.

Lấp lánh nụ cười xuân

.

Mùa đông đang tiệm tiến đến thời khắc giao mùa trong sự đỏng đảnh của thời tiết và vẻ ảm đạm của khó khăn kinh tế. Năm mới gần lại bên thềm nhà. Qua những mẩu chuyện đi thăm đồng hương, dự đám cưới tại chỗ, cúng đường, quà tặng ngân hàng, vẫn thấy mùa xuân lấp lánh nụ cười đâu đó.

Uống một ly, cười một nụ, chúc nhau vạn sự bình an.

1. Đã hơn ba mươi mùa xuân rồi, ở thôn Hòa Trung xa xôi thuộc xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, có những người con ăn Tết xa quê. Họ lên đây lập nghiệp, phát triển gia đình đến nay lên 33 hộ - 17 hộ gốc Khuê Trung và 16 hộ gốc các địa phương khác ở nội thành Đà Nẵng. Cuộc sống miền núi còn khó khăn lắm nỗi, vì thế, nhiều khi dưới quê nhà có đám kỵ cũng không về thắp được cây nhang, mặc dù không xa lắm.

Cách đây 6 cái Tết, quê nhà bỗng dưng gần lại trong tâm khảm những người gốc Khuê Trung như anh Trương Văn Đức, khi Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) phường Khuê Trung lần đầu tiên tổ chức đoàn lên thăm và tặng quà đồng hương. Bà con xúc động lắm, ngày Tết đi thăm nhau, ai cũng nói về quà tặng bất ngờ đó - anh Đức tâm sự.

Năm nay, theo lời anh Lê Văn Giá, cán bộ Hội CTĐ phường Khuê Trung, lúc đầu Hội định tặng quà riêng cho 33 hộ xa quê. Nhưng suy đi ngẫm lại, sống chung cộng đồng ở đó còn có 15 hộ người gốc Hòa Ninh, vô lẽ để họ chơ quơ nhìn hàng xóm nhận quà Tết? Rồi còn thêm 30 hộ có nạn nhân chất độc da cam toàn xã nữa, tính sao đây? Ở quê, có chuyện gì là cả làng đều biết, mình làm công tác CTĐ, vô lẽ làm ngơ trước sự mong ngóng của những người bất hạnh này khi cái Tết đã cận kề?

Cuối cùng, Hội quyết định vận động các nguồn lực để tặng quà cho cả 78 hộ, mong ai cũng có niềm vui trước thềm năm mới. Ngoài một số áo quần cũ, các hộ còn nhận quà tổng trị giá 15 triệu đồng được trích từ quỹ từ thiện của Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố, Hội CTĐ và chùa Phổ Hiền phường Khuê Trung. Riêng 17 hộ gốc Khuê Trung còn được nhận thêm 3,7 triệu đồng do Hội CTĐ quận Cẩm Lệ và phường trao tặng.

6 năm qua, những chuyến thăm giáp Tết đầy nghĩa tình như thế đã đưa quê nhà gần lại với những người con xa xứ. Chị Vân, vợ anh Đức, nghèn nghẹn khi nói về tấm lòng của người dân quê chồng: “Lần đầu tiên được bà con Khuê Trung lên đây thăm, nhiều người ứa nước mắt. Xa quê lâu rồi, chừ gặp lại đồng hương, ai cũng cảm thấy như được về thăm quê cũ. Có quà, Tết nhà nào cũng đầy tiếng cười...”.

“Mượn” đường phố để nối dài niềm vui cho những tiệc cưới ở khu dân cư.

2. Cuối năm, đi dự đám cưới trên đường Lê Văn Linh, gần chợ Cẩm Lệ, ngạc nhiên vì một “nhà hàng bay” được lắp đặt tràn hết diện tích hai lề đường và mặt đường. Để có một đám cưới “cây nhà lá vườn” cho con trai, chủ nhà đã làm việc với địa phương và thương lượng với hàng xóm “mượn” đứt một đoạn đường trong suốt 2 ngày. Các khu dân cư ở Khuê Trung đường ngang dọc như ô bàn cờ, bà con có đám tiệc gì thì nói với công an và tổ dân phố một tiếng là khỏi lo chuyện mặt bằng. Bà con ai cũng cảm thông, bởi tới lượt họ, họ cũng thế.

Trên đường Tôn Đức Thắng, đoạn phía trước chùa Quang Minh, quận Liên Chiểu, cũng có một đám cưới như thế. Ở đây, người ta che rạp qua hiên 5-6 nhà liền kề và cả lề đường làm nơi tiếp đón, đãi đằng quan viên hai họ. Thời buổi kinh tế khó khăn, mọi chi tiêu đều phải chi li từng đồng thì không phải ai cũng có điều kiện tổ chức đám cưới ở nhà hàng. Phương án đãi khách tại chỗ được những người “liệu cơm gắp mắm” lựa chọn. Một ông khách đến từ Thăng Bình bảo: “Nghe nói tổ chức đãi ở nhà, người trong quê ra đủ hết. Rứa mà vui, mà thâm tình. Chứ đãi nhà hàng thì ai cũng ngại. Mình đi ít tiền thì tội người ta, mà nhiều thì lấy mô ra?”.

