là nội dung phim hời hợt, không rõ phản ánh và giáo dục điều gì.
Có thể nói, chất lượng phim Việt Nam phát sóng trên truyền hình chưa tương xứng với sự tăng lên của số lượng. Điều này đã khiến cho các nhà đài và các nhà sản xuất phim đang phải gồng mình lên để tìm và thực thi những giải pháp hữu hiệu nhất. Mặc dù phải bảo đảm chỉ tiêu sản xuất 600-700 tập phim/năm, song Đài Truyền hình Việt Nam cũng đang phải quản lý rất chặt các sản phẩm đầu ra; thẩm định và thực hiện những phim có chất lượng cũng như có sự đầu tư tốt.
Không chỉ có VTV mà HTV cũng đề ra những giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng phim nội; đó là việc sẽ áp dụng những tiêu chuẩn duyệt khắt khe từ đề cương kịch bản cho đến trước khi phát sóng, đặc biệt, từ năm 2009 sẽ nâng giá thành sản xuất một bộ phim lên trên mức 200 triệu đồng/tập nhằm tạo điều kiện và khuyến khích các bộ phim chất lượng cao. Nhiều ý kiến cho rằng: Cần coi trọng chất lượng hơn là số lượng. Nếu chỉ vì số lượng mà đưa ra những bộ phim vô bổ, thậm chí có hại cho xã hội, thì tất nhiên nên gạt bỏ.
Nếu như vài năm trước, “Những ngọn nến trong đêm”, “12A và 4H”, “Xin hãy tin em”, “Những người sống quanh tôi”, “Phía trước là bầu trời”… đã góp phần làm nên một luồng gió mới mẻ của phim Việt Nam thì gần đây, “Ma làng”, “Luật đời”, “Chạy án” rồi “Chàng trai đa cảm”, “Bỗng dưng muốn khóc”… đã để lại những ấn tượng và sự quan tâm đặc biệt đối với người xem.
Chúng ta không so bì phim Việt Nam với phim thế giới, nhưng chúng ta có quyền tin tưởng vào điều kỳ diệu không xa của “Giờ vàng phim Việt” và sự nỗ lực của các nhà làm phim Việt Nam. Nhưng muốn được như vậy, ngoài sự nỗ lực của ngành điện ảnh và truyền hình, chúng ta cần có chiến lược phát triển phim Việt Nam, với sự đầu tư lớn của Nhà nước và mở rộng xã hội hóa trên lĩnh vực điện ảnh, trong đó đầu tư về sáng tác và đạo diễn là rất quan trọng.
Liên Phan