.

Thú chơi đá cảnh!

.

Chơi đá cảnh (Suiseki) là một thú chơi tao nhã có từ ngàn xưa. Ban đầu chỉ là trò tiêu khiển đơn giản rồi được người ta chơi khắp nơi, qua nhiều thế kỷ, đá cảnh trở thành một bộ môn nghệ thuật tinh tế được quy định bởi những quy tắc mỹ học nghiêm túc và ngày càng có nhiều người tham gia...

Tác phẩm “Hoang tàn”

Đá cảnh tự nhiên là những cục đá được chiêm ngưỡng do vẻ đẹp hay sức gợi hình của chúng về một cảnh hay một vật thể trong thiên nhiên. Những hình dạng đá cảnh phổ biến là hình ảnh của một ngọn hay rặng núi thu nhỏ, một thác nước, một hòn đảo và túp lều tranh hay một con thú hoặc hình dáng con người...

Anh Nguyễn Bảy, một người có kinh nghiệm gần 20 năm sưu tầm đá cảnh cho biết, người phương Đông xem kỳ thạch như là một loại linh khí của trời đất, cái tinh hoa của năm tháng, do duyên tích tụ, là phương tiện để con người và đất trời giao hợp. Tuy chỉ bằng nắm tay nhưng rất quý. Loại nhỏ thì bỏ trong nhà, loại lớn thì bố trí trong sân vườn.

Như vậy, bên ngoài thanh thoát, trong nhà sinh khí trong sạch, người và đá cùng yên tĩnh, tâm hồn tự nhiên nhẹ nhõm, cảm giác bình an. Dần dần theo thời gian, người xâm nhập vào hồn đá, mục kích những sắc thái, khí thần đầy kinh ngạc: không gian như bỗng lớn ra, thân tâm như biến mất mà hòa vào cái biến đổi vô thường của thiên nhiên, của vạn vật. Đó là cảnh giới tinh thần cao nhất - tìm cái vĩnh hằng cũng như cái vô thường trong đá cảnh. Tất cả những nhà ngoạn thạch lỗi lạc đều xem đá cảnh là một diệu dược vậy.

Tại thành phố Đà Nẵng, phong trào chơi đá cảnh ngày càng có nhiều người tham gia sưu tầm và trưng bày, giới thiệu. Ông Bùi Ngọc Chuẩn, Ủy viên BCH Hội Sinh vật cảnh thành phố Đà Nẵng cho biết, trong gần 300 hội viên thuộc Hội Sinh vật cảnh thành phố thì đã có gần 60 hội viên chuyên sưu tầm và chơi đá cảnh. Với số lượng như vậy được xem là nhiều, bởi chơi đá cảnh là một nghề không đơn giản, đòi hỏi người chơi đá phải kiên trì, cần mẫn và tinh tế, phong phú về trí tưởng tượng, có tâm hồn phóng khoáng, có niềm đam mê nghệ thuật và đôi khi phải lắm tiền mới thỏa mãn được thú chơi của mình.

Tác phẩm "Hoang tàn" (ảnh trên) và “Âu yếm” của Bùi Ngọc Chuẩn.
Đặc điểm của đá cảnh là không có viên nào giống viên nào vì qua sự xói mòn của sóng gió, nắng mưa, địa chấn, hàng ngàn, có khi hàng triệu năm, mỗi viên đá tùy theo địa chất, tùy theo hoàn cảnh thiên nhiên mà có một hình dáng, một sắc thái đặc thù, con người không thể nào bắt chước được. Chính vì thế, giá trị của những viên đá đối với những người “biết chơi” là vô giá. Ông Chuẩn cho biết, đôi khi đi sưu tầm hoặc mua ở quê chỉ mươi nghìn đồng nhưng bằng cách nhìn tinh tế của những người chơi chuyên nghiệp họ “thổi” vào đó một chủ đề tương xứng thì những viên đá đó trở nên vô giá là chuyện bình thường.

Chính vì thế, ngày càng có nhiều người đã và đang vượt sông, vượt suối đến với nhiều địa phương trong cả nước để được hòa mình cùng thiên nhiên tươi đẹp, được chiêm nghiệm về giá trị nghệ thuật trong tự nhiên, về cuộc sống và từng ngày lặng lẽ thổi hồn mình vào đá, góp phần làm đẹp cho cuộc đời...

Bài và ảnh: NGỌC HÂN

;
.
.
.
.
.