.

Họa sĩ bất đắc dĩ

.

Trên giường bệnh, người thanh niên trẻ cứ ngỡ cuộc đời mình đã tàn phế, nhưng với tình yêu thương từ cộng đồng, Nguyễn Tấn Hiền vượt qua số phận nghiệt ngã. Hiền vẽ cuộc đời mình chỉ bằng một ngón tay còn lại và tìm được tình yêu lứa đôi đầy cảm động...

Phận đời nghiệt ngã

Vung nét cọ vẽ trên một ngón tay còn lại của người họa sĩ bất đắc dĩ.

Một chiều trên bãi biển Mỹ An, những người vui đùa trên bãi biển xinh đẹp đều đưa ánh mắt ái ngại về phía cô gái trẻ đẩy chiếc xe lăn đưa người thanh niên bị liệt toàn thân, quặt quẹo đi dạo. Đôi bạn trẻ vẫn nói cười hồn nhiên hòa vào biển cả. Kể từ buổi gặp ấy, tôi luôn ám ảnh về ánh mắt rạng ngời hạnh phúc của người con gái. Một bệnh nhân ở Trung tâm Điều dưỡng và phục hồi chức năng Đà Nẵng (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, đó là đôi tình nhân mà chuyện tình của họ như chuyện cổ tích. Một người tàn phế nằm trên giường bệnh, một thực tập sinh y tế đem lòng yêu thương chỉ vì... yêu.

Sáu năm trước, cuộc đời của Nguyễn Tấn Hiền (xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) dường như rộng mở. Tốt nghiệp phổ thông trung học, Hiền tình nguyện đi nghĩa vụ quân sự. Sau khi xuất ngũ, Hiền vẫn đau đáu con đường học tập để lập thân, lập nghiệp. “Từ hồi còn học phổ thông, em ước mơ trở thành giáo viên” - Hiền kể. Thế là ước mơ đã trở thành sự thật khi Hiền thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk với kết quả giỏi.

Vậy mà, học đúng 26 ngày thì tai họa ập tới. Khoảng 20 giờ tối ngày 27-10-2002, từ nhà, Hiền đạp xe lên trường để đến thư viện nghiên cứu tài liệu. Trên đường đi, có hai xe tải qua mặt nhau, nhưng do đường hẹp nên đã ép xe đạp của Hiền văng vào lề. Hiền lọt tõm xuống hố ga. Được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh, nhưng chấn thương quá nặng (gãy cột sống cổ) nên phải chuyển xuống Bệnh viện Chợ Rẫy - thành phố Hồ Chí Minh.

Từ một sinh viên khỏe mạnh, Hiền trở thành người tàn tật, chân dần teo tóp. Chín ngón tay cứng đơ, chỉ còn một ngón trỏ của bàn tay phải là cử động, co duỗi được. Cả năm trời nằm bệnh viện, gia đình lo chạy thuốc thang chữa bệnh cũng là lúc gia sản của một gia đình nông dân đã vơi sạch. Về quê với thân hình tê dại, Hiền tâm sự: “Nhiều lúc muốn chết đi để giảm gánh nặng cho mẹ già. Nhưng cuối cùng vẫn không thể, vì mình nghĩ làm vậy không phải là thương mẹ”. “Nhìn các bạn đi học rồi nghĩ ngợi đến bước đường học vấn của mình đã đóng sập, em tái tê và có lúc đã nghĩ đến cái chết”- Hiền nói trong nước mắt.

Ba năm nằm nhà. Năm 2006, một ngày kia, có đoàn từ thiện đến thăm và đưa Hiền ra thành phố Đà Nẵng để điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng và phục hồi chức năng. Hiền nhớ lại: “Lần đầu đến Đà Nẵng, đêm nằm nghe tiếng sóng vỗ, lòng cứ thao thức mãi. Em ước gì mình có thể đi đứng bình thường để chạy ào vào lòng biển khơi. Phần vì nhớ nhà, phần vì thương bản thân một mình nơi đất lạ, nước mắt cứ chảy dài”. Trong buồn đau, một người bạn mới cùng phòng bệnh là sinh viên mỹ thuật làm quen, giúp em cầm cọ học vẽ để giải khuây. “Em bắt đầu vẽ từ năm 2007. Ban đầu vẽ bằng bút chì. Đó là những bức tranh phác họa về phong cảnh làng quê của em, với người mẹ già và những người thân trong gia đình. Chỉ là vẽ để đỡ nhớ nhà mà thôi” - Hiền kể.

