.

Thất Huyền Cầm

.

Chúng tôi phải qua rất nhiều thủ tục mới được tay trưởng phòng kỹ thuật Viện Khoa học hình sự cho sử dụng chiếc máy đọc văn bản kín. Bạn tôi, nhà sử học Dương Trung Nam thận trọng trao chiếc hộp cho viên trung tá còn trẻ, đeo kính gọng Titan rất mode. "Xin anh hãy cẩn thận cho.
 

Minh hoạ : Hoàng Đặng
Cuốn sách trong này nằm dưới lòng đất nhiều năm. Động mạnh sẽ tan vỡ!" - "Vô tư đi! Tôi biết, tôi biết". Viên cảnh sát cười. Dường như mọi sự nguy hiểm với cảnh sát đều là trò đùa! Anh ta đặt chiếc hộp đựng sách vào băng chuyền nhỏ, bấm nút; y như hải quan kiểm tra hành lý trên các cửa khẩu sân bay.

Đúng là thời đại công nghệ tin học! Chúng tôi hồi hộp theo dõi. Trên màn hình hiện ra lờ mờ hình ảnh cuốn sách. Chỉ sau vài thao tác gõ gõ, bấm bấm bàn phím, màn hình xuất hiện rất nhiều đường thẳng cắt ngang, bổ dọc, xiên chéo và, như có phép thần, trước mắt chúng tôi hiện lên ảnh nổi một pho sách vuông vức. Những trang sách trong hình ảo lật như chớp để không đầy hơn hai mươi giây công việc đã kết thúc.

Theo lời viên cảnh sát, tia laser đã quét lên cuốn sách, đo đạc, chụp lại tất cả các dấu vết và dựng lại nó trong không gian ba chiều. Phần mềm của máy tính đã kiểm soát, phân loại tất cả các vết tích và bóc tách, sắp xếp từng mặt của mỗi trang sách. "Sự đo đếm, chụp các mặt cắt chính xác tới phần triệu milidem!" - Anh ta giải thích.

Việc dịch cuốn sách ngay sau đó cũng thực hiện bằng một cú nhấn phím. "Program này do một tay rất trẻ viết. Sự chuyển đổi ngôn ngữ tuyệt vời tới độ có thể bắt chước hệt giọng văn của Sử ký Tư Mã Thiên hay đại loại một giọng cổ văn như thế!". Viên trung tá tiếp tục nói nghiêm túc: "Bây giờ, nếu các anh muốn, chỉ cần gõ lệnh: truyện ngắn hiện thực phê phán, giọng Nam Cao.
 
Máy sẽ viết ngay một truyện ngắn, y hệt như văn phong Nam Cao. Kể cả loại văn chương gần đây có tên rất kêu là Hậu hiện đại! Tha hồ logich hay phi logich, phi lý hay ẩn dụ, đa tuyến... Có điều, máy viết chứ không phải người viết, nên vẫn chỉ là sự lặp lại. Lắm mẹo vặt, rất kỹ thuật, nhưng không có chi tiết sáng tạo, thiếu không khí đời sống vốn sinh động, vắng hồn người, gọi là văn bản lập trình, y như những trang văn của bọn đưa ra ý kiến: viết văn không cần cảm xúc, không cần vốn sống.

Tất nhiên, cái chỗ mà Dương Trung Nam trót đụng ngón tay, hôm mới tìm thấy cuốn sách cổ ở giếng Hoàng Thành, đã tan ra thành khói thì không máy nào đọc được. Chính vì thế mà bản dịch nhiều chỗ mất chữ, đành phải thêm vào văn bản vài từ mới cho rõ nghĩa; vì thế xin các nhà phê bình văn học tôn kính chiếu cố, kẻo lại bảo chúng tôi bắt chước tồi văn của người xưa, giả mạo văn bản cổ.

Để bạn đọc tham khảo văn bản này, tôi xin chép cả ra sau đây.

***

... (Mất chữ - ghi chú của Dương Trung Nam)

Năm Mậu Thân, Tôn Sỹ Nghị chia quân làm bốn đạo tiến vào nước Nam. Để công việc được suôn sẻ, trước đó, Nghị sai Thống ngầm cho tâm phúc luồn về nước.

Một tối, có kẻ tới Tây Hồ, vào đền Quán Thánh, lén lút dán bùa yểm sau lưng thần Trấn Vũ.

