.
Đối thoại một mình

Phim Việt trong mắt người yêu phim

Mấy hôm rồi đến thăm người bạn, một đạo diễn trẻ. Anh đang chuẩn bị cho chương trình chiếu phim trên sóng. Bất ngờ được xem lại bộ phim “Chung một dòng sông”. Đã lâu lắm rồi, hình ảnh con sông xưa đôi miền gợi lại những tháng năm đất nước cắt chia.

Tôi nhớ, hình như đây là cuốn phim truyện đầu tay của nền điện ảnh Việt Nam, ra đời vào năm 1959. Cuốn phim đen trắng, vết xước nhì nhằng, lóa mắt. Cảm xúc bồi hồi nguyên vẹn như hồi nào, khiến tôi tự hỏi: Có thực đó chỉ là sản phẩm của một thời?

Sau bộ phim đầu tay này, công chúng lần lượt được thưởng thức nhiều tác phẩm điện ảnh mới, có những phim ra đời trong chiến tranh, bom đạn. “Tiền tuyến gọi”, “Chị Tư Hậu”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Biển lửa”, “Con chim Vành khuyên”, “Thành phố lúc rạng đông”, v.v...

Cứ thế, tên phim kéo dài mãi cùng năm tháng, đi vào tâm hồn công chúng như những người bạn đồng hành trong cuộc sống. Từ một xưởng phim truyện duy nhất ban đầu, ngày nay chúng ta đã có hàng chục hãng phim Nhà nước, và cả những hãng phim tư nhân.

Đội ngũ làm phim đông đảo và trưởng thành nhanh chóng. Và cũng từ năm tháng ấy, tên tuổi những đạo diễn, những diễn viên gắn liền với nhân vật yêu mến của công chúng đã trở nên gần gũi. Hải Ninh, Phạm Văn Khoa, Kỳ Nam, Nguyễn Khánh Dư, Đặng Nhật Minh, v.v...

Đặc biệt, nhiều diễn viên đã trở thành thần tượng trong con mắt của lớp trẻ. Trà Giang với chị Tư Hậu, Thế Anh với Trung úy Phương, rồi cô bé Lan Hương của Hà Nội thời khói lửa, Ái Vân trẻ trung, trong sáng…

Hình của các diễn viên được để trong ví nhỏ, được dán trên phên nứa, tường nhà để hằng ngày ngắm cho… đã mắt. Vâng, điện ảnh Việt Nam đã có một thời như vậy trong lòng công chúng.

Ngày nay, phim ảnh tràn ngập trên màn hình nhỏ, những phim sáng giá của điện ảnh thế giới được tuyển chọn công phu. Tuy nhiên, vẫn không ít người trung thành với phim nội, háo hức, kiên nhẫn xem phim “của mình”. Nhưng tình yêu đối với phim nội ngày nay khác trước nhiều rồi. Công chúng đòi hỏi phim chất lượng hơn, cả nội dung kịch bản lẫn diễn xuất, cả cảnh quay, màu sắc, âm nhạc… dường như phim nội đang đuối sức trước nhu cầu của công chúng.

Nhiều phim nhân vật nào cũng chỉ một giọng à ơi than thở, dừng nghỉ, đến ngắt câu đều rất “chuẩn”. Ngay cả khi hùng hổ cãi nhau, họ vẫn không quên dừng nghỉ đúng chỗ, đúng lúc, câu chữ có đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ hẳn hoi.

Nhưng lời thoại của kịch bản cũng chỉ là một khâu yếu. Nhìn rộng ra là nội dung kịch bản, diễn xuất của các diễn viên... còn nhiều chuyện mà người trong giới cũng như công chúng đã có nhiều bàn thảo. Đôi trai gái, tình yêu như chưa được chuẩn bị, đã lại hôn nhau.

Hôn trong nhà, hôn nơi công sở…, nghĩa là tùm lum hôn. Xem phim hình sự, sau vài lần giao ban của ông đại tá, đội quân điều tra rầm rập tóm gọn hung thủ. Lính Trường Sơn bắp chân trắng nõn, bụng tròn căng, liệu có qua nổi mấy cung đường hun hút dốc đèo.

Nói cho công bằng thì trong những năm gần đây, các hãng phim Việt cũng có một số phim gây ấn tượng như “Đời cát”, “Mùa ổi”, “Mùa len trâu”, “Áo lụa Hà Đông”, “Thời xa vắng”, “Vua bãi rác”, “Chung cư”, “Người đàn bà mộng du”, v.v... Và Việt Nam cũng không hiếm những đạo diễn tài năng như Đặng Nhật Minh, Nguyễn Thanh Vân, Lưu Trọng Ninh, Việt Linh, v.v..., nhưng vài ba con chim én cũng chưa thể tạo nên mùa xuân.

Vài ba năm lại đây cũng đã có một vài phim lôi kéo được công chúng đến rạp, chủ yếu là lớp trẻ. “Gái nhảy”, “Những cô gái chân dài”… Nhưng đó cũng chỉ là hiện tượng nhất thời. Có chút lạ trong khoảnh khắc đầu, nhưng những người đi theo hướng này đã hoàn toàn thất bại.

Cũng không ít cảnh quay “gợi cảm”, những đụng chạm gối chăn, những cái hôn không đúng chỗ, những kín hở buồng the, bể bơi… trên thực tế lại gây hại cho phim. Công chúng ngày nay thông minh, nhạy cảm lắm.

Bí quyết nào khiến các bậc đạo diễn đàn anh thành công trong những phim “Chị Tư Hậu”, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Con chim Vành khuyên”, v.v...? Ngày ấy, diễn viên cũng chưa có bao nhiêu kinh nghiệm. Thiết bị, công nghệ lại vô cùng thô sơ, thủ công. Cũng có người cho rằng, phim dẫu hay cũng chỉ của thời đó. Xin thưa: Hãy đến và lắng nghe những buổi tọa đàm của giới trẻ về những bộ phim truyện “một thời”, bạn sẽ hiểu rõ sức lay động của những cuốn phim “cũ kỹ” ấy.

Điều này minh chứng một lẽ hiển nhiên: Đó là những tác phẩm đã đạt tới chân giá trị của nghệ thuật. Giá trị nghệ thuật đã được thử thách, khẳng định, khó mà nói cũ hay mới.

NHẤT NGÔN

;
.
.
.
.
.