.
Chuyện xưa xứ Quảng

Nghĩa thầy trò

.

Lịch sử Việt Nam có hai người học trò rất lạ: một người để tiếng thơm muôn thuở còn một kẻ thì mang tiếng xấu muôn đời.

Lăng mộ Nguyễn Duy Hiệu ở Cẩm Hà, Hội An. (Ảnh V.T.L)

Người thứ nhất là Nguyễn Duy Hiệu, người làng Thanh Hà (nay thuộc xã Cẩm Hà, thành phố Hội An, Quảng Nam), học trò của Phó bảng Nguyễn Đình Tựu. Ông Tựu quê làng Hội An, nay thuộc xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước, Quảng Nam, hai lần được bổ làm Đốc học tỉnh Quảng Nam và từng giữ chức Tế tửu Quốc tử giám (như giám đốc trường đại học quốc gia ngày nay).

Người thứ hai là hoàng tử Ưng Kỷ, học trò của ba nhà khoa bảng xứ Quảng là Nguyễn Đình Tựu, Trần Văn Dư và Nguyễn Duy Hiệu, sau này được thực dân Pháp đưa lên ngôi vua lấy niên hiệu là Đồng Khánh.

Sau vụ biến kinh thành Huế ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu (5-7-1885), Tôn Thất Thuyết phò giá vua Hàm Nghi ra Tân Sở. Vua xuống chiếu Cần vương, được các sĩ phu và nhân dân trong nước nhiệt thành hưởng ứng. Lúc này, tại Quảng Nam, Tiến sĩ Trần Văn Dư đang làm Chánh Sơn phòng sứ Dương Yên (vùng giáp ranh hai huyện Tiên Phước và Trà My hiện nay), là người của phe chủ chiến đang đôn đốc việc xây dựng nơi đây thành trung tâm chỉ huy thứ hai sau Tân Sở. Triều đình Huế ra chỉ dụ bổ Nguyễn Đình Tựu vào thay, chuyển Trần Văn Dư vào làm Bố chánh tỉnh Bình Thuận.

Vì chưa nhận ra âm mưu của Triều đình muốn dùng kế “điệu hổ ly sơn” để tách Trần Văn Dư ra khỏi trung tâm kháng chiến Quảng Nam nên Nguyễn Đình Tựu đã nhận chỉ bổ. Trần Văn Dư giao lại sơn phòng rồi lẳng lặng quay về quê nhà (nay thuộc xã Tam An, thành phố Tam Kỳ) ra Thông đạt kêu gọi sĩ dân trong tỉnh tụ nghĩa, lập nên phong trào Nghĩa hội Quảng Nam. Một tháng sau, Trần Văn Dư đem quân tiến lên Dương Yên. Nguyễn Đình Tựu bèn lánh trớ đi nơi khác, để Trần Văn Dư chiếm lại sơn phòng chỉ tốn một phát súng hiệu.

Khi Trần Văn Dư tuẫn nạn, Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu lên thay, tiếp tục lãnh đạo Nghĩa hội Quảng Nam chống Pháp. Nguyễn Duy Hiệu là một người có tài về tổ chức, đã xây dựng căn cứ kháng chiến ở vùng tây Quế Sơn “như một nước riêng” (nhận xét của viên Khâm sứ Pháp Jean Le Baille trong sách Souvenir d’Annam). Nể trọng học hạnh, uy tín của thầy đối với sĩ phu tỉnh nhà nên lúc đầu Nguyễn Duy Hiệu có đến mời Nguyễn Đình Tựu ra làm Hội chủ Nghĩa hội Quảng Nam, nhưng vì tuổi già nên Nguyễn Đình Tựu từ chối, quay về ngụ cư tại làng Phú Thị.

Lúc đó, Nguyễn Thân là một kẻ phản bội Nghĩa hội Quảng Ngãi, trở giáo làm tay sai cho giặc. Y kéo quân ra đánh phá Nghĩa hội Quảng Nam, hai lần đến nghỉ chân tại nhà Nguyễn Đình Tựu. Từ sự việc này, trong Nghĩa hội Quảng Nam có người nghi ngờ Nguyễn Đình Tựu quan hệ với Nam triều Đồng Khánh, tỏ ý muốn ám hại ông, nhưng Nguyễn Duy Hiệu can ngăn, bảo rằng: “Bọn ta cử sự, chưa biết thắng bại thế nào, chỉ vì danh nghĩa mà thôi.

Nay mang tiếng giết thầy, biết lấy gì tỏ với thiên hạ hậu thế”. Dẫu vậy, Nguyễn Duy Hiệu vẫn yêu cầu thầy về quê cũ ở làng Hội An và phái hai lính đi theo với danh nghĩa bảo vệ. Đó là một việc làm cẩn trọng, vừa có lý, vừa có tình, một mặt giám sát được Nguyễn Đình Tựu nếu như ông thật tâm bắt tay với Nam triều, mặt khác vẫn giữ được đạo nghĩa thầy trò.

Về sau, sức chiến đấu của Nghĩa hội yếu dần. Biết không thể kéo dài thêm được nữa, Nguyễn Duy Hiệu chịu để cho giặc bắt và nhận hết trách nhiệm để bảo vệ cho đồng nhân. Lúc này, Nguyễn Đình Tựu ra nhận chức Đốc học Quảng Nam của Triều đình Huế để có điều kiện bảo lãnh cho một số đảng nhân của Nghĩa hội khỏi bị quân Nguyễn Thân và quân Pháp khủng bố.

Lại nói về Đồng Khánh, lúc Trần Văn Dư bị giết hại, Đồng Khánh đã có cáo thị kể “tội danh” của thầy mình và xem việc họ Trần đến tỉnh thành thương thuyết với Châu Đình Kế, bị “quan tỉnh ấy cùng quan Đại Pháp nghĩ xử tử tội, thực không phải oan”! Với Nguyễn Duy Hiệu, Đồng Khánh cũng đốc thúc Nguyễn Thân phải “bắt sống được tên ngụy Hiệu, đóng cũi giải về kinh để xét trị”.

Khi Nguyễn Duy Hiệu bị giải ra Huế, Đồng Khánh đã xét trị thầy dạy của mình bằng hình thức xử tội lăng trì, cho đem thủ cấp vào bêu ở Quảng Nam nhằm gây khiếp đảm trong dân chúng, lại phát giao vợ con của Nguyễn Duy Hiệu cho các sơn phòng Quảng Ngãi, Bình Định làm nô lệ. Tán tận lương tâm với hai thầy dạy đến thế, thật không còn gì để nói thêm! Cũng quan hệ thầy trò mà với hai người, Nguyễn Duy Hiệu và Đồng Khánh, một người để tiếng thơm muôn thuở, một kẻ mang tiếng xấu muôn đời.

Văn Nhật Nguyệt

;
.
.
.
.
.