Qua đêm tới sáng, bên sông Hồng, quãng bờ tả Bồ Đề bỗng tự đâu dạt về đoạn trúc bám vào đất, rồi nảy ra độc một đọt măng. Măng vun vút lớn, thoắt thành cây trúc sắc vàng tươi, thẳng tắp chọc thẳng lên trời, nom xa như tia chớp.

Khúc sông ấy có hai cha con người đánh cá, cha tên Nguyễn, con tên Thanh. Thanh mồ côi mẹ từ khi nhỏ, nên rất yêu cha, không rời nửa bước. Một đêm người cha nằm mộng, thấy có người tới lay mình dậy. Nói, ngày ấy, tháng ấy, năm ấy, cho con trai bỏ nghề sông nước, lên bờ hành khất. Tỉnh giấc, thấy trăng tròn ngang đầu, trong sương mù bàng bạc như có ai vừa đi trên mặt nước, rẽ sóng trắng xóa ra xa, rồi mất hút.

Mùa đông Đinh Mùi. Cha con cả ngày không đánh được con cá nào. Đến chiều tàn, đang loay hoay quăng chài bên bờ tả, chợt nghe bên bờ hữu có tiếng ai gọi đò rất gấp. Thanh động lòng, nói cha chèo sang. Mùa đông, gió bấc hun hút, mưa phùn buốt thấu xương, trên bờ không một bóng người. Lại đói và mệt, cha con cắm thuyền vào đúng nơi cây trúc mọc.

Thanh lên bờ kiếm củi nấu cháo. Thấy cây trúc đẹp, cầm dao muốn chặt. Vừa vin vào, trúc tự gãy ra đoạn đẹp nhất, dài nửa thước, có bảy lỗ kiến đục, đều nhau như người khoét. Lên thuyền lấy dao tiện sơ đã thành cái tiêu. Lúc chờ cháo chín, buồn, đặt tiêu lên môi. Từ xưa, Thanh chưa khi nào thổi tiêu. Bấy giờ môi người gặp trúc, trúc tự ngân lên, chứ không phải người thổi. Âm thanh phát ra rất huyền cảm, hân hoan khôn xiết. Đúng lúc, có bầy cá lớn từ đâu tới mừng giỡn, đua nhau tự nhảy vào lòng thuyền.

Người cha thấy vậy, bấm đốt tay thấy đúng ngày ấy, tháng ấy, năm ấy. Nhớ giấc mơ xưa. Lấy cá đổi đủ gạo, gà, rau, hương nhang, làm mâm cúng linh thần, tổ tiên. Hai cha con hạ lễ ăn uống. Nguyễn để con ngủ say liền cõng lên bờ, rồi phóng hỏa đốt thuyền, nhảy vào trong vòng lửa mà hóa.

Từ đấy Thanh không còn phương tiện, buộc phải lên bờ làm hành khất và thổi độc một điệu. Thổi mãi, thổi mãi, tiếng tiêu càng nhuần nhuyễn, điêu luyện. Sau này có kẻ nhớ, chép lại khúc tiêu ngày ấy, đặt tên là khúc "Gọi đôi". Đấy là tiếng tiêu trầm, buồn, khắc khoải, day dứt không yên; nhưng quyến rũ, lay động, làm nhiều người rơi lệ, động lòng mà tặng Thanh cơm áo qua ngày.

Lại ở Đàng Trong, có gia đình đào nương, vợ tên Hương, trước sinh hạ một đứa gái, tên Huyền Cầm. Đứa bé khi chào đời trong nhà đầy hương xạ. Cầm vừa sinh, tóc mềm tuyền đen đã dài đến gót chân. Vợ chồng yêu con lắm, nhưng vẫn thở ngắn than dài vì tới mười lăm tuổi, đứa trẻ vẫn không nói, muốn gì ra hiệu. Lại chẳng khi nào cười, nhưng mỗi bận mẹ hát, cha đàn, mặt nàng tươi như hoa cỏ tiết xuân. Thấy thế, cha Cầm bày cho con các ngón sở trường. Cầm thông minh khác người. Ba ngày vững nhịp, bảy ngày nắm hết âm luật, chín ngày tự nghĩ ra những khúc điệu nghê thường. Ai được nghe, thảy đều kinh ngạc, cho là kỳ nhân.