Đám cưới tại chỗ nhưng vẫn có “pháo” bằng bong bóng, vẫn cô dâu chú rễ rót tháp sâm-banh. Đặc biệt, tiếng cười, tràng pháo tay bao giờ cũng nhiều, rôm rả và nhiệt tình hơn ở nhà hàng. Một chị giáo viên Trường THPT Phan Châu Trinh kể: “Dự đám cưới dân dã như thế này mình không bị áp lực chi hết, gần gũi nghĩa tình hơn. Tôi nghe nói một đại gia ở Đà Nẵng in thiệp đám cưới cho con tốn sơ sơ hết 17 triệu đồng, làm bộ ảnh cưới cho hai đứa tốn thêm 25 triệu nữa. Mấy cái đám cỡ này mà mời bà con thân tộc thì người khó khăn đố ai dám đi”. Đến đây, chị kết một câu chắc nụi: “Tình nghĩa ngày càng xa là cái chắc!”.

Chợt nghĩ, nếu có ai đó nhận vào thời cao điểm khoảng 3-4 cái “giấy báo nợ” như thế, mà đều là ở nhà hàng sang trọng cả, thì thế nào cũng thấy kết luận của chị giáo viên kia là hoàn toàn chính xác.

3. Từ rằm tháng chạp trở đi, nhiều nơi rộ lên việc cúng xóm. Ở Khuê Trung, bà con ở các khu dân cư mới thay vì cúng xóm như trước đây, họ chuyển sang cúng... đường - các hộ trên cùng một đường phố chung góp cùng nhau cúng tất niên.

Ông Phan Tấn Huấn trước ngày sống bên sông Cẩm Lệ, một thời làm nghề nuôi thủy sản sau khi nghỉ hưu quân đội với cấp bậc trung tá. Mấy chục năm ông cùng bà con quanh đó cúng xóm ở miếu Âm linh bên gốc cây đa Ngũ Tộc phía đối diện Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang cũ. Dưới gốc đa này, giặc Pháp đã thẳng tay sát hại những người hoạt động cách mạng chống thực dân, phong kiến. 3 năm nay, cuộc sống có xáo trộn đôi chút vì chỉnh trang đô thị. Ông Huấn giờ tái định cư ở số nhà 41 Lương Định Của, mỗi giáp Tết lại cùng các hộ có nhà trên đường này cúng tất niên.

Cúng xóm hay cúng đường thì lễ phẩm vẫn không khác. Vẫn là dịp gặp mặt hàng xóm làng giềng cuối năm, trước thắp nén nhang tạ ơn đất đai thổ thần, sau uống chén rượu mừng một năm tai qua nạn khỏi, chúc nhau năm mới vạn sự tiếp tục bình an. Vượt lên trên hết, đó là dịp để người ở lâu và người mới đến quen biết nhau, xích lại gần nhau trong tình làng nghĩa xóm. Chuyện đóng góp không thành vấn đề, có người làm ăn phơi phới góp cả bạc triệu, lại còn kêu một dàn nhạc về chơi cho đình đám. Người nhất thời khó khăn thì đóng góp gọi là, và cũng chẳng lấy thế làm ngại.

Dưới cái nhìn của người sắp đến bát tuần như ông Huấn, sau mỗi lần cúng đường mọi người dường như cảm thấy cuộc sống bình yên hơn. Điều đó có thể nhận thấy trong ánh mắt và nụ cười mọi người khi họ gặp nhau và chúc nhau trong năm mới.

4. Những ngày cuối năm, rút tiền qua thẻ thật là khó. Đành vào trong ngân hàng khi thấy đoàn người rồng rắn chờ trước các máy ATM. Vừa đến ô cửa kính có số theo hướng dẫn của loa phóng thanh, một cô gái đang cắm cúi làm việc bên trong ngước mặt nhìn lên và nhoẻn một nụ cười rất tươi: “Chú làm ơn chờ cháu chút”. Chà! Thế hệ trẻ bây giờ được đào tạo bài bản thật.

Xong đâu đấy, nói với cô gái “cảm ơn nha, chúc mừng năm mới!”, định quay ra thì nghe tiếng gọi với “chú ơi, chờ cháu chút”. Trục trặc gì chăng? Cô lấy trong ngăn kéo ra một cuốn lịch tường, thêm một xấp phong bì để bỏ tiền lì xì: “Chú cho cháu gửi. Cảm ơn chú”. Tờ lịch tháng Giêng, bên dưới lô-gô của Vietcombank là bức tranh sơn dầu vẽ 5 cô gái đạp xe đạp chở hoa xuân bên hồ nước in hình rặng cây lấm tấm hoa vàng.

Người ta rút tiền hàng chục triệu nườm nượp, chứ chỉ mấy đồng nhuận bút như mình thì nhằm nhò gì. Nhưng sao chỉ riêng mình được tặng quà Tết nhỉ? Ngẫm nghĩ trên đường về, chợt thấy mùa xuân lấp lánh nụ cười đâu đó bên thềm nhà...

Ghi chép của VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.