.
Thế giới sách

Khép lại một nghi án văn chương

.

Trong số những bí mật xung quanh cuộc đời và sự nghiệp của Thâm Tâm, thì bài thơ Hai sắc hoa ti-gôn gắn với ẩn danh T.T.Kh được coi như một huyền thoại văn chương. Nó không ngớt thách đố những phỏng đoán của người đời sau.

Trong khi hàng ngàn câu hỏi vẫn còn treo lơ lửng thì hàng ngàn câu hỏi khác tiếp tục xuất hiện. Tựu trung lại người ta muốn biết T.T.Kh là ai? Nàng là nhân vật có thật hay được hư cấu? Và nếu là thật thì cuộc đời sau đó của nàng ra sao?

Còn nếu là do hư cấu thì vì mục đích gì? Phần lớn mối quan tâm chỉ là do hiếu kỳ, muốn biết càng nhiều càng tốt về một nhà thơ mà mình yêu mến. Giải đáp được câu hỏi này, với những người như vậy, là thỏa mãn một thắc mắc nhiều khi chính mình cũng vô tình góp thêm vào sự thêu dệt.

Nhưng với giới nghiên cứu văn học thì mối quan tâm không chỉ dừng lại ở đó. Ngoài vấn đề lịch sử, việc giải mã bí ẩn T.T.Kh còn là câu chuyện của khoa học: Khoa học văn bản, khoa học về thi pháp, khoa học về ảnh hưởng của những yếu tố ngoại cảnh đến tư tưởng và sự nghiệp của nhà văn và cuối cùng chính là khoa học về thân phận nghệ sĩ trước thời đại.

Chính từ nhu cầu khách quan đó mà hàng trăm công trình nghiên cứu về Thâm Tâm ra đời như đã nói ở phần trên. Mỗi công trình lại gây ra một cuộc tranh luận thú vị nhưng không tránh khỏi càng làm cho việc giải mã trở nên tù mù.

Sở dĩ như vậy trước hết vì người viết chưa đưa ra đủ những căn cứ thuyết phục, thiếu tư liệu hoặc tư liệu bị làm sai lệch vì nhiều nguyên nhân... trong khi lại áp đặt nhiều ý kiến mang tính suy diễn chủ quan, thậm chí là võ đoán.

Vì thế, hình như bạn đọc và giới nghiên cứu vẫn chờ có một tác phẩm công phu hơn, tâm huyết hơn, thuyết phục hơn để có thể yên tâm khép lại vấn đề. Chúng tôi hy vọng đang giới thiệu một công trình như vậy: Huyền thoại hoa ti-gôn của Ngọc Thiên Hoa.

Trước hết, đây là một công trình rất công phu-trên nhiều phương diện-về tác giả Tống biệt hành và nghi án văn chương gắn với ẩn danh T.T.Kh. Điểm đáng chú ý nhất và có lẽ là điểm độc đáo của cuốn sách chính là cách thức sưu tầm và xử lý tư liệu lịch sử.

Chỉ riêng về mặt cung cấp tư liệu thì cuốn sách cũng đã rất cần cho nhiều người. Nhưng không dừng lại ở đó, Ngọc Thiên Hoa, thay vì liệt kê đơn thuần, chị đã làm một cuộc tổng sàng lọc, truy tầm gắt gao những sự thật bị khuất lấp bởi thời gian và bởi trăm ngàn lý do khác. Tác giả sử dụng mọi công cụ mình có để làm điều đó.

Bạn đọc sẽ được chứng kiến một cuộc điều tra thú vị mà đối tượng bị điều tra là... lịch sử. Đó cũng là những trang hấp dẫn nhất của cuốn sách. (Ưu điểm dễ thấy nhất của cuốn sách này là sự hấp dẫn). Tại đó, tác giả cho mình quyền của người đi tìm sự thật để đòi những đối chứng quyết liệt.

Mặc dù những phương pháp mà Ngọc Thiên Hoa sử dụng không phải là mới mẻ. Nhưng cái cách mà tác giả sử dụng thì thực sự đáng ghi nhận và đáng để tranh luận. Vì thế, có thể chỗ này chỗ khác người đọc cảm thấy bị sốc khi nhiều điều từng trở thành ký ức ngọt ngào nay bị bóc trần không thương tiếc và phơi bày ra nhưng sự thật nhuốm màu cay đắng.

T.T.Kh là ai? Tác giả thẳng thừng bác bỏ những giả thuyết liên quan đến một nhân vật phụ nữ có thật mà khẳng định nó là sản phẩm của một màn kịch đầy bi thương nhưng cũng rất thú vị, trong đó nhiều người thủ vai một người và một người thủ vai nhiều người.

Nếu ý kiến của tác giả là đúng thì chúng ta cũng sẽ phải lên sân khấu để nói lời kết, rằng kịch vừa là đời sống vừa không phải, vừa của trí tưởng tượng vừa không phải. Còn hơn cả môt thách thức táo bạo nhất mà chỉ những người có bản lĩnh cao cường mới dám đặt ra và dám chơi tới cùng.

Ngoài điều đó ra, cuốn sách cũng nỗ lực làm sáng tỏ nhiều chuyện, cung cấp cho độc giả một khối lượng tư liệu và kiến thức lịch sử, kiến thức văn chương đồ sộ, một bảng chỉ dẫn tỉ mỉ, đáng tin cậy nhằm đến những căn bản nhất của các sự kiện.

Nhưng khi khép sách lại, bạn khó mà không ngậm ngùi trước lòng thương cảm, sự ngưỡng mộ của tác giả với một tài hoa thơ gặp nhiều lận đận trên đường đời và tình trường là Thâm Tâm. Ngọc Thiên Hoa đã cố trả lại cho ông gương mặt thật vốn vẫn mờ ảo trong huyền thoại và những uẩn khúc của thời gian.

Đó vừa là mục đích xuất phát từ nhu cầu thẩm mỹ và lương tâm, vừa là đòi hỏi khắt khe của sự thật: Không thể cắt xén nhưng cũng không được tùy tiện thêm vào-dù là thêm vào vàng mười-gia tài của một tác giả văn chương.

Cả hai việc làm đó đều là sự xúc phạm tác giả, làm méo mó hình ảnh của họ; xúc phạm bạn đọc và sau hết là xúc phạm lịch sử. Xét từ cách nhìn nhận như vậy, Huyền thoại hoa ti-gôn xứng đáng nhận được sự trân trọng bằng một tinh thần khoa học.

TẠ DUY ANH

(Nhân đọc Huyền thoại Hoa ti-gôn của Ngọc Thiên Hoa Sách do NXB Hội Nhà văn ấn hành)

;
.
.
.
.
.