Thế rồi, như chuyện thần tiên, một ngày nọ có người phụ nữ nước ngoài hoạt động từ thiện đến thăm bệnh viện. Người này hết sức bất ngờ khi thấy một bệnh nhân đặc biệt yêu đời và thể hiện tình yêu tha thiết của mình qua từng đường nét, dù còn chệch choạc. Thế là bà bỏ tiền mua vài bức tranh, như để động viên nghị lực của Hiền.

Sau đó, bà kể hai câu chuyện về đất nước và sự đùm bọc yêu thương của một gia đình, rồi yêu cầu Hiền “chắt lọc chi tiết đắt giá” vẽ lại bằng tranh. Nhìn hai bức tranh của Hiền, bà ưng ý ngay và còn cho biết Hiền sẽ chiến thắng được bệnh tật nhờ vào “nghiệp” cầm cọ. Có được chút tiền bán tranh cho bà, Hiền nhờ người mua khung, mua vải, hộp màu… rồi cặm cụi vẽ. Những bức tranh đủ cỡ, màu sắc tươi sáng lần lượt ra đời từ giường bệnh.

Một chuyện tình cảm động

Chàng họa sĩ bất đắc dĩ đến giờ cũng không mường tượng được rằng mình đã tìm được một tình yêu đôi lứa. “Ông Trời đã không lấy đi tất cả của em”- Hiền nói. Theo năm tháng, vẽ xong Hiền thử đưa tranh của mình vào Hội An và vài điểm bán tranh tại Đà Nẵng nhờ người ta bán giúp. Hiền rất vui khi số lượng tranh bán ra cũng kha khá. Tại Hội An bán được 6 bức, ở Đà Nẵng được 3 bức. Chưa kể một số người đến bệnh viện thăm thân nhân cũng đã mua tranh của Hiền mang về nhà.

Và rồi một ngày nọ, Hiền gặp niềm hạnh phúc lớn từ tình cảm chân thành của một người con gái mang lại. Đó là mối tình đẹp như cổ tích giữa cô thực tập sinh chuyên ngành kỹ thuật viên phục hồi chức năng Nguyễn Thị Lý, hiện đang làm việc tại Bệnh viện Bình Dân - Đà Nẵng với chàng “họa sĩ” Nguyễn Tấn Hiền.

Năm 2006, Lý vào bệnh viện thực tập. Là nữ, nên phòng chăm sóc bệnh nhân của Lý  cũng toàn chị em cả. Một lần tình cờ nhìn và bắt gặp ánh mắt của Hiền, Lý mê ngay mà không biết vì sao và vì sao? Tiếng sét ái tình từ đó dội xuống hai trái tim trong trẻo và tình yêu đến với hai người nhẹ nhàng, song cũng đầy trắc trở từ đây.
 
Khi nghe tin con gái mình “mê” một người tàn tật, gia đình Lý ở Huế đã cấm đoán và buộc cô phải chấm dứt ngay mối tình mà theo họ là “chỉ có khổ cho con mà thôi”. Thế nhưng, ngày qua ngày, suốt 3 năm qua, hai người vẫn tìm đến với nhau. “Suốt 3 năm xa nhà, Tết Kỷ Sửu này em quyết định về Đăk Lắk thăm mẹ”.

Hiền nói thêm: “Lý cũng sẽ thu xếp công việc làm để đưa em về quê, ở chơi vài hôm ra mắt gia đình. Nhiều lần em đã điện thoại nói chuyện với cha mẹ của Lý để mong nhận được sự cảm thông, chia sẻ. Qua điện thoại, trực giác mách bảo em rằng: Cha mẹ của Lý đã đặt niềm tin vào tình yêu của người con gái út của gia đình…”. “Nếu chỉ trông chờ vào việc bán những bức tranh này, chắc chắn không đủ để trang trải cho cuộc sống. Và càng khó khăn hơn, nếu như em có một mái ấm gia đình thật sự như hai đứa mong muốn”, Hiền nói.

Từ tấm gương vượt qua số phận của bệnh nhân Nguyễn Tấn Hiền, lãnh đạo trung tâm chọn Hiền làm tình nguyện viên tâm lý để mỗi khi có bệnh nhân mới nhập viện, Hiền sẽ đến động viên để họ sớm vượt qua bệnh tật, trở thành người sống có ích, có lý tưởng.Ngọn gió chiều đông đem theo cái lạnh nhưng trong phòng bệnh của Nguyễn Tấn Hiền vẫn ấm áp, bởi hạnh phúc tràn đầy với người thanh niên nhiều nghị lực.

Ký sự nhân vật của TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.