Trong không gian trầm mặc của ngôi nhà cổ đã in dấu nhiều thế hệ giữa vùng núi rừng Tiên Phước, ta như được chạm vào một miền ký ức trong ngần thời thơ bé với những bận leo lên tuột xuống trên chiếc cột gỗ trơn bóng, nằm trên bộ ván đã lên nước. Và ngoài sân kia, bên chiếc cổng ngõ bằng đá, có tiếng chân ai đã rời đi về cõi thiên thu…
Nguyên vẹn nét xưa
Mặt ngoài căn nhà cổ của cụ Nguyễn Huỳnh Anh. |
Đứng ở góc nào trong vườn cũng nghe được tiếng của đủ các loại chim đặc trưng mang dấu tích của một khu rừng nhiệt đới ẩm ướt như sà sả, bả trầu, cu gáy. Nhà nằm lưng chừng đồi, dựa lưng vào Gò Tròn làm hậu chẩm, trước nhà là dãy Hòn Ngang làm bình phong, nhìn xuống cánh đồng trong thung lũng. Phải nói là ngôi nhà có một thế phong thủy đắc địa gồm tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ, mặt trước có Minh đường với dòng nước thủy tụ ruộng đồng…
Chị Nguyễn Thị Kim Sương, con dâu cụ Huỳnh Anh dẫn chúng tôi đi xem căn nhà 3 gian 2 chái được làm theo lối nhà rường Quảng Nam, gần như hoàn toàn bằng gỗ mít. Các đầu kèo, đuôi kèo chạm lộng, chạm thủng tỉ mỉ hình con Giao, Điểu, Dơi, Trĩ và hình cách điệu hoa Mai, Lan, Cúc. Mặt dưới của các đòn tay cũng được chạm khắc hoa lá, cuốn thư, chữ Thọ. Chị Kim Sương là đời thứ tư kế thừa căn nhà, rồi có thể con, cháu chị vẫn tiếp tục giữ gìn nó nguyên vẹn nét xưa.
Căn nhà nguyên do cụ Tổ của chị là Cửu phẩm Bá hộ Nguyễn Đình Hoằng dựng vào năm 1850. Thời gian làm mất 3 năm, riêng phần chạm trổ đã mất đến 26 tháng, do thợ mộc Văn Hà làm. Văn Hà là một làng mộc nổi tiếng ở Tam Thành, Tam Kỳ với phong cách khác hẳn mộc Kim Bồng (Hội An) nhưng nay đã thất truyền.
Bàn tay tài hoa của những nghệ nhân còn lưu lại trên gỗ những nét chạm trổ tinh xảo… Bộ phản gỗ lim, cặp trường kỷ, bức hoành phi là dấu tích của một thời hào phú còn lưu lại và giữ gìn cẩn trọng. Dựa lưng vào hàng cột nhất trong ngôi nhà cổ, nghe đồng vọng đâu đây lời khuyên con cháu giữ gìn nếp nhà, như tâm niệm của gia chủ được khắc trên bộ liễn đặt hai bên trang thờ sơn son thếp vàng: Nhất sanh trì thủ trọng can trường/Bách tải triệu bằng bồi phước trạch (tạm dịch: Một đời sanh ra gìn giữ đạo can trường/Trăm năm giữ gìn nền móng).
Trên con đường dẫn đến nhà cụ Huỳnh Anh, căn nhà cổ của ông Nguyễn Đình Mẫn còn khá nguyên vẹn cấu trúc nhà rường gồm nhà chính và nhà ngang; vách xây bằng đá núi được khai thác ngay tại địa phương, kết dính bằng đất sét, mặt ngoài quét vôi; trước sân là bể nước có hình dáng như chiếc lư. Bà Nguyễn Thị Sanh, con gái ông Mẫn cho biết ngôi nhà này có tuổi thọ cũng trên 150 năm, do cụ cố Nguyễn Đình Hoằng dựng cho 3 người con trai 3 cái.
Tuy nhiên những căn nhà cổ Tiên Phước lúc mới dựng được lợp bằng tranh, có hai tầng mái (tầng mái bằng đất và bằng tranh-nhà lá mái), nhưng đến năm 1941 các ngôi nhà đã được lợp lại bằng ngói âm dương, và bỏ đi phần mái đất. Nhà còn một tầng mái từ đó.