Một ngày nọ bên Hương Giang, những người chèo đò trên sông thấy từ đâu bay về con chim lớn, nhả xuống một hạt cây, rồi hướng tới nhà Cầm, liệng ba vòng, kêu chín tiếng. Tại nơi chim nhả hạt, mọc lên một loại cây xanh tốt sum suê, thân gỗ mềm mại. Có kẻ trong thành tự khoe đọc nhiều sách thánh hiền, ra xem gọi tên cây là Ngô đồng.

Đầu năm Mậu Thân, chiều ngang cây được nửa thước. Huyền Cầm ra hiệu đòi cha mẹ đẵn cây ngô đồng, tự mình vẽ kiểu, nhờ thợ khéo đóng một cây đàn. Lại tự cắt suối tóc mềm, óng đen tựa mun, kết thành bảy sợi dây, mắc lên đàn. Vừa so cung, hộp đàn rung vang. Huyền Cầm ôm đàn lướt ngón, buông thứ âm nhạc huyền diệu; khi êm ái, rì rào như nước chảy, khi cuồng nộ như sấm chuyển đất rung. Người cha đếm sợi dây đàn, lấy tên con ghép vào, đặt tên đàn là Thất Huyền Cầm.

Cuối năm Mậu Thân, Quang Trung tự xưng Hoàng đế, kể tội bọn Tôn Sỹ Nghị, chiêu thêm binh mã, chia thành năm đạo, làm lễ tại Phú Xuân, tiến ra Bắc. Cô gái 16 tuổi giả trang, buộc vuông lụa đỏ lên mái tóc ngắn, ôm đàn, từ biệt cha mẹ theo Quang Trung.

Viên tiểu tướng coi việc lấy binh, thấy Cầm câm, mặt mũi non nớt, bèn đuổi về. Cầm không về, tha thiết tỏ ý quyết theo, làm y phải chuyển ý, sai lo việc củi lửa cơm nước.

Quang Trung tiến ra Thanh Hóa. Việc binh như lửa cháy, quân sĩ gặp tiết đông giá rét đi mới vài ngày đã mỏi mệt. Thấy vậy Huyền Cầm mang đàn chơi. Nghe đàn, ai nấy bừng bừng phấn khích như vừa uống liền ba chung rượu ngon. Đòi đi ngay. Quang Trung thừa thế nước lên, núi chuyển, đốc quân lấn chiều, mượn sớm mà đi. Đi một ngày sau bằng ba ngày trước. Chỉ dăm hôm đã tới Tam Điệp, hội binh với bọn Ngô Văn Sở cho quân ăn tết trước. Lại hẹn bảy hôm sau ăn tết lại ở Thăng Long.

Quang Trung có viên sử quan, tên Dật. Dật xưa vốn gốc Chàm, là môn khách của Nhạc. Sau Nhạc yếm thế, bỏ Nhạc theo Quang Trung. Dật vốn xuất thân trong đám giang hồ, học hành chút ít, lại rất có khiếu văn chương, đam mê nhã nhạc. Khi nghỉ ở Tam Điệp, gặp đêm gió bấc mưa phùn, lòng dạ bồn chồn, bèn mời Huyền Cầm mang đàn ra sau núi đánh chơi. Cầm chối từ. Dật coi Cầm là đám tiểu tốt, giận lắm, nên không chép kể việc Cầm trong chính sử.

Y còn viết truyền kỳ, đưa cho đám binh lính mang huyên truyền trong dân. Nói, quân năm đạo, chia nhiều cơ, cơ chia nhiều tổ ba người, thay nhau khiêng cáng, nên thần tốc. Văn Dật vốn lỗi lạc. Nhưng lòng kiêu bạc, bụng dạ lại hẹp như lỗ kim, nên văn tuy lạ mà không chính, khéo mà không thanh. Nói theo Cam La đời Tần, ấy là thứ "quỷ văn" sinh trong tâm thức điên loạn. Nhờ tài, có giọng riêng, đầy sức mê hoặc và ám ảnh, nhất là với đám thảo dân thường vốn nhẹ dạ, cả tin, thiếu bản lĩnh. Thiên hạ sau này vẫn có kẻ tựa vào Dật mà luận! Hỏi quân trang đã nặng, lại khiêng cáng nhau thì sao đi nhanh bằng tự thân. Thế mới biết sách có loại ngụy thư, gốc quỷ dai dẳng, u ám, rơi rớt tới hôm nay!

