Tung tung-da dá là những điệu nhảy truyền thống của dân tộc Cơtu, thường sử dụng trong các lễ, hội lớn như lễ đắp lỗ, lễ nhổ rạ, lễ ăn cơm mới; đi kèm theo là các loại nhạc cụ: trống, chiêng, cạpluốc, raham, hra, traphre. Tuy nhiên, hiện nay trong số 100 người Cơtu thì chỉ khoảng 20 người còn nhớ đến những nét văn hóa truyền thống, trong đó số người trẻ đang ngày càng ít dần.
“Bây chừ bọn trẻ quên gần hết rồi”
Sợ rằng nhà Gươl chỉ còn là hình tượng. TRONG ẢNH: Nhà Gươl của người Cơtu ở thôn Phú Túc, xã Hòa Phú. |
“Nhà Gươl ngày trước được làm bằng tre, lồ ô, ở giữa có cột trụ cao bằng gỗ, chung quanh cột trụ có hình 4 con chim Gương (chim gõ kiến), sàn nhà bằng phẳng, có 3 cái bếp luôn đỏ lửa cho thanh niên tối tối đến giao duyên, ngủ lại. Bây giờ, nhà Gươl mới, được người đồng bằng xây lại, có cả cột trụ làm bằng bê-tông, cốt thép.
Đàn bà, trẻ con, khách lạ không còn bị cấm vô nữa. Bếp lửa không có, thanh niên cũng bị cấm vô ngủ lại vì chúng nó không còn tốt như ngày xưa. Chỉ trừ những ngày hội họp hay lễ hội mới có người đến, ngày bình thường không mấy người dân vào đây”. Gặp chúng tôi, một thanh niên tên Đơn nói: “Em sinh ra thì nhà Gươl cũ đã không còn nữa, cũng có nghe già làng kể lại nhưng không hình dung ra cụ thể nó như thế nào”.
Thực tế đang diễn ra ở bản làng người Cơtu là lớp thanh niên lớn lên sau này đã không còn nhiều cơ hội để tiếp cận với văn hóa truyền thống của dân tộc mình. “Bây chừ nhà Gươl đã thay đổi rồi nên truyền thống ở đây cũng không giống xưa nữa. Mấy đứa thanh niên chừ đi học dưới đồng bằng về chỉ thích xem phim, uống bia rượu. Ngày trước săn được con heo là đem ra nhà Gươl chia cho cả làng, bây chừ săn được là đem bán”, một phụ nữ lớn tuổi ở đây cho biết.
Để rõ hơn, chúng tôi tìm đến gặp bác Nguyễn Văn Cần, người đã từng đảm nhiệm vị trí già làng thôn Phú Túc từ năm 1990 đến 2000. Tiếp chúng tôi trong căn nhà xây từ chính sách định canh định cư của thành phố, bác Cần buồn buồn nhớ lại: “Ngày trước đám cưới, lễ hội vui lắm. Người cột trâu, người đánh trống, gõ chiêng, tung tung-da dá rầm trời. Bây chừ bọn trẻ nhác nhảy, nhác múa, quên gần hết rồi”.
Biết có giữ được hay không?
Được sự quan tâm của thành phố, từ nhiều năm qua đời sống của người Cơtu ở 2 xã Hòa Phú và Hòa Bắc, huyện Hòa Vang đã có nhiều khởi sắc. Lớp trẻ người Cơtu bây giờ đa số đã được đến trường. Nhưng, bên cạnh nét đổi thay đáng mừng đó, những người già ở đây vẫn canh cánh nỗi lo: ai sẽ gìn giữ bản sắc của dân tộc khi lớp người như mình đã nằm xuống.
Bác Cần ngậm ngùi khi nhớ lại: “Ngày xưa, chỉ cần tham gia vài mùa lễ hội là biết nhảy múa, sinh hoạt. Bây chừ lễ hội không còn được tổ chức nhiều như trước vì quá tốn kém, bọn trẻ lại đi học, đi làm hết nên chúng cũng ít có thời gian để ngồi nghe mình kể chuyện”. Trong khi những người già luôn muốn truyền lại nét đặc sắc của văn hóa dân tộc cho con cháu thì giới trẻ lại không mấy mặn mà. Bên cạnh đó, một nỗi lo nữa của người Cơtu là sợ đến đời cháu, chắt nhà Gươl chỉ còn là hình tượng mà thôi”.
Bài và ảnh: HOÀNG LINH