Gặp lại anh tôi rất mừng. Càng mừng hơn khi biết anh đang giữ một chức vụ khá quan trọng. Anh mời tôi vào một nhà hàng sang trọng, có khá nhiều khách quốc tế đang dùng bữa. Người cán bộ đi cùng anh cầm cuốn thực đơn, đọc từng món ăn. Những cái tên như “Kình ngư cưỡi sóng”, “Kê hóa đại long”... đối với tôi, nghe như tiếng nước ngoài.
Anh tỏ ra thông cảm với cái thằng nhà quê ra tỉnh là tôi và lập tức thiết kế ngay một bữa ăn Âu pha Á cho ba người, khoảng năm sáu món gì đó. Anh bảo tôi chọn rượu. Trước vẻ mặt ngu ngơ của tôi, anh thân mật giải thích mỗi món ăn thích hợp với một loại rượu, không phải như ta ở đâu, lúc nào cũng chỉ một loại rượu trắng! Anh ví dụ món kình ngư phải sánh đôi với vang trắng, còn thịt bò hầm sốt patê (Tôi nghe anh dặn nhà hàng phải dùng patê gan ngỗng) dứt khoát không rượu cognac lâu năm không xong! Ngồi trước những chiếc ly pha lê lóng lánh chiếc to chiếc nhỏ chiếc cao chiếc thấp tôi vừa phấn khởi vừa lo. Phấn khởi vì thành phố mình phát triển nhanh, đời sống khấm khá hẳn lên.
Lo vì mình vốn vụng, nhỡ đụng tay đụng chân là vỡ một cái ly thì xấu hổ chết! Thú thực, căng thẳng tới mức tôi “thực bất tri kỳ vị”, ăn món nào cũng thấy na ná như nhau. Nhìn anh ung dung ngồi ăn tôi phát thèm, ước gì mình cũng được như anh. Thì mới ngày nào anh và tôi chia nhau rổ lá sắn luộc chấm muối ớt - phải giã thật nhiều ớt, thật cay để đánh lừa cái lưỡi. Thời bao cấp, cầm tờ phiếu thịt trong tay xếp hàng từ ba bốn giờ sáng chỉ mong mua được lạng mỡ để dành dùng dần. Chúng tôi tiếp tục đánh lừa cái lưỡi bằng những dúm bột ngọt, thứ hàng xa xỉ vào lúc đó.
Bữa ăn kết thúc, trong lúc chờ cậu cán bộ thanh toán, anh chép miệng phàn nàn rằng cho đến giờ thành phố vẫn chưa có một nhà hàng nào khả dĩ chấp nhận được! Tôi phân vân không biết anh nói thực hay đùa. Chẳng lẽ anh am hiểu văn hóa ẩm thực, sành điệu đến mức những sơn hào hải vị, những ly rượu lâu năm mà chúng tôi vừa thưởng thức không làm anh vừa ý?
Tôi lẩn thẩn hỏi mượn cô bạn gái mấy cuốn sách dạy nấu ăn. Thật may, bạn tôi đưa cho tôi gần chục cuốn, dày có mỏng có, món ăn bình dân có, món lễ, tết, món tiệc tùng... Tôi đọc rồi tự cười mình. Ăn uống là lĩnh vực của cảm nhận, cái lưỡi của tôi thì đọc bao nhiêu sách cũng là cái lưỡi nhà quê, quen với chén tương, đĩa cà muối mà thôi! Nhưng bất chợt tôi giật mình phát hiện ra trong cả trăm món nghìn món trên những trang sách, không món nào không ướp không nêm bột ngọt!
Tôi chợt hiểu vì sao các món ăn trong nhà hàng bữa đó cứ na ná nhau. Chao ôi, những năm tháng phải dùng bột ngọt đánh lừa cái lưỡi. Đạn bom giờ đã không còn. Những tờ tem phiếu không còn. Nhưng vẫn còn đó bột ngọt trong anh trong tôi, trong cả xã hội này - sự lừa dối ngọt ngào!
HOÀNG