Nghệ thuật thư pháp từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nét đẹp tinh tế này đã bị các loại hình nghệ thuật khác lấn át và bị phai mờ. Chính điều này đã thôi thúc những nhà thư pháp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trăn trở, tìm cách đi riêng với mong muốn góp phần gìn giữ một chút hồn xưa của cha ông ta.
Những hình ảnh ông đồ “cho chữ” ngày xuân đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. |
Nhà thư pháp Nguyễn Ngọc Thạch cho biết: “Nghệ thuật thư pháp hiện nay vẫn có vị trí đáng kể và hàm chứa nhiều giá trị nhân bản, đạo đức xã hội trong thế giới nghệ thuật”. Những người chơi chữ, viết thư pháp như một nhu cầu giao cảm giữa con người với trời đất mỗi độ xuân về. Cả người viết lẫn người nhận chữ đều biết trọng “cõi tinh thần”, biết hướng đời sống về một vẻ đẹp thanh cao. Còn biết chơi chữ, quý chữ, quý người cho chữ là còn biết trọng cái “thiên lương”, là muốn sống sao cho đẹp.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, việc chơi thư pháp, thưởng lãm thư pháp hiện nay không chỉ dừng lại ở tính phong trào mà là sự hiện diện có ý nghĩa của một thú chơi tao nhã, phát huy được cái đẹp, cái hồn của chữ Việt trong lòng người dân nước Việt.
Trong không khí ấm áp của mùa xuân, bên cành mai, chén trà, ly rượu, cùng ngồi ngắm những bức tranh chữ để suy ngẫm về triết lý sống của tiền nhân, để gửi gắm những hy vọng, niềm tin cho một năm mới tràn đầy tốt đẹp thì thật thú vị biết bao. Chính vì lẽ đó, cứ mỗi độ xuân về, chúng ta lại bắt gặp hình ảnh những ông đồ: Văn Chi, Ngọc Thạch, Văn Việt, Hồ Công Khanh, Lê Phước Quang, Ngọc Diệp… “Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua”.
Bài và ảnh: VĨNH KHANG