Mươi năm trở lại đây, vào dịp lễ, Tết, người ở phố có thói quen trở về quê thắp hương cho tổ tiên, ông bà và thăm viếng bà con dòng tộc; các cụ bô lão cũng nhân dịp gặp mặt cháu con “ôn cố tri tân”, chỉ bày cho lớp trẻ những điều hay lẽ phải, những truyền thống tốt đẹp của dòng họ mình...
Về đình làng, nhà thờ họ trong ngày đầu năm đã trở thành một lễ nghi truyền thống của nhiều người Việt (ảnh: Thắp hương ở nhà thờ Chư phái tộc Phú Lộc).
Anh Nguyễn Văn Phước, ở tổ 17 phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà kể, những chuyến đi về quê vào ngày 30 Tết các năm trước của anh thường là chỉ về nhà cha mẹ ruột. Nếu có thời gian thì ghé thăm bà con họ hàng gần. Nhưng sau này, những người anh, em con bà cô, ông bác có nhà ở quê khuyên anh khi về quê thì nên đến nhà thờ họ, đình làng thắp hương cho tổ tiên. Thế là mỗi lần anh Phước về làng Phước Lý, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, anh đưa cậu con trai lớn theo.
Sau vợ anh “đòi” đi theo và chị đề nghị cả nhà về làng vào ngày mồng 1 - ngày đầu năm mới. Anh cười vui khi kể chuyện gia đình mình: “4 năm nay, cứ sáng ngày mồng 1 là cả nhà tôi “dắt díu” nhau về quê. Về cái ngày này, tâm thế nó cũng khác ngày 30, tôi nghĩ vì nó khởi đầu cho một năm. Sau khi thăm và chúc tuổi ba mẹ, cả nhà kéo nhau đến đình làng, rồi sang nhà thờ họ.
Ba tôi già rồi, nhưng cụ vẫn dẫn đầu. Tôi thấy đây là một phong tục rất hay mà lúc trước chỉ người già trong làng thực hiện, giờ thì nhiều người đã có gia đình bắt đầu làm theo. Làm thế nào để những lớp thanh niên cũng xem như đây là một thói quen, một phong tục không bỏ được là rất tốt”. Anh Phước tâm sự chân thành như vậy và cho biết hai cậu con trai của anh, một đứa đã vào đại học, một cậu đang học cấp 2 rất thích được về quê cùng ba mẹ mừng tuổi ông bà và đến nhà thờ, đình làng thắp hương. Mỗi chuyến đi là những câu hỏi được đặt ra từ các con, anh cũng cảm thấy yêu quê mình hơn.
Và sự gắn bó với gia đình, với bà con thân thuộc sau mỗi chuyến đi như một sợi dây tình cảm thiêng liêng, thoát ra khỏi một gia đình nhỏ, nó bao trùm lên một dòng họ, một ngôi làng và xa hơn nữa là một vùng quê, đất nước. Sợi dây tình cảm đó không có tên, nhưng nó bền chặt bởi trong tâm thức của mỗi người, quê hương là nơi mình trở về sau dặm dài một chuyến đi và cả sự chuẩn bị cho một chuyến đi xa khác mà ai cũng sẽ trải qua-chuyến đi về bên kia thế giới, gặp mặt Tổ tiên, ông bà như đã từng làm hôm nay.
Về làng Bồ Bản, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, nghe cụ Tán Tuấn, 90 tuổi kể về lệ cúng đình làng, mới thấy mái đình còn ẩn chứa bao tích cũ và có một giá trị nhân văn sâu sắc để truyền lại đời đời cho con cháu. Tục cúng đình làng đã có từ lâu với 4 lễ cúng “Xuân kỳ thu tế”. Ngày mồng 1 Tết là lễ cúng Minh niên, con cháu tề tựu đông đủ và những người tham gia cúng phải đủ 18 tuổi trở lên.