Hai lần từ chối bán nhà
Bên trong căn nhà cổ gần 160 năm tuổi. |
Người nhà cụ Nguyễn Huỳnh Anh nhớ lại câu chuyện đối thoại giữa cụ và những kẻ có thế lực, được cụ kể tóm tắt lúc còn sống: “Hôm đó buổi trưa. Tri huyện Tiên Phước Phạm Xuân Chánh dẫn đầu đoàn người ngựa đi trước. Thượng thư Ngô Đình Diệm đi sau. Tui (cụ Huỳnh Anh-PV) người thôn dã, đâu biết ai vô ai. Ông Chánh mới nói: Cụ thượng muốn mua lại căn nhà! Tui từ chối dứt khoát rồi chỉ cho mọi người câu đối treo trên cột.
Căn nhà ông cố để lại coi như được dựng nên từ phước đức ông bà. Không thể bán!”. Buổi trưa đó, Ngô Đình Diệm nghỉ trên bộ phản, đem thức ăn tự mang theo ra ăn rồi đi về. Năm 1960, khi đã làm Tổng thống, Ngô Đình Diệm lại một lần nữa nhờ người mai mối tìm mua lại căn nhà này nhưng cũng bị từ chối thẳng thừng. Chính quyền địa phương gọi lên và o ép nhưng ông nói “Thà chết còn hơn bán hương hỏa ông bà”.
Hai câu đối được ông cụ nhắc đến được khảm xà cừ, nằm trên bài vị thờ: Tôn công nhật nguyệt trường / Tổ đức càn khôn đại (tạm dịch: Công của dòng giống dài như mặt trời / Đức của tổ tiên rộng lớn như trời).
Lối đi nhuốm màu cổ tích
Lối đi nhuốm màu cổ tích. |
Nền đường cũng như bờ thành đá ngang tầm đầu người phủ đầy rêu. Rêu hiện hữu trên đá ở cổng ngõ, mọc trên những tảng đá mồ côi trong vườn, trên thân dừa, cau, quế, bền bỉ và nhẫn nại đeo bám để tạo thành một lớp nhung màu xanh mát mắt. Theo họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ-Trung tâm Bảo tồn di sản-di tích Quảng Nam thì vùng đất này có rất nhiều đá xanh tự nhiên. Trải qua bao công khó nhọc của người đến lập làng đến người hôm nay vẫn phải tiếp tục giải phóng đất có lẫn đá để canh tác.
Kỹ thuật xếp đá tự nhiên thành những bờ tường không quá cao theo kiểu viên lớn ở dưới, viên nhỏ ở trên gài đan xen không cần xi-măng kết dính nhưng vẫn vững chãi. Cây cỏ, địa y có thể dễ dàng mọc xen vào các khe đá, bề mặt. Dẫu rằng đá sẽ cứng và cứng hơn nếu do bàn tay con người sắp đặt, tạo dựng, nhưng chính nhờ thảm thực vật này đã làm xanh hóa và mềm đi sự khô cứng, nóng bức của đá.
Ở Tiên Cảnh, đá và người như quấn quýt nhau. Và căn nhà nằm trên ngọn đồi của chị Kim Sương còn mang trong mình rất nhiều bí ẩn. Đó là giếng nước cũ kỹ, kín bâng, khoét vào sườn núi ở sau lưng căn nhà. Dẫn đến giếng là con đường đá xanh rêu phong, ẩn giữa những cội mít, cội nhãn già cỗi, thân đầy rêu.
Trên độ cao 50 mét, giữa sườn đồi nhưng giếng chỉ sâu chừng một mét, nước trong vắt có thể nhìn thấu đáy. Thử soi bóng mình xuống giếng, rồi vốc lên ngụm nước mát lành, ngẩng mặt nhìn không gian nhà vườn xanh, thâm u, tràn trề sức sống, thấy ưu phiền quên mất, niềm hạnh phúc sao mà giản dị, cần tìm đâu xa…
Hoàng Nhung