.

Câu chuyện đêm trừ tịch

.

(ĐNĐT) - Mùa đông lặng lẽ đi qua với những làn khói bếp mong manh chiều chiều lãng đãng vờn quanh những rặng tre làng. Thi thoảng có vài tia nắng nhạt trườn mình qua sườn mây xám, phả chút hơi ấm lên cỏ nội hoa ngàn đang chuyển mình đón bước xuân sang.

Đất đã thay áo mới và lòng người cũng rộn lên nhịp điệu tưng bừng khi phút giao mùa đang chầm chậm đến gần. Buổi chiều của năm cũ tắt dần, còn ngọn lửa nồi bánh tét của mẹ tôi thì càng lúc càng rực lên ánh hồng khi màn đêm buông xuống.

Cùng quây quần gói bánh chưng...


Thường thì đêm ba mươi trời tối mịt và se se lạnh. Khi mọi công việc chuẩn bị đón năm mới đâu đã vào đó, anh em chúng tôi quây quần bên nhau, thích thú tận hưởng cảm giác được bao bọc, chở che trong tình thương yêu đằm thắm cùng với hơi ấm ngọn lửa bập bùng soi hồng lên những đôi má.

Ngày tháng thanh bình còn đọng lại trong tuổi thơ chúng tôi là những đêm ba mươi đầy ắp thần tiên cổ tích. Bà nội ngồi trên chiếc ghế trụi, nếp nhăn như giãn ra bên hơi lửa ấm, mái tóc bạc trắng ngày thường ngả sang màu hồng nhạt. Trên nền âm thanh tí tách reo của lửa, sùng sục sôi của nước, trong ánh sáng bập bùng chỉ đủ soi nửa khuôn mặt, giọng bà cứ lướt đi, khi thì thong thả khẽ khàng, lúc thì nhiệt tình sôi nổi. Bà đưa chúng tôi du hành vào một thế giới thần tiên mà thi thoảng chúng tôi còn được quay lại trong những giấc mơ ngọt ngào tuyệt diệu. Có lần bà kể đến đoạn Mụ Chằn cất tiếng sang sảng đòi ăn thịt anh em Cậu bé Tí Hon, bất đồ một luồng sáng bỗng lóe lên trong bếp cùng với tiếng lửa cười phì phò làm chúng tôi xanh mặt ôm choàng lấy bà... Bà kể không biết cơ man nào là chuyện, mà những chuyện kể trong đêm ba mươi thường sống lâu trong mỗi chúng tôi chính là vì thế.

Những năm bà không được khỏe thì ba hoặc mẹ tôi thế vào chỗ bà. Ngày thường ba nghiêm lắm, thế mà bên bếp lửa đêm ba mươi, ba như bước ra từ một thế giới khác. Ba không kể chuyện cổ tích mà giảng giải cho chúng tôi những điều hay lẽ phải về phong tục Tết cổ truyền dân tộc. Ba nói đêm ba mươi tháng chạp là đêm trừ tịch, là trừ hết những điều còn chưa tốt của năm cũ để chuẩn bị đón năm mới. Phải dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, giữ mồm giữ miệng, ăn mặc tinh tươm để cúng giao thừa đón ông thần Hành khiển.

... và nấu bánh trong đêm trừ tịch.


Có nhiều điều tưởng chẳng có ý nghĩa gì, thế mà lúc ba giảng ra mới thấy thú vị làm sao! Tết năm nào chúng tôi cũng thấy ba cắm cúi mài mực rồi dùng ngọn bút lông viết những con chữ tượng hình lên manh giấy điều. Mãi đến khi ba giảng bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên, chúng tôi mới hình dung được thế nào là câu đối đỏ cùng với nét chữ phượng múa rồng bay.

Mẹ tôi đi lại luôn, lúc thì chêm thêm nước vào nồi bánh, lúc thì cho thêm củi vào bếp. Những lúc rảnh việc, mẹ thường kể về làng Non Nước quê mẹ, nơi có năm ngọn núi ẩn chứa nhiều cổ tích. Sau mỗi lần nghe mẹ kể, bóng dáng những vị thần thấp thoáng từ xứ sở các thần tích hay từ thạch nhũ ở các hang động cứ ngày càng hình hiện rõ nét trong tâm tưởng anh em chúng tôi.

Câu chuyện đêm trừ tịch thường chấm dứt vào gần đến nửa khuya, khi nồi bánh đã chín và ngọn lửa cũng hầu tàn. Ba mẹ lo vớt bánh. Anh em chúng tôi chuẩn bị quần áo tinh tươm đón giao thừa. Ngoài trời tối đen như mực. Tiếng ếch nhái từ ruộng đồng vọng lên một giai điệu chân quê êm ả. Xa xa, một vài bếp lửa hồng còn thấp thoáng như những vì sao mọc thấp. Thời gian lặng lờ trôi, giờ phút thiêng liêng của trời đất giao hòa cùng lòng người đang đến gần, đến gần...

Đúng nửa đêm, chuông trống trong làng thong thả buông từng tiếng, vừa khẽ khàng vừa thúc giục vọng vào không gian yên ắng. Ba tôi thiết lễ cúng giao thừa ra trước nhà. Giữa trầm hương nghi ngút, ba bảo cả nhà hãy cầu nguyện một năm mới trời đất mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, con người được an khang thịnh vượng.

Lên trung học, dù tản mát mỗi người một nơi nhưng anh em chúng tôi vẫn giữ lệ quay về sum vầy dưới mái ấm gia đình mỗi đêm trừ tịch hàng năm... Cho đến khi nổ ra chiến tranh... Rồi hòa bình, rồi nhịp sống thời hiện đại... Cứ mỗi lần đón xuân ở nơi không phải là quê mình, lòng tôi lại thấy thiêu thiếu một cái gì đó. Tôi nhớ da diết bếp lửa cháy khét mùi lá chuối lót dưới nồi bánh tét, nhớ mùi hăng hắc của nấm mốc bốc lên từ những súc củi để lâu ngày ngoài mưa nắng, nhớ mái tóc màu hồng nhạt cùng với giọng kể đều đều của nội... Câu chuyện đêm trừ tịch bên ngọn lửa rực hồng còn vang vọng mãi trong tôi, ký ức về một thời thơ ấu ấp ủ dấu yêu.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.