Những con đường mây khói lượn lờ và nhấp nhô truông dốc, đi giữa một nơi chốn như thế dễ có cái cảm giác ta đang du nhàn ở một góc trời Tây Nguyên đâu đó.
7 | |
Minh họa : Hoàng Đặng |
Dường như núi đồi hoang sơ nơi đây vẫn ngày ngày lặng lẽ cùng với cái “tiềm năng” phủ xanh đồi trọc của từng trang trại. Các nhà đầu tư, nhất là những dự án du lịch đồ sộ hầu hết đều nghiêng về phía biển, dường như đan kín suốt cả chiều dài bờ biển Đà Nẵng.
Còn một vùng mênh mông đồi núi phía tây thành phố thì thưa thớt, hoang vắng. Một Bà Nà trên cao thì đã ngót mươi năm nay rồi. Đấy là cái khuyên son trong bản đồ du lịch Đà Nẵng, chỉ có điều, sự mời gọi du khách chưa gợi mở hết được những đặc điểm của thiên nhiên - một ưu thế của Bà Nà, để núi non này biết níu chân người ở lại.
Dọc theo chân núi phía tây Đà Nẵng còn có một Suối Hoa ở Hòa Phú, hay ngược ra hướng bắc giáp với chân núi Hải Vân, còn có khu “nhà cổ” bên dòng sông Cu Đê, nhưng tất cả hình như mới chỉ là khúc dạo đầu của những ý tưởng lãng mạn, hơn là một quy hoạch theo chiều hướng phát triển bền vững.
Có lẽ nhờ vào những quãng trống mênh mông còn thưa vắng sự can dự ào ạt của công nghiệp du lịch mà thênh thang chỗ cho mây khói và chim chóc bay về.
Cũng chẳng rõ mây khói ở đâu mà nhiều quá thể, từ núi cao từng đám mây trắng xốp như bông la đà bay xuống, từ mặt sông khói trắng mỏng manh bay lên. Con đò ngang đưa tôi qua dòng Cu Đê cứ như từ sương khói mà ra. Thuyền vừa cập bến, đàn cò trắng đậu ven bờ giật mình bay lên chao liệng đầy bến bãi.
Một thế giới tưởng ra xôn xao đầy tiếng động mà lại tĩnh lặng thanh khiết thấm đẫm thấu tận tâm hồn. Có thể nào những dự cảm của con người còn thua xa dự cảm của loài chim chóc, bởi con người còn có những lầm lẫn khi lựa chọn bến đỗ cho mình, còn chim thì “đất lành chim đậu”.
Đó là đúc kết kinh nghiệm sống của người xưa, một giá trị thực nghiệm chứ không hề là sự lãng mạn, và đấy không chỉ là một thông điệp dự báo về môi trường mà còn hàm chứa một triết lý sống nữa.
Thật ra, tôi chưa có ý định ghé Hòa Bắc, mà cứ thẳng đường xa đi Hòa Sơn, Hòa Nhơn, Hòa Khương, theo cái lộ trình thăm viếng những nơi tôi và những người bạn của mình từng tham gia công tác xã hội qua mấy mùa bão lũ, xong rồi quay về.
Thế nhưng Hòa Bắc vẫn là cái địa chỉ quen thuộc. Vả lại cuối năm rồi, thời gian buổi chiều còn thư thả, cứ nhàn tản thảnh thơi mà du xuân. Nhờ bước chân tùy hứng đến và đi như thế, mà tôi phát hiện ra cái bến quê cổ tích hồn hậu đầy ắp chim về.
Nhớ lần đi làm phim văn nghệ, cũng vào độ những ngày giáp Tết như thế này đây. Kịch bản viết về một bến quê, vậy mà cập rập mấy bến sông quanh quẩn vùng ngoại ô Đà Nẵng tìm mỏi con mắt không ra một cánh cò bay.
Xe chạy mãi đến cánh đồng giáp sông Túy Loan mới bắt gặp lưa thưa dăm ba con, nhưng mà… chúng đậu trên cái trụ điện chằng chịt các loại dây nhợ, vậy là phải đuổi cho chúng bay lả bay la, cho ra cái cảnh bến bãi ngày xưa thanh bình.
Bây giờ thì cò vỗ cánh bay, cò đậu trên cây trên cỏ, cả chiếc thuyền tôi vừa cập bờ cắm cây sào xong, chúng cũng đậu lên một cách tin cậy.
