.

60 năm - lấp lánh một tài thơ

.

Trong số không nhiều những nhà thơ đất Quảng xuất hiện vào thời kháng chiến chống Pháp như: Khương Hữu Dụng, Lưu Quang Thuận, Trinh Đường, Nguyễn Đình, Lưu Trùng Dương thì Hồ Thấu là một trường hợp khá đặc biệt.

    
Hồ Thấu ( 1918-1949)
Nếu như những nhà thơ khác bước vào cuộc kháng chiến bằng chính con đường hoạt động văn học nghệ thuật, xem sáng tác của mình như một vũ khí trực tiếp tham gia vào cuộc chiến đấu, thì Hồ Thấu dấn thân vào cuộc trường kỳ kháng chiến trên một con đường khác, xem ra tưởng không can dự gì mấy đến lĩnh vực sáng tác. Thời còn tuổi học sinh Trường Quốc học Huế, nhà thơ Huy Cận đã viết về ông vào giai đoạn này như sau:

“Anh Thấu và tôi đều học trường Quốc học Huế, tôi lớp trước, anh lớp sau. Lúc ở trường tôi đã nghe nhiều bạn nhắc đến thơ anh, nhưng thơ anh ít đăng báo nên chưa được phổ biến rộng rãi” (Hồ Thấu - Nhà trí thức cách mạng. NXB Đà Nẵng. Tr93). Vậy là đã có một mạch ngầm thơ Hồ Thấu từ thuở ông còn tuổi hoa niên cắp sách đến trường. Dù vậy, mãi về sau này, suốt những tháng năm hoạt động cách mạng cho đến ngày ông qua đời (1949), thơ Hồ Thấu sáng tác cũng không nhiều, hầu như chỉ là những bài thơ viết ra để chuyền tay cho bạn bè và đồng đội đọc. Thế nhưng cái đẹp của một trái tim thi sĩ và khát vọng chân thành đã chiến thắng được thời gian.

Hồ Thấu (1918-1949) sinh ra ở một làng quê thuộc xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Anh em của ông đều là những nhà trí thức tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Ngay từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường, Hồ Thấu đã giỏi nhiều lĩnh vực. Xin trích lại ít dòng bài viết của ông Hoàng Bích Sơn viết về người anh trai của mình, để minh họa rõ nét hơn về Hồ Thấu:
 
“Trong bốn người anh của tôi học ở Trường Quốc học Huế, Hồ Thấu không phải là người học giỏi nhất, nhưng là người có tài năng nhất. Từ ban cao đẳng tiểu học đến ban tú tài, anh học giỏi tất cả các môn. Ngoài ra, thể thao, văn hóa văn nghệ anh cũng giỏi về nhiều môn như bóng bàn, quần vợt, bơi lội, hội họa, âm nhạc... Bạn bè thường khen Hồ Thấu có óc thông minh và bàn tay khéo léo tài hoa... Trong những năm đầu thập kỷ 40 (thế kỷ 20), đang trọng bệnh nhưng anh vẫn nung nấu những ước mơ cao đẹp về quê hương đất nước...” (Sđd).
 
Vâng, chính những ước mơ cao đẹp đó đã là sự lựa chọn để ông trở thành một nhà trí thức cách mạng mẫu mực, một chiến sĩ cách mạng tận hiến đến hơi thở cuối cùng. Vùng đất Quảng Nam-Đà Nẵng vào giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám và những năm tháng đầu bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp, mãi mãi in đậm hình bóng ông trong những trang lịch sử!

Nhưng tôi muốn nói đến Hồ Thấu - một nhà thơ giữa tâm hồn của đại chúng. Lịch sử văn học Quảng Nam-Đà Nẵng vào những năm tháng này quả thật hiếm hoi khi có một trường hợp như thi sĩ. Toàn bộ sáng tác cả cuộc đời thơ ông không nhiều. Những bài thơ được viết ra cốt chỉ chuyền tay nhau đọc, và giữ lại từ cái trí nhớ mông mênh của đại chúng. Cùng thời với Hồ Thấu, phong trào Thơ mới chiếm lĩnh trên văn đàn.

