“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Thịt là một trong những món ăn Tết nhứt ngày xưa. Ngày ấy, thịt quý lắm, những gia đình nghèo khổ, khốn khó có khi hàng tháng trời không biết mùi vị nó như thế nào. Đó là chưa nói đến miếng thịt làng - “Một miếng thịt làng bằng một sàng thịt bếp”. Ở Quảng Nam xưa có một số chuyện khá khôi hài liên quan đến miếng thịt làng như chuyện ở làng Thu Bồn dưới đây.
Lăng Bà Thu Bồn, nơi anh Giáp được giao mang miếng thịt làng đi kỉnh. (Ảnh: V.T.L)
Chuyện thứ nhất: Kiện đòi làm... tiền hiền làng. Nguyên hồi cuối thế kỷ XIX, làng Thu Bồn (nay thuộc xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) có tiền hiền ba tộc vào lập làng theo thứ tự là Trịnh, Võ và Nguyễn.
Khi làng tổ chức tế lễ, đầu heo phải kỉnh cho ông họ Trịnh vào trước, còn nọng thì kỉnh cho hai ông họ Võ và họ Nguyễn vào sau. Đến đời vua Thành Thái, ba tộc Trần, Thái và Nguyễn xuất hiện một số nhân tài, nắm nhiều chức vụ chủ chốt trong làng. Nhận thấy đây là thời cơ chín muồi, ba tộc này bàn với nhau làm đơn kiện, đòi được làm... tộc tiền hiền.
Tri huyện bấy giờ là ông Lê Thanh Đào, do “có qua có lại” với ba tộc này nên đã ra văn bản phân xử ghi rõ ràng rằng: “Nhứt, Trịnh tộc tiền hiền; Nhứt, Võ tộc tiền hiền; Nhứt, Nguyễn tộc tiền hiền; Nhứt, Trần tộc tiền hiền; Nhứt, Thái tộc tiền hiền; Nhứt, Nguyễn tộc tiền hiền”. Đó là lý do xuất hiện câu “Tiền tam, hậu lục” (trước ba, sau sáu).
Nhưng có một điều khá trớ trêu là, tuy văn bản ghi tộc nào cũng “Nhứt tộc tiền hiền” nhưng quyền lợi, cụ thể là “miếng thịt làng”, lại khác nhau. Tộc Trịnh vẫn hưởng nguyên cái đầu heo, hai tộc Võ và Nguyễn chia đôi cái nọng. Riêng ba tộc Trần, Thái, Nguyễn mới vào tiền hiền cũng được kỉnh thịt nhưng là miếng thịt bả vai, người địa phương gọi là “cổ kỉnh”.
Rốt cuộc, vụ kiện đã đem lại kết quả khá mỹ mãn đối với các tộc Trần, Thái và Nguyễn. Dù đến sau, nhưng họ cũng được gọi là tộc tiền hiền, cũng được chia phần khi tế lễ.
Từ đó, lệ kỉnh “lục tộc tiền hiền” diễn ra suôn sẻ suốt mấy chục năm liền. Mãi đến đầu những năm 1940, người đại diện cho tộc Trịnh là ông Trịnh Truyền chẳng may qua đời, dĩ nhiên, người thay mặt nhận “miếng thịt làng” là vợ ông - bà Trùm Truyền.
Thế nhưng, lý trưởng làng Thu Bồn bấy giờ là ông Xã Tuân, nhân một lần tổ chức tế lễ, bảo: “Làng mình có cái đầu heo. Mà nghĩ vô lý thật. Đầu heo không kỉnh cho ai lại kỉnh cho bà góa. Thôi, không kỉnh nữa!”.
Ở làng, tiếng nói của lý trưởng bao giờ cũng nặng ký nhất, ai dám trái lời. Thế nên, khi làng tế lễ xong, bà Trùm Truyền đợi mãi không thấy người ta đem đầu heo đến kỉnh, tức tốc đi hỏi cho ra lẽ rồi lên tận nhà lý trưởng làm rùm beng.
Xã Tuân thách thức: “Bà có giỏi thì đi kiện đi!”. Bà Trùm cũng không phải tay vừa, đời nào chịu thua, kêu kiện lên tận tổng, huyện. Quan huyện Duy Xuyên hồi ấy là ông Nguyễn Trường Kỉnh hỏi bằng chứng.
Bà Trùm quay về, đến nhà ông Trịnh Đệ, nhờ sao tờ “Bảo tín” đem lên nộp cho quan huyện. Xem xong, biết rõ sự tình, quan bèn lệnh cho lý trưởng làng Thu Bồn đến, nạt cho một trận:
“Người ta đã xử, đã tính chuyện kỉnh cái đầu heo rồi, lại có giấy tờ hẳn hoi, răng ông cả gan dám làm chuyện tày trời ni? Tầm bậy tầm bạ. Thôi, ông về mua trầu rượu, chịu khó đến nhà bả xin lỗi”.
Coi như chuyện này bà Trùm Truyền thắng cuộc.
Chuyện thứ hai: Viết phiếu... kỉnh thịt. Số là làng Thu Bồn hằng năm có Lễ hội Bà Thu Bồn, do không có ruộng tế tự nên mọi chi phí dân làng phải đóng góp. Mãi sau này, ở làng Phường Chào (nay thuộc xã Đại Cường, huyện Đại Lộc) có một người “lên đồng” bảo với người cháu của bà Phường Chào rằng bà Thu Bồn không có đất tự.
Người cháu bèn đem tiền qua Thu Bồn mua một mẫu bảy đất để “tý tự” (dùng vào việc cúng tế) cho bà Thu Bồn. Đó là nguyên do mà hằng năm, khi tổ chức Lễ hội Bà Thu Bồn, làng cho mổ trâu, lấy một miếng thịt vai to như cái khay với hai đòn bánh tét rồi sai anh Giáp (anh chuyên đi rao ở làng) đem qua Phường Chào kỉnh cho người đã mua đất để “tý tự” cho Bà.
Khi cử anh Giáp đi, làng cẩn thận viết một cái phiếu, trên đó ghi miếng thịt ấy dày bao nhiêu, dài bao nhiêu, cân nặng bao nhiêu. Làm thế, là do người ta không tin anh Giáp, sợ trên đường, anh nổi máu tham, lẻo (tiếng địa phương, có nghĩa là xẻo) mất chút ít.
Khi giao, anh Giáp lại nhờ người nhận viết lên đó mấy chữ, đại ý đã nhận đủ “miếng thịt làng” có cân lượng như thế cùng với hai đòn bánh tét.
Ôi, cái miếng thịt làng ngày đó ngó vậy mà lắm chuyện!
PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT