Trong đời sống của người Cơtu nói riêng và các tộc người vùng Trường Sơn nói chung, con trâu là hình ảnh thiêng liêng nối kết ước vọng của con người với thế giới thần linh.
Bộ xương là hình ảnh của bộ sườn nhà với sống lưng là đòn nóc, các xương sườn là hệ thống vì kèo. Trên đỉnh của ngôi nhà có hai vòng cùng hướng vào nhau như hai cái sừng. Chi tiết hình ảnh con trâu ta sẽ thấy ngay trên hai đầu bậc cấp bằng gỗ khi bước lên Gươl. Hai đầu trâu nhìn chính diện với cặp sừng cong, gờ nổi cao ở hai bên, cái đầu hơi cúi xuống, đôi mắt buồn bên cạnh hai tai được cách điệu cặp xuống.
Cặp đầu trâu này là hai tấm phù điêu chạm trên tấm gỗ dày làm vách tựa lưng của ngôi nhà, được bố trí ở chỗ bắt mắt nhất. Thoạt nhìn tưởng đầu trâu được chạm đục riêng rồi gắn vào vách. Nhưng với kích thước của vách dài trên 7m, rộng 0,5m và dày đến 0,15m, đủ thấy sự khó nhọc của người Cơtu đã tốn nhiều công sức vào rừng chọn những cây gỗ lớn cho phù hợp với ý đồ trang trí của mình.
Một kiến trúc rất quan trọng của người Cơtu là khu nghĩa địa nằm phía Tây của làng. Nơi đây, hình ảnh rõ nhất đập vào mắt chúng ta là quan tài (pink) trên nóc hồi nhà mồ với hai đầu trâu. Con trâu được mô phỏng rõ nét và thật hơn bằng khối tròn của thân cây: sừng, đầu, tai và đôi mắt gắn bằng miếng thủy tinh, chỉ khác thân nó là chiếc quan tài. Quan tài là một thân cây lớn được xẻ làm đôi thành nắp và thân. Thi hài người chết được cải táng đặt vào bên trong thân, nắp đậy lại và được chốt khóa bằng mộng âm dương và mộng đuôi cá.
Với hai kiến trúc quan trọng là Gươl và nhà mồ được trang trí các con vật như chim, rồng, rắn, các loài bò sát hoặc các cảnh sinh hoạt... chúng ta dễ nhận ra rằng hình ảnh con trâu được bố trí chạm khắc ở những nơi quan trọng nhất, bắt mắt nhất của nội, ngoại thất kiến trúc.
Với người Kinh hay các dân tộc Đông Nam Á nói chung, thì con trâu có ý nghĩa quan trọng trong nông nghiệp. Con người xem trâu là “đầu cơ nghiệp”. Phải chăng người Cơtu cũng vậy? Trong tiếng Cơtu, con trâu được gọi là “Tơ ri”, nhưng con bò thì mượn tiếng bò của người Kinh để gọi. Trâu là con vật hiền, có lẽ người Cơtu đã thuần phục được nó trước khi có con bò của người miền xuôi mang lên.
Con trâu được người Cơtu xem như của cải quý giá mà nhà gái thách cưới trong lễ hỏi, cưới, tương tự như đồ sính lễ nhà trai tặng cho nhà gái gồm mã não, chiêng, ché. Người dân cũng thường trao đổi, mua bán cái này với cái kia với đơn vị giá là trâu: 1 trâu, 2 trâu. Khi ai đó vi phạm luật tục của làng cũng bị phạt vạ 1 trâu, 2 trâu.
Là con vật làm trung gian đại diện cho con người, là sứ giả được con người kính cẩn gửi lên gặp gỡ các thần linh (Yàng) trong các buổi lễ: cầu xin (cầu mùa, cầu mưa...), dâng cúng (được mùa), cùng vui (đám cưới, đón khách), tiễn biệt (đám ma, bỏ mả) ở các dân tộc thiểu số sinh sống ở Tây Nguyên và phía Bắc Trường Sơn. Người Cơtu còn sâu sắc hơn khi họ có điệu hát Lý khóc trâu và nhạc chuông dành riêng cho việc khóc tế trâu (Boóch tế trâu).
Trâu được xem là con vật thiêng như thế, người Cơtu quý nó nên khắc hình ảnh trâu lên nơi trang trọng của ngôi nhà chung, là vật dâng cúng thần linh khi người về cõi chết. Khi trâu chết, người Cơtu còn lưu giữ đầu, sừng bằng cách treo ở cây cột cái/cột mệ (Zờ dâng Moong) của Gươl ở vị trí cao nhất.
Nhân năm con trâu - Kỷ Sửu - vài điều giúp các bạn tìm đến văn hóa của người Cơtu ở vùng núi Tây Bắc tỉnh Quảng Nam. Đặc biệt là những ngôi nhà cộng đồng Gươl ở các huyện Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang.
Nguyễn Thượng Hỷ