.

Hoạt động văn hóa Tết Nguyên đán: Tiết kiệm nhưng giàu bản sắc

.

(ĐNĐT) - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) thành phố Đà Nẵng vừa công bố chương trình hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao mừng Đảng, đón Xuân Kỷ Sửu 2009. Theo đó, hầu hết hoạt động sẽ diễn ra với tinh thần đơn giản và tiết kiệm, hòa nhập vào chủ trương chung chống lạm phát và lãng phí của thành phố.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ mừng Xuân mới sẽ diễn ra với tinh thần đơn giản và tiết kiệm nhất.

Tổng cộng có trên 40 chương trình, sự kiện lớn nhỏ trong lĩnh vực văn hóa, du lịch sẽ diễn ra trên địa bàn Đà Nẵng, bắt đầu từ ngày 20-12 âm lịch và kết thúc vào mồng 10 Tết Nguyên đán. Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở VH-TT-DL cho biết, phạm vi hầu hết sự kiện này sẽ diễn ra ở cấp quận huyện, do các quận huyện trực tiếp điều hành, tổ chức, trên tinh thần xã hội hóa, hạn chế các khoản chi tiêu công.

UBND thành phố, ngoài kế hoạch tổ chức Hội hoa xuân, bắn pháo hoa đêm giao thừa, năm nay chỉ chủ trương có thêm một sự kiện văn hóa lớn nữa, là đêm diễn văn nghệ đặc biệt chào Xuân do Bộ VH-TT-DL chủ trì diễn ra tại Nhà biểu diễn Đà Nẵng vào 2 đêm mồng 3 và 4 Tết. Một số sự kiện, chương trình có kinh phí khá cao do các tổ chức, đơn vị đăng ký thực hiện, sau khi cân nhắc kỹ, UBND thành phố đã chỉ đạo không tổ chức, nhằm tiết giảm mọi khoản kinh phí không cần thiết, dồn sức tập trung vào các sự kiện có tính tự chủ cao do các quận huyện triển khai.

Có thể nói, so với các năm trước, Xuân Kỷ Sửu sẽ là dịp Tết tổ chức sự kiện với tinh thần đơn giản và tiết kiệm hơn, trong đó chủ yếu là các chương trình thi văn nghệ, hội thơ, các giải cờ tướng, cờ vua, bóng đá mini, tổ chức tụ điểm vui xuân mang đậm tính dân gian, hương vị xuân xưa, nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống… Kinh phí và phương án tổ chức đều do cơ sở thực hiện, với sự ủng hộ, hỗ trợ từ các DN tại địa bàn.

Trong các hoạt động này, ngành văn hóa trực tiếp đặt vấn đề phối hợp, chủ trì một số sự kiện có tầm quan trọng, thành những điểm nhấn đặc trưng. Cụ thể, với một số lễ hội như Lễ hội Đình làng Túy Loan (Hòa Vang), Lễ hội Đình làng Mân Quang (Ngũ Hành Sơn) hay giải đua thuyền truyền thống của huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu diễn ra tại sông Cu Đê - cửa biển Nam Ô, ngành yêu cầu phải thực hiện chu đáo, nghiêm túc, chất lượng cao hơn hẳn các năm trước.

Đặc biệt, ở lĩnh vực nghệ thuật và văn hóa dân gian, từ Tết Kỷ Sửu này, Sở VH-TT-DL  sẽ lên kế hoạch phát triển với định hướng bền vững, đa dạng hóa về nghệ thuật Tuồng Quảng Nam – Đà Nẵng. Ngay những ngày Tết, theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh sẽ hoạt động liên tục, với các chương trình, tiết mục đặc sắc phục vụ đông đảo nhân dân. Đồng thời, mảng du lịch phải chủ động hợp tác, đưa nguồn khách du lịch đầu xuân đến thưởng thức, nhất là khách du lịch nước ngoài. Ngoài ra, quận Thanh Khê cũng có chủ trương cùng tham gia, với kế hoạch tổ chức 13 đêm hát Tuồng mừng Xuân 2009, có sự tham dự đông đảo của người dân.

Ông Ngô Quang Vinh cho biết, những kết quả thu được qua bước thử nghiệm này sẽ là cơ sở để Sở tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các phương án tổ chức, duy trì phù hợp mảng sinh hoạt nghệ thuật dân gian phong phú và đặc sắc này trong năm 2009.

Song song với hoạt động tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao đa dạng, phong phú, giàu bản sắc nhưng đơn giản, tiết kiệm, Sở VH-TT-DL cũng chỉ đạo và đề nghị phối hợp với các đơn vị chuyên môn, sở ngành hữu quan, trong dịp Tết Nguyên đán hết sức lưu ý công tác giữ trật tự trị an, phòng chống cháy nổ tại các khu vực sự kiện, lễ hội. Các hoạt động vui chơi giải trí phải được giám sát chặt chẽ, tăng cường tuyên truyền, triệt để đấu tranh, ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật. Các tụ điểm sinh hoạt đông người phải kiểm tra tốt công tác bảo mật, phòng gian, xử lý nghiêm mọi sự việc sai trái như đua xe, quậy phá, đốt pháo… và ngăn chặn kịp thời những tệ nạn mê tín dị đoan, cờ bạc, ma túy, mại dâm.

Thụy Bất Nhi

;
.
.
.
.
.