Trong cả rừng thơ xuất hiện trên báo chí lúc bấy giờ, tác giả “Thi nhân Việt Nam” đã sắp đặt vào cái tập tiểu luận và phê bình của mình khoảng hơn bốn chục chỗ ngồi. Hồ Thấu không có sự xếp đặt nào như thế, ngay cả cái danh xưng Nhà thơ cũng từ tình yêu của công chúng tấn phong cho ông. Một cuộc đời đẹp và ngắn ngủi với khoảng thời gian ba mươi mốt năm tại thế, đẹp cho đến lúc trái tim thi sĩ của ông ngừng đập.

Chính những ngày giờ quạnh quẽ một mình giằng xé đau đớn với bệnh tật trong một ngôi miếu cũ giữa bãi cát nắng cháy Tam Thanh, con người thi sĩ của Hồ Thấu đã tỏa sáng hơn bất cứ bao giờ hết. Vào thời đó, căn bệnh lao phổi đến thời kỳ trầm trọng nhưng ông đã vô phương chữa trị và phải cách ly với mọi người chung quanh. Trong một thế giới mà sự cô đơn cùng với căn bệnh nan y vây bủa, Hồ Thấu âm thầm chống chọi với sự tuyệt vọng. Hay nói một cách khác, sự dấn thân cho chí cả, với nghĩa hy sinh cao quý đã tiềm ẩn trong máu huyết của thi sĩ kiểu như ông, đã thành một phẩm tính vượt lên trên số phận:“Mắt say hớp mảnh trời xanh.

Miệng say uống ngợp gió lành muôn phương”.
Và đấy cũng là một thứ men tạo ra niềm hưng phấn làm thăng hoa tâm hồn. Vào những ngày tháng đó, khoảnh khắc đó, nguồn mỹ cảm của thi sĩ thể hiện rõ bước đi định mệnh của mình đến bờ bến vô cùng “Chiều lên theo nẻo đẹp thơ. Ra đi chỉ tiếc cuộc cờ thiếu tay”. Đứng bên bờ tử sinh mà câu thơ đẹp một cách kiêu bạc. Và hiệu quả là sức sống của thơ Hồ Thấu đã gieo vào lòng công chúng những cảm xúc mạnh mẽ, khó quên. Đây có thể nói là bể chứa của thời gian, qua những thanh lọc khắc nghiệt, cũng của thời gian. Cái đẹp như một niềm tin vững chãi nâng con người đứng dậy: “Một lần tin chắc tương lai. Trời xanh, thơ đẹp, không ai, riêng mình”.

Cho đến nay, ngoài những bài thơ của Hồ Thấu đã sưu tầm được và xuất bản, vẫn chưa thấy những sáng tác nào của nhà thơ còn lưu lạc trong ký ức của công chúng được sưu tầm thêm. Mặc dù vậy, nói như Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh: “Chỉ mỗi bài thơ Gởi Kỳ dưới dạng di chúc tinh thần của anh đã làm cho tên tuổi anh còn mãi với thơ Đất Quảng”. 60 năm qua rồi, bài thơ ấy đẹp như một huyền thoại lung linh trong ký ức mọi người.

Xin gửi đến bạn đọc bài thơ Gửi Khôi Anh Phạm Văn Kỳ mà Hồ Thấu đọc cho người thân chép tại Kim Đái-Tam Thăng năm 1949.

Kỳ ơi, ta chết rồi đây

Huyệt chờ bên nội kiếp này phụ nhau

Tiệc vui tóc vẫn xanh đầu,

Ga đời còn mấy chuyến tàu nhạt hương.

Nhưng thôi ta ngã giữa đường

Dưới, trên mặt đất sầu thương cũng rồi

Chiến trường ai khóc chia phôi,

Khải hoàn ai nhắc đến người hôm qua.

