(Tác phẩm vừa đoạt Giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2008)
Tiếng khóc của nàng Út là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Thiếu tướng – Nhà văn Nguyễn Chí Trung, một cán bộ đã từng tham gia chiến đấu ở vùng đất Khu 5 rực lửa từ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.
Tác giả đã khắc họa một cách chân thực về những con người mà ở đó có cả sự kiên trung và hèn nhát, tấm lòng bao dung và sự ích kỷ, tính kiên quyết đấu tranh và sự thỏa hiệp… Một không gian u ám của thời kỳ đen tối bắt đầu từ cuộc họp của huyện ủy để bàn về vấn đề phân công cán bộ, đảng viên ai đi tập kết, ai ở lại.
Nguyễn Chí Trung đã không hề né tránh khi viết rõ cái sai lầm của chủ trương “chuyển sát đáy” đưa đảng viên ra hoạt động công khai bởi sự chấp hành máy móc, quá tin tưởng vào điều 14C của Hiệp định Giơ-ne-vơ là “không được trả thù những người kháng chiến cũ”. “Lực lượng vũ rang phải đi tập kết”, “chính quyền phải đi tập kết”, “Đảng còn ở lại cũng phải sống tay không”… Trong khi kẻ địch đã trở mặt rõ ràng, mà đến cả vị quyền bí hư huyện ủy cũng cứ nhất nhất “bắn là vi phạm hiệp định”… Chính từ cái sự ấu trĩ ấy, chậm chuyển hướng chỉ đạo đấu tranh ấy mà dẫn đến hậu quả vô cùng lớn. Hàng bao cơ sở cách mạng kiên trinh bị phá vỡ, hàng bao cán bộ, đảng viên bị địch tàn sát đẫm máu.
Tác giả đã xây dựng các tuyến nhân vật mà mỗi tuyến đều được “đầu tư có chiều sâu”. Dường như tác giả không chú ý tới việc chọn nhân vật nào là chính để tập trung sự kiện, cảnh huống… tạo thành chuỗi, mạch, mà các nhân vật được phân tuyến, rồi thông qua việc lồng ghép trong các mối quan hệ, hành xử để toát lên tính cách, số phận.
Trong cái màn đêm đen tối ấy, những chiến sĩ cách mạng kiên trung, ngoan cường, bất chấp hy sinh bám trụ giữa lòng địch để gây dựng cơ sở cách mạng như Toàn, Vần, Bường, Thương… đã được tác giả khắc họa bằng chất giọng vừa bi hùng, vừa đau xót. Họ phải đấu tranh với cái sự ấu trĩ về nhận thức của những kẻ mang danh nghĩa Đảng nhưng lại hèn nhát, thỏa hiệp; đồng thời lại phải đấu tranh kiên quyết, khôn khéo với kẻ địch vừa mưu mô, xảo quyệt, vừa khát máu, dã man.
Có thể coi nhân vật Toàn và Út là hai nhân vật chính trong số các nhân vật của tiểu thuyết này. Nhân vật nàng Út tuy xuất hiện vào những chương cuối, song đó là chủ ý của tác giả. Những trường đoạn viết về sự hy sinh của Đua, Toàn, cùng bao chiến sĩ cách mạng kiên trung khác đã nói lên cái chất bi hùng của cuộc chiến đấu không cân sức giữa ta và địch, giữa cái sự dũng cảm và đê hèn.
Và tiếng khóc của Út khi Toàn hy sinh cũng là tiếng khóc khiến người đọc suy ngẫm sâu sắc về nghĩa Đảng, tình dân, về đồng đội, về sự hy sinh cho cách mạng… Những nhân vật phản diện, từ tên phản động khát máu Cửu Sừng đến vị quyền bí thư “bắn chỉ thiên theo nghị quyết” cũng được Nguyễn Chí Trung mô tả chân thực như những con người bằng xương bằng thịt, nhưng bằng giọng văn vừa hóm hỉnh, chua chát, sâu cay.
Với rất nhiều sự kiện, nhân vật xuất hiện trong tiểu thuyết, nhưng có thể nói, bao trùm lên đó vẫn là tấm lòng kiên trung của nhân dân đối với Đảng, với cách mạng trong giai đoạn cam go, thử thách, thậm chí có lúc niềm tin bị lung lay khi Đảng sai lầm, khuyết điểm. Nhwngtx con người bình thường mà lại ngời lên phẩm chất cao quý, một lòng một dạ chở che cho cách mạng như ông bà On, ông bà Sang…
Họ cũng chịu bao sự đàn áp, kìm kẹp cực kỳ dã man của kẻ thù, song không gì khuất phục nổi ý chí đấu tranh. Miều kể về sự tra tấn của địch đối với cha cô: “Cha chịu không nổi, cầm hai hòn đá đập đầu thằng hội đồng rồi hét: “Tau làm cộng sản đây, con tau làm cộng sản đó, chúng mày làm gì thì làm. Cả thôn này cộng sản, cả xã này cộng sản, cả tỉnh này cộng sản…”. Và nói như lời nhân vật Toàn thì: “Lòng mẹ là vô hạn mà lòng dân cũng vô hạn”.
Tiểu thuyết “Tiếng khóc của nàng Út” như một khúc bi tráng của xứ Quảng trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Và tất nhiên, nó không phải khô khan như một cuốn sách sử, mà tác giả đã rất thành công bằng giọng văn giàu chất miêu tả, đậm tính triết lý, khiến người đọc cảm giác như vừa được xem, được nghe, được thấy để rồi suy ngẫm, thấm thía.
Được giao biên tập cuốn tiểu thuyết “Tiếng khóc của nàng Út”, khi tiếp xúc với tác giả, tôi thật bất ngờ, dù đã viết ký, truyện ngắn, làm báo từ rất sớm nhưng ở tuổi 80, ông mới cho ra đời tiểu thuyết đầu tay này. Làm việc với ông ròng rã hàng mấy tháng trời để biên tập, sửa chữa, tôi cảm phục ông ở sự cẩn trọng, kiến thức sâu rộng, trí nhớ tuyệt vời. Ông đã nghiền ngẫm, chắt lọc cả đời chiến đấu, công tác, viết văn để có được tác phẩm này.
Đến khi nó là bản thảo đang biên tập, ông vẫn cố công sửa chữa, gọt đẽo từng câu, từng từ. Có khi tôi đề nghị ông sửa một vài từ, ông bảo “để mình ngẫm lại đã”, rồi khi ngẫm lại, ông điện cho tôi tới hàng mấy chục phút, để diễn giải, phân tích cho tôi hiểu tại sao ông không thể thêm bớt cái từ, cụm từ ấy được. Ông tâm sự: “Nếu thế hệ chúng tôi, những người trực tiếp chứng kiến mà không viết chân thực, sâu sắc về giai đoạn lịch sử bi thương này, thì thế hệ hôm nay, mai sau sẽ khó có cái nhìn chính xác về nó, bài học đau xót đó sẽ không được người sau rút kinh nghiệm”.
NGUYỄN HOÀNG SÁU
* Nhân đọc tiểu thuyết “Tiếng khóc của nàng Út” của nhà văn Nguyễn Chí Trung, NXB Quân đội Nhân dân, năm 2007.