Trong quân còn có tên Hiệp, xưa là giám mã cho Quang Trung. Trong trận đại thắng Xiêm có công, được cất nhắc. Hiệp vốn ái. Nay thấy Cầm mày ngài, mắt phượng, ngỡ trai tuấn tú, mê lắm. Đêm mò vào. Mang sở đoản, bàn chuyện văn chương nhã nhạc. Cầm im nghe, sắc mặt không giận, không vui. Sau, Hiệp lộ chân tướng. Đầu nắm tay, cuối quỳ xuống van vỉ, rồi hôn hít sờ soạng.

Cầm không thuận. Hai bên giằng co va chạm một hồi. Cầm mảnh dẻ yếu ớt vẫn cố thoát hiểm tay võ biền bạo dâm hót giọng văn. Lúc Cầm bị đè ngửa ra đất, Thất Huyền Cầm tự nhiên rung lên giận dữ. Hiệp tỉnh ra, sợ chạy. Cầm ôm đàn, hai hàng lệ rớt rơi như ngọc vãi, tự nhiên cất lên lời. Than rằng: "Thậm nguy!".

Hiệp nhờ đêm ấy phát hiện Cầm giả trai. Muốn lấy công, sớm sau phát giác với Quang Trung.

Huyền Cầm bị đè cổ, mớ tóc ngắn sổ chớm vai chờ chém vì tội dối trá. Cố ngửa mặt lên, xin cất lời khảng khái kể hết việc lai sử. Nữ tướng Bùi Thị Xuân bấy giờ trong quân, đứng ra bênh vực Cầm. Quang Trung cảm khái việc lạ. Tha! Lại kể tội trái luân thường đạo lý của Hiệp, thét võ sĩ mang chém. Cầm thưa, đạo lớn bao trùm thiên hạ sinh trước cả muôn loài. Hoàng đế nên tuân theo nó thì bền. Nay Hiệp cơ thể do cha mẹ sinh ra đã vậy, chỉ nên xét tội ức hiếp, không nên lấy ái mà khép tội. Quang Trung nghe. Khen, biết nhẽ tự nhiên. Hiệp làm hoạn quan từ ấy.

Có người bảo, Quang Trung đã tha lại nghe theo Cầm vì thấy Cầm quá đẹp. Vời Cầm tới nghe đàn, yêu lắm, định sung vào đám hầu nữ. Nửa đêm Quang Trung đang ngồi tính kế đánh Tôn Sỹ Nghị, bỗng nghe tiếng Thất Huyền Cầm xa vẳng lại. Khúc nhạc ban ngày nghe êm ái lạ thường là thế, trong đêm vắng lại như trăm ngàn mũi mác thích vào óc. Sớm sau Quang Trung sai người chu cấp cho Huyền Cầm ba chục lượng vàng, rồi đuổi. Cầm không van tiếc, lấy vàng, cảm tạ Quang Trung, cứ nhằm hướng Bắc mà đi trước quân sĩ hai ngày.

Bấy giờ ở Thăng Long thành, Tôn Sỹ Nghị biết Quang Trung hành động, vẫn giữ vẻ bình tâm, ngày ngày uống rượu, đánh cờ. Mỗi tối, y sai người tới quan sát sắc khí hình tượng thần Trấn Vũ, rồi mới yên trí đi nằm.

Huyền Cầm đi tới đâu đàn cho đám nông phu nghe tới đó. Lại dùng vàng giúp nhà nào thật đói khổ, nói thác là của Quang Trung. Nhờ thế quân Quang Trung sau đi đến đâu, dân chúng vạn nhà hưởng ứng, đồng thanh, kẻ dâng tiền bạc, người giúp công sức. Tính ra, trai đinh theo thêm mười vạn. Khí thế rất lớn.

Cầm vào tới Thăng Long, bèn lên Tây Hồ đánh đàn. Tiết đông, vào lúc chiều tà, sương bạc đang dăng kín cả mặt hồ bỗng tan dần.

Lại nói, người thanh niên thổi tiêu tên Thanh, mấy đêm bồn chồn không yên, chẳng ngủ, thường uống rượu thậm say cho quên. Chiều ấy, Thanh nghe tiếng đàn, sực tỉnh, quăng góc rượu dở, xốc áo, cầm tiêu thổi điệu Gọi đôi, lần theo lời Thất Huyền Cầm trong gió mà tới. Giờ Hợi thì Cầm và Thanh gặp nhau.