Chừ đây ôn lại đời ta,

Một đời phong trắng như hoa giữa đồng

Ái ân chưa vướng tấc lòng,

Bạc tiền chưa bận túi không bao giờ.

Trong đời chỉ đẹp và thơ,

Yêu đời dẫu đến ngẩn ngơ cũng đành!

Mắt si hớp mảnh trời xanh,

Miệng say uống ngợp gió lành bốn phương.

Phút giây hút trọn nhụy hương,

Tơ trầm xưa trước, nghê thường mai sau.

Thấy đời còn quặn khổ đau,

Mắt trong xàu héo trước màu đục nhơ.

Lên đường như đứa trẻ thơ,

Quản gì nguy hiểm bụi bờ chông gai.

Một lòng tin chắc tương lai,

Trời xanh, thơ đẹp, không ai, riêng mình.

Kỳ ơi, chim hót rất thanh,

Khi đời thiếp giấc lá cành im hơi.

Mình ta lặng ngắm mảnh trời,

Sao khuya thỏ thẻ trao lời đêm thâu.

Với đời, ta chết từ lâu,

Với ta, đời vẫn một màu tươi son.

Nằm đây, thân đã héo mòn,

Miếu con là mộ, giường con là hòm.

Mắt đời ngừng cửa hoàng hôn,

Trông đây người chết linh hồn hồi sinh.

Đêm tàn dậy với bình minh,

Trông ra trời biếc thấy mình còn đây.

Ở cùng hoa bướm cỏ cây,

Trần gian vui trọn những ngày thênh thênh.

Mai tươi rộn bước đời lên,

Trưa hiền bóng mắt lá dồn sai cây.

Chiều lui vàng đổ xuống đầy,

Tưng bừng khắp nẻo đời sây trái đời.

Đêm về nghe nhạc lên khơi.

Quanh ta ngõ trúc nối lời ca vang

Hồn ru theo bước nhịp nhàng,

Ta nằm thiếp giữa thênh thang biển tình.

Giấc nồng chợt tỉnh khuya thanh,

Trông ra vời vợi châu thành người đi.

Triều lên bốn biển uy nghi,

Đồng bào đương diệt tà phi bạo cường.

Bạn thân rày đã lên đường,

Anh em những quyết moi xương quân thù.

Giờ đây rồi hết âm u,

Quanh ta lửa hận mịt mù cháy lên.

Cháy lên cho vỡ màn đêm,

Cho trong mắt ngọc, cho êm nhạc huyền.

Cháy lên cho sạch ưu phiền.

Cho lòng trong trắng, cho duyên đậm đà.

Cháy lên cho nở ngàn hoa,

Cho người xứ xứ kết hòa tình thương

Cháy lên cho sáng mười phương,

Đời sây trái ngọt mắt dường suối trong

Cõi trần mở hội mênh mang,

Một bầu thơ đẹp xuôi dòng thời gian.

Kỳ ơi, chừ nhớ trăm ngàn,

Nói gì với bạn cho tàn đêm thâu.

Mắt ta khô lệ từ lâu,

Mà lòng cũng hết tủi sầu nhân gian.

Chết đi như khách qua đàng,

Ôm đầy hoa lá giàu sang xuống mồ.

Triều lên theo nẻo đẹp thơ,

Ra đi chỉ tiếc cuộc cờ thiếu tay.

Hồn vừa tỉnh giấc mê say,

Ta vừa thức dậy sáng đầy bình minh.

Kỳ ơi, chừ bạn với mình

Nói gì thêm nữa, mối tình chứa chan.

Biết nhau duyên đã muộn màng,

Chưa tri âm mấy vội vàng chia ly.

Thơ ta Kỳ hãy ngâm đi

Tơ trầm còn đó giọt tì ánh trăng.

Nguyễn Nhã Tiên

;
.
.
.
.
.