Người chống đò (về sau đến lúc chia tay, tôi mới biết tên ông là Tư Bàn) nói rằng, ông làm nghề đánh bắt cá trên sông nước này đã ba mươi năm, hễ gặp ai thích qua lại thăm thú cảnh quan nơi đây thì ông chèo chống kiếm ít đồng tiền công chứ chẳng phải nghề nghiệp đò giang gì.
Mặc dù vậy, tôi vẫn được nghe ông kể những tục lệ xưa ở mỗi bến đò. Hằng năm, đến ngày Tết, mỗi bến đều phải có lễ tất niên cúng ở bến sông, có nơi còn thả những bè chuối sắp sẵn lễ vật lên trên ấy cho trôi ra giữa dòng.
Chi tiết này nhắc tôi nhớ lại tuổi thơ của mình, tôi và lũ trẻ cùng làng đã bao lần bơi ra giữa dòng sông vớt những chiếc bè chuối nhiều khi còn cháy đỏ hương đèn, lấy đồ cúng ăn một cách ngon lành.
Trên bến sông Cu Đê này chẳng có ngày xưa nào của tôi ở đây cả, nhưng nhìn cái bến quê vào buổi chiều cận Tết, sao cứ thấy quen quen bóng dáng những cuộc đời, sao cứ dậy trong lòng lắm nỗi niềm nghe mơ hồ như sương khói trên sông!
Mỗi làng quê một gợi mở, một réo gọi theo từng cái thứ ẩn ngữ tiềm tàng dưới những bóng đa, bến nước, sân đình ấy. Có thể xem đấy là một biên giới vô hình giữ gìn cái con người nhà quê thăm thẳm trong tôi, gọi đó là tình yêu hay là một đức tin cũng đều đúng cả.
Rồi ra, làng quê nào cũng dần hồi sẽ đô thị hóa, nhưng hễ Tết nhứt về là cái cốt cách thần thái trăm năm ấy lại hiện ra trên khắp các đường làng.
Buổi sáng khi viếng thăm trang trại một người quen ở Hòa Nhơn, đúng ra tôi chỉ vào đấy chốc lát rồi còn phải tiếp tục đường trường. Vậy rồi, cái hồ chứa Trước Đông hư ảo trong lõa xõa sương mờ đẹp như tranh vẽ đã níu chân tôi ở lại.
Đã vài ba lần tôi đi thuyền máy cùng người chủ trang trại dạo quanh lòng hồ chứa Trước Đông. Cả một vùng gò đồi mông mênh này giờ đã rợp bóng cây xanh. Đứng trên một đỉnh đồi cao phóng tầm mắt nhìn về phương biển, tôi chợt nghĩ đến một sự đối xứng thú vị.
Cố nhiên là vị thế địa lý giữa một bên là núi đồi chập chùng và một bên là bao la biển cả, bàn tay thiên nhiên đã sắp đặt ra sự độc đáo cho Đà Nẵng rồi. Nhưng sự đối xứng mà tôi vừa chợt phát hiện, đấy chính là cái tĩnh và cái động, có thể hiểu như là tiềm thể và hữu thể.
Nếu suốt những cung đường ven biển tấp nập các dự án theo cách chọn biển làm nền tảng cho phát triển du lịch thì phía núi đồi tĩnh lặng hoang sơ với bao tiềm năng thiên nhiên và cả văn hóa, lịch sử do con người tạo dựng vun đắp.
Từ chỗ tôi đứng ngước nhìn lên đỉnh núi Năm Hố, cách một đường mây bay la đà là tới nơi. Núi Năm Hố ngày xưa là căn cứ cách mạng, đỉnh núi là biên giới của ba xã:
Hướng tây là Hòa Ninh, hướng bắc là Hòa Sơn và hướng nam là Hòa Nhơn. Đây cũng là nơi phát tích ra nguồn nước Hố Dinh chảy về hồ chứa Trước Đông.
Không hiểu vì lẽ bầu không khí thoang thoảng mùi hương trầm tỏa ra từ những mái nhà dưới chân đồi kia đang bày ra cúng tất niên, hay là vì lẽ cái hồn quê hiển lộ theo từng cơn gió bấc se se dìu dặt bước chuyển mùa, để một cõi đất trời huyền dịu nơi đây nhẹ tênh tưởng chừng chạm được niềm thiêng liêng đến trong từng cây cỏ.
