.

Chè kho quê ngoại

Cho quê ngoại thương yêu

Tết của đất trời là lúc bắt đầu sang xuân, chồi non bật mầm, mưa bụi bắt đầu bay. Hoa đào, mai rực nở. Tôi về Tết, về cùng món chè kho của bà ngoại.

Chè kho là món ăn ngọt dạng khô dẻo, rất đặc trưng vào các dịp lễ Tết của miền Bắc - vùng đất cổ xưa mà giàu chất văn hóa. Những ngày lễ Tết, ngoài hương hoa, oản, chuối thường có vài đĩa chè kho màu vàng đậm, khum khum như quả đồi nhỏ.

Chè kho, trước cúng gia tiên, sau là món ăn mời khách. Khách đến chúc Tết, chủ nhà thường cắt từng lát chè mời thưởng thức với trà sen. Món ăn đặc sắc, dân dã này được chế biến từ đỗ xanh và có vị ngọt gắt. Cái độc đáo của chè kho là để được khá lâu mà không cần đến khâu bảo quản nào vì nhờ sử dụng một lượng đường rất nhiều so với những món ăn ngọt khác.

Từ những ngày tháng chạp, khi các bà nội trợ lo xa bắt đầu xôn xao sắm Tết cũng là lúc đi chợ bà tôi chú ý tới hàng đỗ xanh. Chợ quê thưa hàng, ít khách, không phải lúc nào bà cũng mua ngay được mẻ đỗ xanh hạt tiêu. Bà nói chỉ loại đỗ hạt nhỏ, lòng vàng, mười hạt đều cả mười, vỏ mỏng và có màu xanh sẫm này làm chè kho mới ngon.

Hăm bảy, hăm tám Tết, bà sai tôi mang đỗ ra ngâm. Đỗ được ngâm trong nước sạch, ngâm nửa ngày thì đem đãi. Lớn lên rồi tôi mới hiểu để có đĩa chè kho ngon lành khi Tết đến, bà phải tỉ mẩn, công phu biết bao nhiêu. Khi đãi đỗ, phải nhặt hết những vỏ, hạt đỗ sạn, hạt sâu, đen và bỏ bớt đi những hạt vụn.

Đãi xong, rắc vài hạt muối vào, để ráo nước mới đem đồ trong chõ. Sau này, ngoài chợ có bày bán loại đỗ xanh bóc vỏ sẵn, bà cũng không mua, bà chỉ ưng ý loại đỗ hạt tiêu quen thuộc đã bao năm rồi.

Đỗ xanh đồ chín, giã nhuyễn rồi nắm thành từng nắm, dùng dao thái lát mỏng cho đỗ tơi và mịn. Bà cho đường phèn, màu trắng ngà vào nước sôi để nguội đánh cho tan đường, rồi trộn đều với đỗ và đem đun nhỏ lửa.

Bao nhiêu công sức của bà mới có được nồi chè kho vàng, ngọt đậm và thơm ngon. Chè kho càng đặc và khô càng tốt. Đơm ra đĩa rắc lên chút vừng rang, rồi nén lại thật chặt. Phía ngoài mặt chè thấy có màu vàng sáng mịn là chè đẹp.

Chè kho để thật nguội lật mặt không dính và có thể thái miếng chia phần, gửi đi xa cũng không bị vỡ. Chè kho không cầu kỳ như chè cung đình Huế, cũng không cần nhiều loại nguyên liệu như một số món chè miền Nam.

Nó giản dị từ nguyên liệu đến cách bảo quản. Tuy vậy, chè kho nấu đúng cách rất khó. Nếu người nấu không có kinh nghiệm, chè có thể bị quá ngọt, hoặc quá nhạt, không đảo đều tay chè lại dễ bị khê dưới đáy nồi. Nấu được một nồi chè kho, nhiều khi bà phải thức suốt cả một đêm canh bếp lửa.

Bà nấu chè từ ngày tôi còn là con bé lon ton theo bà đi chợ đến giờ, khi tôi đã lớn khôn. Đều đặn như mùa xuân về, như ngày Tết đến, năm nào bà tôi cũng làm thật nhiều chè kho, trước là để cúng gia tiên, sau để mời khách và nhất là cho con cháu trong nhà.

Sáng mùng một, khi con cháu quây quần sum họp, bà đem đĩa chè kho đã để nguội thái lát ra từng miếng và mỉm cười nhai trầu nhìn đàn cháu ăn, tấm tắc khen ngon. Đến mùng bốn Tết, hóa vàng xong, bà lại gói chè kho thành từng phần cho lũ trẻ mang về.

Em tôi đứa nào cũng thích chè kho của bà, năm nào cũng háo hức đợi bà làm chè kho. Rất tự nhiên và giản dị, không biết tự khi nào món ăn ấy đã trở thành hương vị Tết riêng có của quê ngoại. Đối với chúng tôi, không ai làm chè kho ngon như bà ngoại.

Buổi sáng đầu tiên của năm mới, ăn miếng chè kho, uống một ngụm nước trà sen cả gia đình ai cũng thấy ấm áp, thân thương đến lạ kỳ. Miếng chè kho dẻo, khô có vị ngọt của đường, vị thơm của đỗ xanh nguyên chất hòa quyện trong nhau. Tiếp đến là vị hơi chát của trà sen làm át đi vị ngọt gắt mà vẫn giữ lại vị thơm còn đọng lại trên đầu lưỡi.

Giáp Tết, tôi mang lễ về thắp hương trên bàn thờ gia tiên, gặp lúc ông bà đang lụm cụm thái những quả đỗ nằm ngay ngắn trong rá chuẩn bị cho nồi chè kho năm mới. Năm nay, lưng bà đã còng hơn, tay ông cũng đã chậm hơn.

Ước gì cuộc sống cứ bình yên như thế. Ước mỗi khi Tết về luôn được sum họp bên ông bà, được ăn miếng chè kho quê ngoại bà làm, để thấy mùa xuân giản dị mà hạnh phúc biết bao nhiêu.

Tản văn: THU HẰNG

;
.
.
.
.
.