.

Tản mạn tháng Giêng

.

“Trăm hoa đua nở tháng Giêng”, con người cũng mở lòng theo đó với những cảm xúc thăng hoa, bắt đầu từ nét đan thanh đầy quyến rũ của đất trời hay từ vẻ lãng mạn đến thiêng liêng của tiết xuân ấm áp.

Giao thừa đi qua lòng người và lưu lại ở đó bao ước mong, hy vọng.

1. Tháng Giêng là tháng đầu, mồng Một là ngày đầu và giờ Tý là giờ đầu. Thời khắc quá đỗi đặc biệt này đã khiến cho phút giao thừa bỗng trở nên trang trọng, thiêng liêng trong mỗi người. Đà Nẵng mấy năm trở lại đây, khi các cây kim đồng hồ hợp thành một vạch duy nhất ở đúng con số 12, cùng lúc với pháo hoa thắp sáng một góc trời, tiếng chuông, chiêng, trống, còi... gióng giả báo tin năm mới đã về.

Giao thừa đi qua lòng người và lưu lại ở đó những ước mong, hy vọng cho cả một năm mới. Năm nay, vào thời khắc cực kỳ trang trọng này, ở làng Lỗ Giáng, cụ chánh bái Nguyễn Thiện, 80 tuổi, đã đại diện 26 chư phái tộc trong làng thành kính dâng lên tiền nhân lời nguyện cầu cho ngôi đình cổ làng mình được giữ lại nguyên vẹn nét xưa. Tuy đình chỉ còn phần tam quan và hậu tẩm, nhưng qua nghiên cứu của các nhà sử học thì kiến trúc này rất độc đáo, cả miền Trung chẳng nơi nào có được.

25 tháng Chạp dựng nêu, mồng 9 tháng Giêng hạ nêu. Dòng chảy văn hóa tâm linh khởi nguồn từ hơn 300 năm lập đình đã tụ hội về nơi làng quê giờ thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ này, giữ giềng mối đạo lý “nước nguồn, cây cội” cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Ông Hồ Vọng, Phó Trưởng ban Quản lý di tích đình Lỗ Giáng rất lạc quan sau khi ông được dự buổi họp trong tháng Giêng này với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố. Theo tinh thần buổi họp hôm đó, nguyện vọng của chư phái tộc sẽ được bảo lưu, mặc dù Hòa Xuân sắp có những dự án lớn.

2. Đầu năm, rủ nhau đi chùa, xin chữ, hái lộc... Có chậm lắm cũng chỉ trong tháng Giêng, dân gian có lệ bói bài đầu năm, trong đó phổ biến nhất ở xứ Quảng là bói bài chòi, còn gọi là bài trùng. Xào bài xong, úp xuống chiếu, trai thì dùng tay trái (nam tả), nữ tay mặt (nữ hữu) lật lên nhiều nhất 3 con, căn cứ vào đó mà đoán “vận mệnh” cho cả năm.

Cụ Phan Nghệ, 86 tuổi, một trong những người am hiểu về loại bài cổ truyền này hiện ở thôn Phước Hưng, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, đưa ra ví dụ. Như lật được con Trò (Nhứt trò) thì năm đó làm gì cũng khó: “Đi đâu cắp sách đi hoài/ Cử nhân chẳng thấy, tú tài cũng không”. Con Quăng (Tam quăng) thì ngược lại, có nhiều cơ hội thành công hơn: “Em thương anh, cha mẹ cũng phải theo/ Chiếc ghe buồm đang chạy, quăng neo cũng phải ngừng”.

Ngày xuân, chơi “bầu cua” cũng là một thú vui sau lũy tre làng. Kể cho đủ, phải đến sáu vật trên sáu mặt của khối lập phương: bầu, cua, tôm, cá, gà, nai. Mỗi vật một nết riêng, người ta dựa vào đó mà hình thành một cách bói, gọi là “bói bầu cua”. Tháng Giêng của thời đô thị hóa đã vắng dần những hội chơi bài trùng tiêu khiển bên chén trà thơm trong nhà và nhóm “bầu cua” bên đường làng. Thay vào đó là những tụ điểm đánh bài Tây (nhiều nhất ở phố thị) thâu đêm suốt sáng với những canh bạc có khi tan gia bại sản.

3. “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”? Một số người xưa nghĩ thế, nhưng chỉ “ăn chơi” chừng đó thôi, xong rồi còn phải lo “ăn làm” nữa, như câu bát nối theo: “Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà”. Nhưng cũng có một số người còn kéo dài cái sự ăn chơi thêm nữa: “Tháng giêng ăn Tết ở nhà/ Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè”.

Bên cạnh đó, có không ít người quan niệm Tết không chỉ là lễ lạt mà còn là dịp trông trời đất mưa thuận gió hòa để làm ăn: “Tháng chạp là tiết trồng khoai/ Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà/ Tháng ba cày vỡ đất ra/ Tháng tư gieo mạ, thuận hòa mọi nơi”.

Dân gian xem tháng Giêng là một năm thu nhỏ. Những gì diễn ra trong tháng đầu tiên này sẽ dẫn dắt con người trong những tháng còn lại của năm. Ai cũng hy vọng được chan hòa cùng nhịp sống của toàn xã hội, không như bông hoa cải lạc loài giữa mùa xuân: “Trăm hoa đua nở tháng Giêng/ Có bông hoa cải nở riêng tháng mười”.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.