Sang đến ngày Rằm tháng 2 là lễ giỗ Tiền hiền tôn vinh những người đóng góp xây dựng quê hương. Đến Rằm tháng 8 là lễ cúng Cầu an, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, đất nước thanh bình, phát triển với “văn tế thần nông”. Lễ cúng cuối cùng trong năm diễn ra vào ngày 21 tháng Chạp, cúng những người không có người thừa tự, khuất mặt khuất mày.
Đình làng Bồ Bản là Di tích Quốc gia và trở thành một trong những đình làng của thành phố còn lưu giữ nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Vào thời điểm giao thừa, ông Chánh tế của làng đánh 3 hồi trống, con cháu của 24 tộc họ tập trung về đình làm lễ Tế đầu năm: tế thần, tế tiền hiền, sau đó còn lễ Tế Khổng Tử. Sau giờ cúng Minh niên đó, mỗi gia tộc sẽ làm lễ cúng ở nhà thờ họ của gia tộc mình, cầu an cho con cháu sức khỏe, thành đạt.
Ông Tán Văn Tịnh, con trai của cụ Tán Tuấn và cũng là Trưởng thôn Bồ Bản nhấn mạnh rằng, lớp trẻ hiện nay rất quan tâm đến việc lễ nghĩa ở đình làng, tộc họ. Có lẽ đây là suy nghĩ của một thế hệ-hướng nội, quay trở về với những giá trị truyền thống. Đặc biệt là những người ở xa quê mỗi năm đều cố về ăn Tết với gia đình. Những khi không về được trong ngày Tết, họ về quê những ngày trong năm và đều có đến thăm đình làng. Hành động đó của lớp con cháu có lẽ gây nên một tình cảm yêu mến, trân trọng lớp trẻ trong cụ Tuấn và những người già ở thôn Bồ Bản cũng như các làng quê khác ở trên đất nước này. Họ sẽ là những lớp người kế thừa truyền thống cha ông, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Những nấm mồ không có người thân cũng ấm lòng khi người còn sống nhớ đến (ảnh: Ông Nguyễn Tấn Giỏi thắp hương cho những nấm mồ ở nhà thờ chư phái tộc Phú Lộc). |
120 nấm mồ không còn người thân, có từ thời Gia Long đã được quy tụ về đây 40 năm nay và ngày 25 tháng Chạp hằng năm trở thành ngày giỗ tảo mộ, còn ngày 25 tháng 3 (âm lịch) là ngày giỗ chính. Lễ cúng vì thế cũng có thời gian trên 200 năm. Chú Hồ Thương, phó ban tổ chức lễ cho biết, sau lễ cúng ngày 25 tháng Chạp, đến đêm 30 rạng ngày mồng 1 Tết có lễ cúng cầu an-cầu cho cả vùng biển an bình, quốc thái dân an. Nhà thờ cũng mở cửa từ ngày 30 đến mồng 7 Tết (hạ nêu) cho con cháu của làng về thắp hương.
Chú Nguyễn Tấn Giỏi, Chủ bái của làng cho biết, vì là làng biển nên dù có gia đình làm nghề biển, có gia đình không, nhưng ai cũng muốn đến nhà thờ này thắp hương, dâng lễ cúng Tổ tiên. Họ tri ân và thăm hỏi các cụ trong làng. Nhờ thế mà khoảng 5 năm gần đây, lớp người trẻ, đặc biệt là thanh niên trong những phường ven biển đều quy tụ về đây, xem là một nghi lễ truyền thống trong ngày đầu năm.
Những ngày Tết, về quê thắp hương ở nhà thờ của làng, tộc họ, thắp hương ở mộ phần những người thân đã khuất, mỗi người Việt có dịp được ôn lại nguồn gốc tổ tông và có trách nhiệm ghi nhớ, lưu giữ truyền lại cho đời sau. Làn khói hương cuối năm là làn khói đưa ta về với cội nguồn dân tộc, nhắc nhủ ta nhớ về những người đã khuất. Nén nhang ấy còn gọi là nén tri ân công đức tiên tổ mà cái lễ nghĩa ngàn đời của người Việt ta luôn luôn được coi trọng. Nếp nhà có vững một phần cũng nhờ vào điều đó...
HIỀN LƯƠNG