Chính cái khoảnh khắc mà mọi cảm xúc rập ràng lên tiếng, thay vì dưới phố xá kia là cả sự huyên náo, thì nơi đây tôi bắt gặp một sự tịch nhiên tĩnh lặng, đến độ tưởng như nghe được dòng đời lắng lại, ngừng trôi, để con người có dịp nghĩ ngơi, tâm hồn được thăng hoa bay bổng cùng đất trời mùa xuân thanh khiết.
Bởi bước chân tùy hứng, tôi không thể cưỡng lại cái địa chỉ du lịch có tên Suối Hoa nghe đầy sức cám dỗ. Điểm du lịch sinh thái này được xây dựng ở làng Phú Túc, xã Hòa Phú, thuộc vùng hạ lưu của dòng sông Lỗ Đông bắt nguồn từ núi cao Trường Sơn chảy về.
Thời con đường 604 còn san nền bạt ta-luy từng mét đất, cứ mỗi lần lên xuống cái dốc Kiềng, tôi ngờm ngợp lo âu. Bây giờ thì nhà gươl và tưng bừng các lễ hội của người Cơtu.
Bây giờ thì Suối Hoa choáng ngợp với những tên gọi quyến rũ mới mẻ như thác Thiên Thai, hồ Bồng Lai. Và rượu cần, rượu tà-vạt hoan lạc theo tiếng đàn H’roa thấm đẫm men say của núi.
Đấy là tôi nói theo cách diễn đạt của người làm du lịch mời gọi. Còn tôi, núi đẹp, núi mời gọi là bởi chính sự hoang sơ muôn thuở. Tiếng nói của đại ngàn là tiếng nói mênh mông, thâm nghiêm của non cao rừng thẳm chứ không phải là một sân khấu thời thượng mang tên về nguồn.
Khơi gợi mọi cảm xúc là biết làm bừng tĩnh cái chân thức trong mỗi con người, để ngộ ra sự mong manh bé nhỏ của mình trước vô tận mà biết cách ứng xử với thiên nhiên, hòa điệu với thiên nhiên.
Hiểu ra như thế cũng là cách biết làm đẹp cho Suối Hoa hay Hòa Bắc, hay bất cứ nơi nào trong cái vòng cung “cao nguyên” xuyên suốt từ Hòa Phú đến núi rừng Hải Vân - Hòa Bắc.
Tạm biệt ông lái đò trên dòng Cu Đê. Suốt một ngày trời không mưa nắng, cho đến cuối chiều mới ánh lên chút nắng vàng không đủ hong ấm mà dễ làm người ta nhớ, tôi cũng chẳng rõ mình nhớ một thứ gì dưới cái màu nắng vàng mông lung ấy.
Dòng sông Cu Đê không hiện thực nữa rồi, mà là tranh vẽ! Đường quê cũng chẳng hiện thực, đường quê ngập tràn khói bay! Tôi nghiệm ra một điều, cái đẹp mang hồn phách xứ sở luôn tiềm tàng trong máu huyết con người.
“Ai không có quê hương kẻ đó không có đồng loại”, ý niệm đó vĩnh hằng trong trái tim toàn nhân loại. Và vì thế du lịch hay du nhàn, không hẳn là những chuyến đi phung phí theo kiểu những nhà trọc phú, mà để được tắm táp lên mình cái đẹp của thiên nhiên và văn hóa, lịch sử của từng xứ sở.
Đấy cũng là cơ hội để mỗi nơi chốn, mỗi miền đất biết quảng bá về sự độc đáo của mình. Trời Tây hay trời Đông gì cũng vậy. Sự độc đáo chính là bản sắc và là sự sáng tạo chứ không phải là những sao chép mòn nhẵn.
Bản sắc là cái nét riêng, là linh hồn của người và đất, và sáng tạo là sự khám phá, tìm tòi cái mới, cái đẹp. Người muôn phương sẽ nhìn vào giá trị đó để hiểu ra chủ nhân của đất ấy là ai.
Ví như cái mùi trầm hương đang thoang thoảng khắp làng quê trên đường tôi về, ngưỡng vọng sự thiêng liêng không thể thay thế bất cứ thứ mùi hương nào khác được. Một khi trong gió đưa tràn ngập cái mùi trầm hương linh thiêng đó tỏa khắp mọi nơi thì đích thị là Tết đang về !
Đà Nẵng, cuối năm 2008
Bút ký của NGUYỄN NHÃ TIÊN