Bấy giờ không có ai biết rõ thế nào. Có một đoạn phú của Ngô Thì Nhậm sau viết, chẳng hay kể lại việc đó chăng:

... Một tiếng ngô đồng/ thơm bừng quán vắng/ ngửa trông lên trời/ Trúc vàng như nắng/ ánh khói chập chờn/ Người tiên lại chăng?/ Sóng cầm cuồn cuộn/ Tiếng địch thổi chăng/ Chim chóc hót lượn/ Người bừng giấc chăng/ Cá rồng ẩn hiện/ hồn nước lại thăng...(1)

Trai gái gặp nhau, lấy tiếng nhạc thay lời thiết tha tao nhã. Tiếng tiêu đầy, trầm, kiên quyết. Tiếng Thất Huyền Cầm khi sắc như nước, khi mềm nhẹ như mây. Cả hai riêng mà thành chung, quấn quýt, run rẩy hòa thanh, tạo thành thứ âm nhạc phi thường, chưa bao giờ đất Thăng Long được nghe. Tự đâu có đàn chim lớn, đông không đếm được, kéo về bay lượn, hót vang cả khúc sông. Ngay khi ấy, vị từ đền Trấn Vũ, trong chập choạng hương nến, thấy bức tượng như chợt rùng mình, vươn vai sau giấc ngủ dài. Sợ, rập mình xuống đất, vái lạy liên hồi, thấy chớp xanh tự đâu phóng ra, vút tận trời, vỡ thành ngàn vạn ngôi sao nhỏ rơi xuống quanh Thăng Long.

Trên mặt Tây Hồ, dân đánh cá còn thấy nước cuộn lên như sôi. Có kẻ trông thấy con trâu rực rỡ sắc vàng, nổi lên chỗ nước cuộn, bơi một vòng, kêu một tiếng tha thiết như gọi ai, rồi lặn đi đâu không rõ. Mặt hồ văng vẳng tiếng chuông, tiếng khánh hòa theo tiếng tiêu, tiếng cầm, tiếng trâu vàng, âm âm vang tới tận Hồ Gươm. Quân sĩ Tôn Sỹ Nghị đi tuần thấy nổi lên một con rùa đen dài tám thước, ngang năm thước, đầu to như cái thúng, hai mắt như hai bó đuốc, giận dữ trừng trừng nhìn bọn ngoại bang.

Chúng hoảng sợ bỏ chạy, cấp báo chuyện lạ tới Nghị. Nghị đang đánh cờ nghe tin rùng mình, toát mồ hôi hột, buông rơi cả quân cờ trong tay lúc nào không biết. Suốt đêm không ngủ, sớm hôm sau Nghị sai người đến Quán Thánh, không thấy lá bùa sau lưng bức tượng thần. Từ đền sớm ấy quét dọn, vun rác rưởi lẫn vào đám lá rụng. Đốt. Khói hắc ám bay xám cả một góc đền.

Nghị sai thám tử dò xét khắp nơi, biết việc lạ khởi từ cặp trai gái kia, đoán là linh khí trời Nam tụ hội, bèn sai lính đi bắt. Huyền Cầm và Thanh được tin, chạy ra hướng sông. Quân Nghị đuổi gấp. Tới sông, cả hai dắt tay nhau toan nhảy xuống sông cho nước cuốn đi. Chợt thấy từ đâu có chiếc thuyền nhỏ lao đến như tên bắn. Người chèo đò tóc râu cước bạc, gõ chèo hát:

- Mong người tri kỷ chừ, hai phương trời

Lòng ta lòng ta chừ, giờ gặp tri âm

Lòng trời lòng ta chừ, đối mênh mông

Nhìn nước nhìn mây chừ, không thẹn thùng

Hòa xong một khúc chừ, hết một chung

Hết một chung thơm chừ, rồng gặp mây

Giờ ai việc nấy chừ, mệnh người yên ổn

Mệnh nước yên ổn chừ, đến hẹn lại lên (1)

Lại giục Cầm và Thanh mau xuống thuyền. Đám lính của Nghị bắn tên xuống như mưa bấc. Tên bay tới thuyền đều lả tả rơi xuống nước. Ra giữa dòng thì neo lại. Bảo Thanh: "Ngươi xong việc rồi!". Rồi nói với Huyền Cầm: "Còn người thì chưa, giờ hồn phách nhanh theo ta xuống Ngọc Hồi cho kịp".

Việc kế đó thuật lại sau này, mỗi người một khác.

Kẻ nói, dứt lời lão già, một mũi tên lạc bay thẳng xuống thuyền cắm đúng yết hầu Huyền Cầm. Tự đó một dòng huyết đỏ phụt ra chẻ đôi cây tiêu. Nước sông Hồng mùa đông trong vắt, sau ngày ấy vẫn giữ sắc phớt hồng. Khi cây tiêu bị chẻ đôi, Thanh ngã ra bất tỉnh. Sau dậy, không nhớ việc xưa, cũng chẳng thấy ông già và Huyền Cầm đâu, nhảy xuống nước bơi như cá, đi đâu chả rõ.

Thuyền nhỏ trôi tới Ngọc Hồi mắc lại. Đấy là trúng ngày mồng năm Tết Kỷ Dậu, Quang Trung đánh Ngọc Hồi. Ban đầu cả trăm thớt voi xông lên, bị thần công của Hứa Thế Hanh bày trận bắn cản dữ dội, tung vòi giậm chân thình thịch tại chỗ. Bỗng gió đưa về văng vẳng tiếng nhạc từ phía bờ sông. Trăm thớt voi đồng thanh rống vang, chẳng chờ quản tượng thúc búa, cũng nhất loạt ào lên. Người người thấy thế như chẳng biết chết, hợp thành một khối "đông như kiến cỏ, thế lực ồ ạt như triều dâng" (1). Ngọc Hồi tan, Quang Trung coi như cầm chắc thắng trong lòng tay.

Người khác nói, Cầm trúng tên. Trước khi viên tịch, hét lên một tiếng chẻ cây tiêu làm hai mảnh. Khi Thanh tỉnh lại, không thấy ai, tựa nước trôi về Gián Khẩu theo quân Quang Trung lập công, rồi được cất làm tướng. Đoạn sau nói về trận Ngọc Hồi như trên.

Còn có lời đồn khác là, Thanh không nhớ việc xưa, nhảy xuống nước theo dòng trôi mãi, sau dạt vào làng Linh Hoa. Nhà họ Phạm, thấy Thanh giỏi đánh cá, khéo việc ruộng, yêu mà gả con gái. Thanh xin ở riêng, sinh con đẻ cái đông đúc, lập thôn Linh Hoa ven sông Thái Bình.

Mãi mãi đánh cá, làm ruộng. Thôn này tới nay vẫn còn lệ dịp Tết Nguyên đán, lấy thân chuối làm hình nhân trôi sông, vớt lên đem về miếu thành hoàng làng làm lễ nhập hồn. Dân thôn Linh Hoa tới ngày nay khi nông nhàn vẫn khoét tiêu, sáo rất tài, mà không ai biết thổi cho ra hồn tiêu. Có đứa trẻ nghịch cắt ngắn, mắc vào diều bay lên, tự cất tiếng vi vu, não nùng luyến tiếc xa xôi, suốt đêm ngày không mỏi, bay xa trăm dặm. Nhiều làng khác bắt chước diều sáo, nhưng tiếng kêu không nơi nào vang xa như diều sáo Linh Hoa.

Tại khúc Chương Dương, hơn chục năm sau có người tên Du họ Nguyễn, tự xưng là khách thơ, một đêm có việc đi qua, nghe trong tiếng nước trôi văng vẳng khúc tiêu, điệu cầm đan hòa, vọng từ mặt sông vẳng lên. Du tự đó hứng khởi lạ kỳ, nôn nao tâm dạ, mãi sau yên được khi đã đặt bút viết hết Truyện Kiều. Sau, không làm được khúc nào hay hơn. Có lẽ, Kiều của Du thấm Huyền khúc cầm tiêu đêm ấy, gói được hết cái tình ý bách khoa người Nam, nhờ thế sống mãi.

Tất cả là vậy, chép cả ra đây. Con cháu đời sau biết câu chuyện Cầm Tiêu mà hiểu vì sao ta không coi châu báu ra gì...

Năm...

Thăng Long.

Truyện ngắn của Nguyễn Văn Thọ


(1) Trích Phú Ngô Thì Nhậm, có nhuận sắc vài từ cho hợp cảnh chuyện (Nguyên tác trích từ bài Đăng Hoàng Hạc phú lâu).

(1) Trích Phú Ngô Thì Nhậm, có nhuận sắc vài từ cho hợp cảnh chuyện (Nguyên tác từ nằm mộng Núi Thiên Thai).

(1) Trần Nguyên Nhiếp - A Nam quân doanh kỷ yếu - Bản trích chép tay.

;
.
.
.
.
.